“Bức tường lửa” nơi biên giới- Kỳ 2: Vượt núi cùng đồng bào chống “bão”

Nguyễn Trung Thành| 23/09/2016 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt nhiều năm, nhiều tháng qua, các ban ngành đoàn thể ở Quế Phong (Nghệ An) đã và đang cố gắng, nỗ lực, cụ thể hóa bằng nhiều hành động nhằm giúp đỡ những người nghiện, người nhiễm HIV “vượt lên số phận, làm lại cuộc đời".

Xem mỗi người nghiện là một bệnh nhân

“Có xóa bỏ được thái độ kỳ thị, xa lánh, xem mỗi người nghiện, mỗi người nhiễm HIV là một bệnh nhân mới có thể giúp họ thoát khỏi mặc cảm, tự ti khi đối diện với cộng đồng. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cần phải cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, mô hình, động viên, khuyến khích và tạo cơ hội cho họ tham gia các hoạt động ở cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể thao; ủng hộ và tạo điều kiện cho họ và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn, việc làm trên địa bàn”, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong chia sẻ.

Với phương châm: “Cùng người nghiện, người nhiễm HIV vượt “bão””, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện Quế Phong như: MTTQ, Hội CCB, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… thường xuyên phân công cán bộ phối hợp với gia đình để giáo dục, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của từng người nghiện, người nhiễm HIV, từ đó chủ động đưa ra các biện pháp quản lý, giúp đỡ phù hợp. Nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã xây dựng được một số mô hình, cách làm hay về cai nghiện ma tuý tại cộng đồng như: “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện, người nhiễm HIV” của Huyện đoàn phát động, thu hút hơn 3.950 lượt đoàn viên tham gia; hay phong trào “Cùng nhau vượt “bão””, “Đồng hành cùng người nghiện, người nhiễm HIV” ở Thông Thụ, Châu Kim, Mường Nọc, Tiền Phong thu hút được sự tham gia của đông đảo đồng bào…

“Bức tường lửa” nơi biên giới- Kỳ 2: Vượt núi cùng đồng bào chống “bão”

 Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong

Từ các chương trình, phong trào đó đã dần xuất hiện những gương cai nghiện thành công, trở thành điển hình làm ăn kinh tế giỏi, như trường hợp anh Lộc Văn Dung ở Mường Nọc, anh Trần Văn Quảng ở Tiền Phong, hay “Người nghiện xuyên thế kỷ” Vi Văn Chung ở Châu Kim… Tất cả họ đều đã từng có một thời lầm lỡ, nhưng được sự giúp đỡ của người thân, gia đình và cộng đồng cùng với ý chí, quyết tâm của bản thân, họ đã sớm từ bỏ ma tuý, vươn lên làm giàu chính đáng. Thậm chí có người có tổng tài sản từ bò, bê, dê, gà… lên tới vài trăm triệu đồng.

“Đối với những người nghiện hay nhiễm HIV, dù quá khứ có lầm bụi thế nào thì họ vẫn luôn cần một nơi an lành và sáng trong để trở về. Điều quan trọng là chúng ta có rộng được lòng mình để không tạo nên khoảng cách. Có làm được như thế, hành trình trở về của họ mới bớt gian nan, xã hội vì thế mà cũng giảm đi được nhiều những nỗi đau”. Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Kiều, Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội huyện Quế Phong.

“Việc tuyên truyền, vận động người nghiện đi cai không chỉ xóa đói giảm nghèo cho chính họ, mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Trong tất cả các phương pháp cai nghiện hiện nay thì phương pháp điều trị bằng Methandone có rất nhiều ưu điểm.

Mỗi ngày người nghiện chỉ cần bớt ra vài chục phút đến Trung tâm y tế uống thuốc, xong lại có thể về để học tập, lao động, tham gia sản xuất bình thường. Đồng thời, việc tham gia vào chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone còn giúp họ giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy”, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong phân tích.

“Đưa Methadone đến với từng người bệnh”

Chính vì muốn phát huy những ưu việt từ chương trình điều trị bằng Methadone cho người nghiện, ông Trung cùng với anh em trong đơn vị liên tục vượt núi, băng rừng xuống từng xã bản, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể đi tuyên truyền, vận động đồng bào. Thậm chí cả già làng, trưởng bản hoặc những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc cũng được huy động tối đa. Tất cả đều vì mục tiêu: “Đưa Methadone đến với từng người bệnh”. 

Ám ảnh và khó khăn nhất trong các chuyến đi xuống địa bàn như thế đối với những cán bộ ở Quế Phong có lẽ là chuyện giao thông, đi lại. Bởi, phần lớn những con đường ở vùng đất biên viễn này đều cong cua, dốc dác, nhiều đoạn một bên thăm thẳm vực sâu, bên kia vách đá dựng trời. Khó khăn, hung hiểm là thế nhưng anh em vẫn cố gắng xuống từng thôn, vào từng nhà, gặp từng người nghiện để phân tích, giảng giải, thuyết phục họ tham gia vào chương trình điều trị.

“Chuyện sẩy chân ngã suối hay “ăn rừng ngủ thác” trong những chuyến đi như thế xảy ra “như cơm bữa”, anh em ở đây ai chả gặp. Thậm chí có cán bộ y tế xã Thông Thụ khi xuống bản, không may bị ngã trẹo rạn cả xương, phải bó bột nằm mất mấy tuần liền. Thế nên, mỗi khi xuống địa bàn, nhiều anh em ở đây vẫn nhắc vui nhau là nhớ mang lương khô, tăng võng, áo mưa, đèn pin, bật lửa để đề phòng bất chợt gặp mưa lũ ngang rừng thì còn có cái mà dùng. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm hai điểm uống Methandone ở Đồng Văn và Thông Thụ, dự tính cuối năm 2016 sẽ đi vào hoạt động. Khi đó, việc điều trị của đồng bào cũng như việc đi lại của anh em trong cơ quan sẽ đỡ vất vả hơn nhiều”, ông Trung kể.

Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên sau gần 2 năm triển khai, chương trình điều trị bằng Methadone ở Quế Phong đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Nếu như ngày đầu tiên hoạt động, chỉ có 7 người đến Trung tâm Y tế huyện điều trị khởi liều thì đến nay số bệnh nhân tự nguyện tham gia chương trình điều trị đã lên tới 80 người. Phần lớn các bệnh nhân sau một hai tháng uống thuốc đều cảm nhận thấy những chuyển biến tích cực như ăn ngon, ngủ tốt tăng cân. Nhiều người đã không còn cảm giác thèm nhớ ma túy hoặc lên cơn, vật vã.

“Bức tường lửa” nơi biên giới- Kỳ 2: Vượt núi cùng đồng bào chống “bão”

Được cán bộ vận động, ông Chung đã quyết từ bỏ ma tuý, vươn lên trở thành điển hình làm ăn kinh tế

Anh Ngân Văn Đồng (SN 1973, ở bản Kim Khê, xã Châu Kim), một trong những bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế, chia sẻ: “Tôi nghiện cả chục năm nay, cũng đã vài ba lần tham gia cai nghiện tại cộng đồng nhưng lần nào cũng thất bại. Chủ yếu là do mình không đủ quyết tâm. Giờ sắp già rồi, phải cai thôi. Từ ngày được uống Methadone, tôi thấy khỏe lên nhiều. Mỗi sáng chỉ mất hơn tiếng đồng hồ cả đi và về, thời gian còn lại tôi vẫn nương rẫy bình thường. Vừa giúp đỡ, chăm sóc được vợ con, mà ra đường hoặc có đi đâu cũng đỡ bị dân bản xì xào bàn tán, cảnh giác đề phòng”.

Cũng nghiện ngót nghét chục năm như anh Đồng, cũng kỳ cụi quẳng bỏ bàn đèn vài lượt xong lần nào cũng mò mẫm tìm nhặt về… dùng tiếp, nhưng chị Lô Thị Bình (SN 1979, ở bản Tạng, xã Tiền Phong) lại có cái nhìn hết sức “thực tế”: “Uống cái này, vừa đỡ tốn tiền, vừa khỏe. Trước kia, mỗi ngày tôi “đốt” đến cả trăm ngàn cũng chả thấy thấm tháp vào đâu. Lúc nào cũng thèm, lúc nào đầu cũng chỉ ong ong làm sao để có tiền mua ma túy. 10 năm nghiện, có khi tôi “hút” hết cả đàn trâu rồi ấy chứ. Vì nghiện mà con cái đói rách, hàng xóm xem thường, kỳ thị. May mà Nhà nước có chương trình này, những người nghiện như chúng tôi cũng đỡ khổ”.

Dùng nhân ái khơi điều thiện

Song song với việc vận động những người nghiện tự nguyện tham gia vào chương trình điều trị bằng Methandone, các cơ quan chức năng của huyện Quế Phong còn đẩy mạnh việc triển khai áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Đặc biệt là đối với những đối tượng đã qua nhiều lần vận động nhưng vẫn nhất định không chịu từ bỏ “con đường nghiện ngập”. Đây cũng là một hình thức răn đe nhằm thức tỉnh, giác ngộ những “con nghiện” khác.

Nhưng, để đưa được số “con nhang, đệ tử” của ma túy “cứng đầu cứng cổ” này vào các trung tâm cai nghiện tập trung bằng biện pháp bắt buộc, cán bộ các cơ quan chức năng của huyện cũng hao tổn rất nhiều công sức. Có đối tượng cố tình né tránh, trốn chui trốn lủi bằng mọi giá; có ông bố nhất định không chịu cho con đi cai vì lý do: “Nó đi thì ai ở nhà lo tiền cho tôi hút?!”. Thậm chí có “con nghiện” còn nổi máu giang hồ, nửa đêm vác gạch cứ nhè nhà Trưởng công an xã mà dốc sức ném vào. Hoặc có trường hợp chống đối đến cùng như Đặng Văn Cường (SN 1984), ở xã Tiền Phong. Mặc bố mẹ hết van vỉ nỉ non, đến dọa “xích chân, trói tay, đóng chuồng, nhốt cũi” hắn vẫn từ chối đi cai. Ngay cả khi bị người nhà “áp tải” đi làm xét nghiệm, Cường cũng nhất định không chịu cho lấy mẫu nước tiểu, dù trước đó hắn đã bị ép uống đến gần 2 lít nước…

“Bức tường lửa” nơi biên giới- Kỳ 2: Vượt núi cùng đồng bào chống “bão”

Bệnh nhân Ngân Văn Đồng: “Từ ngày được uống Methadone, tôi thấy khỏe lên nhiều…”

Để đưa một “con nghiện” đi cai vất vả, hao công tổn sức như thế nhưng không phải đối tượng nào cũng chịu tu tâm, dưỡng tính. Chả cứ gì Quế Phong mà ở nhiều trung tâm cai nghiện khác trên cả nước không hiếm trường hợp những “học viên bất đắc dĩ” ngày đêm ủ mưu, tính kế rồi chỉ chờ cán bộ sơ sểnh chút là đào tường khoét vách hòng bỏ trốn. “Điều quan trọng nhất trong công tác cai nghiện cho học viên là phải làm sao tuyên truyền vận động, đả thông tư tưởng cho họ toàn tâm toàn ý để cai. Bên cạnh việc cắt cơn, điều trị, nhất định phải động viên, khuyến khích và tạo cơ hội cho họ tham gia các hoạt động như văn hóa, văn nghệ, thể thao. Cùng với đó là phải đào tạo cho họ một cái nghề để có thể tự kiếm sống sau này”, ông Nguyễn Xuân Kiều, Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội (Trung tâm GD-LĐ-XH) huyện Quế Phong chia sẻ.

Cũng theo ông Kiều thì trong vòng 5 năm qua, Trung tâm GD-LĐ-XH đã tổ chức cai nghiện cho 410 học viên. Trong số 122 học viên đang tiếp tục cai nghiện ở đây, người ít thì vài năm, người nhiều có thâm niên nghiện đến cả chục năm. Có người đã từng “nhét” hết cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai hương hỏa của cha ông để lại vào trong bàn đèn, nõ điếu. “Quá khứ của học viên lầm lạc là thế, giờ muốn thức tỉnh, muốn giác ngộ họ thì phải từng bước. Mềm mỏng, cứng rắn tùy lúc và tùy vào từng đối tượng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải cố gắng lay động, thức tỉnh phần Người trong họ. Làm được như vậy mới giảm bớt được tình trạng tái nghiện sau này”, ông Kiều tâm sự.

Quả thật, với cái nhìn rộng lượng, bao dung, đồng cảm và đầy sẻ chia của những người cán bộ ở Quế Phong như ông Giáp, ông Kiều, ông Trung và nhiều người khác nữa, hành trình vượt qua “cơn bão ma túy”, “cơn bão ết” để trở về của những người từng một thời lầm lỡ đang ngày một gần hơn, không còn xa thăm thẳm. Và điều quan trọng nhất là trên hành trình đó, họ sẽ không còn cô đơn. 

Chánh án TAND huyện Quế Phong Võ Thạch Hùng: “Trong 2 năm vừa qua, TAND huyện Quế Phong đã ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với hơn 220 đối tượng. Đây phần lớn là những người nghiện ma túy lâu năm, không chịu tham gia điều trị Methandone”.

* Còn tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tường lửa” nơi biên giới- Kỳ 2: Vượt núi cùng đồng bào chống “bão”