Bất chấp lệnh cấm, bóng cười vẫn tấp nập kẻ bán người mua

Hoàng Đặng Hải Phong| 25/07/2019 14:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ xuất hiện tại các quán bar, bóng cười tạo ảo giác hiện đang được bán công khai từ quán cà phê vỉa hè đến các tụ điểm ăn chơi, thậm chí có thể đặt mua qua mạng xã hội như một món hàng thông thường.

Ngang nhiên dùng chất cấm

Dù mới du nhập vào nước ta chưa lâu nhưng cảm giác kích thích, hưng phấn và có thể gây ảo giác khi sử dụng đã khiến bóng cười được nhiều thanh niên ưa thích, lựa chọn là thú vui tiêu khiển, bất chấp cảnh báo nguy hại đến sức khỏe.

Vài năm trở lại đây, để có đông khách hàng, nhất là thanh thiếu niên đến với các cơ sở vui chơi, giải trí, nhiều chủ vũ trường, quán bar, quán karaoke... đã sử dụng nhiều cách thức, chiêu trò để lôi kéo. Một trong số đó là bán và tổ chức cho khách sử dụng bóng cười. Ngay tại Thủ đô, bóng cười vẫn được bán công khai, người ta có thể tìm mua chúng ở khắp mọi nơi.

Trước tác hại của việc sử dụng khí N2O (Nitrous Oxide) tràn lan, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí, vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh. Như vậy, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) đã được xếp vào danh mục cấm tại Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cũng có công văn yêu cầu các sở ban ngành, đoàn thể của TP và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến bóng cười, shisha, cỏ Mỹ, tem giấy.

Bất chấp lệnh cấm, bóng cười vẫn tấp nập kẻ bán người mua

Bóng cười là "đồ chơi" thông dụng của giới trẻ mỗi khi đi bar.

Tuy nhiên, sau quyết định thông qua lệnh cấm này, các cơ sở kinh doanh khí N2O vẫn tiếp tục buôn bán công khai. Ở các khu vực phố cổ như: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân… dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ thở ra hít vào loại bóng được bơm khí NO2. Đặc biệt, số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả bóng cười không cao, chỉ từ 40.000 đồng - 60.000 đồng/quả. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là dân chơi cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, chỉ cần lên Google gõ từ khóa: "Ship bóng cười tại Hà Nội", sẽ có hàng loạt những địa chỉ buôn bán và vận chuyển bóng cười sẽ phục vụ người mua tận nơi. Với những lời mời chào “Cam kết khí loại 1 - nguyên chất”, “Không phải hàng trôi nổi giá rẻ”, “Chơi không phê đền gấp đôi”, mỗi ngày hàng trăm bình khí bóng cười vẫn được ngang nhiên vận chuyển tới tay khách hàng.

Hậu quả lâu dài

Dễ mua, dễ sử dụng và được dùng tràn lan, bóng cười đã gây ra nhiều hệ lụy xấu. Tại đêm Nhạc hội mùa thu được tổ chức vào tháng 9/2018 tại Công viên nước Hồ Tây đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến 7 người tử vong và nhiều người ngất xỉu. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tất cả các nạn nhân đều có sử dụng bóng cười và dương tính với ma túy.

Mới đây, tại một quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, một thanh niên cũng đã tử vong do sử dụng bóng cười liên tục trong nhiều giờ. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, khí N2O khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái lúc mới hít, nhưng nếu sử dụng nhiều có thể gây ra các rối loạn dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bóng cười có chứa khí N2O khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu, giảm khả năng sinh sản. Dù chỉ sử dụng một lần nhưng nếu liều lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.

Bất chấp lệnh cấm, bóng cười vẫn tấp nập kẻ bán người mua

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích tác động của N2O vào hệ thần kinh.

“Khí N2O dùng từ 2 lần trở lên là có hại cho sức khỏe, gây yếu, liệt thần kinh, suy tủy, giảm khả năng sinh sản... Cơ chế ảnh hưởng tác động của N2O vào hệ thần kinh của người giống hệt như ma túy”, bác sĩ Nguyên khẳng định.

Nguy hiểm hơn, khi đã quá quen cảm giác "phê" ảo giác của bóng cười, người dùng sẽ cảm thấy nó không tạo ra nhiều kích thích nữa, lúc này họ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác"phê" mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển, thần kinh còn chưa ổn định nếu lạm dụng loại khí cười này sẽ càng nguy hiểm.

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do sử dụng bóng cười, shisha... Thậm chí, có thời điểm gần như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính do sử dụng các chất kích thích nêu trên. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người đang ở độ tuổi đi học và lao động, trong đó có cả học sinh. Do bị tác động tim mạch, có người tử vong nhanh chóng, thậm chí chết trước khi tới được bệnh viện.

Hà Nội đã chính thức cấm sử dụng khí N2O cho mục đích vui chơi giải trí. Bất chấp những rủi ro do việc hút bóng cười mang tới, bất chấp lệnh cấm, một bộ phận không nhỏ giới trẻ vẫn đang lạm dụng loại khí hóa học này với mục đích mua vui tức thời. Để lệnh cấm được thực thi hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền cơ sở trong việc điều chỉnh chế tài theo hướng đủ sức răn đe đối với các hành vi kinh doanh, sử dụng bóng cười, không nên dừng lại ở mức độ tuyên truyền như hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp lệnh cấm, bóng cười vẫn tấp nập kẻ bán người mua