Ẩn họa từ những video phản cảm, bạo lực trên Youtube

Thảo Nguyên| 25/06/2019 08:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu như các kênh truyền hình hay những kênh giải trí được đưa lên ti vi, ít nhất phải chịu sự kiểm soát của nhà đài hoặc có hội đồng thẩm định thì Youtube lại vô cùng thoải mái đăng tải những nội dung “thượng vàng hạ cám” mà việc xét duyệt còn buông lỏng.

Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, Internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Trên môi trường đó, Youtube - mạng xã hội chia sẻ video của “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm Google đã và đang thu hút nhiều người truy cập để giải trí và học tập. Thế nhưng, cũng chính từ mạng xã hội ấy ngày càng xuất hiện những “hạt sạn” lớn, tác động sâu rộng tới cộng đồng mà khi nhìn lại, không ít người phải giật mình.

Clip bẩn và độc hại tràn lan

Mỗi phút trên Youtube có thêm 400 giờ video mới được đăng tải - con số cho thấy độ phủ sóng của mạng chia sẻ video trực tuyến này. Vậy nên, chẳng mấy ngạc nhiên khi hiện nay việc sản xuất các nội dung ở mọi lĩnh vực và đưa lên Youtube không còn là xu hướng nhất thời.

Những năm trở lại đây, kiếm tiền trên Youtube được nhiều người quan tâm và thực hiện, không ít người kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng bằng việc đăng tải các clip, video lên Youtube. Khi lượng người xem nhiều và hiển thị quảng cáo, người đăng tải clip, video sẽ kiếm được tiền từ các nhãn hiệu quảng cáo thông qua Youtube. Lượng người xem càng nhiều, đồng nghĩa với việc tiền quảng cáo càng nhiều. Vì thế, không ít người làm nội dung bất chấp các giá trị về văn hóa, giáo dục, làm các clip phản cảm nhưng gây tò mò, kích thích, dung tục để thu hút người xem và kiếm tiền.

Thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, trêu chọc phụ nữ nơi công cộng… là những tiêu đề thường bắt gặp trên nền tảng video này. Chưa kể, các nội dung trên được lan truyền và tái sản xuất từ kênh này đến kênh khác nhằm mục đích câu view. Ngoài ra, đối với một số kênh Youtube non trẻ, để đạt được lượng người xem kỳ vọng, họ sẵn sàng thực hiện vô số những nội dung phản cảm. Trong đó, các chủ đề dung tục lần lượt xuất hiện tràn lan như: Chạy xe đi thu mua quần áo lót cũ, trêu đùa gái mại dâm, dùng băng vệ sinh làm ví tiền…

Đặc biệt, sau khi những cái tên Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… cùng vô số kênh Youtube “giang hồ” bỗng chốc rầm rộ xuất hiện, tung lên những hình ảnh phản cảm, dung tục, bạo lực… và thậm chí trở thành thần tượng được giới trẻ chào đón ồn ào ngoài đời thực, cộng đồng bỗng giật mình nhận ra Youtube đang là một đống hổ lốn, chứa chấp, cổ vũ cho vô số hành động nhảm nhí để gây sốc, câu view.

Ẩn họa từ những video phản cảm, bạo lực trên Youtube

Không gian rộng lớn của Youtube là môi trường thuận lợi để phát tán các video nội dung độc hại

Mặc dù các nội dung nhạy cảm này đã được Youtube giới hạn độ tuổi người xem, tuy nhiên, chỉ bằng thao tác tạo một tài khoản Google, người xem có thể dễ dàng tiếp cận nội dung kể trên. Ngoài ra, các đoạn video trên còn được các trang giải trí trên Facebook, Instagram cắt ghép những trích đoạn với mục đích tương tự càng làm gia tăng tốc độ lan truyền của các sản phẩm này. Đáng chú ý, đa số khán giả của các kênh nội dung này đều là người trẻ với lượng theo dõi và tương tác gây kinh ngạc.

Với số lượng kênh tăng lên chóng mặt, môi trường Youtube dần trở thành một nền tảng kiếm tiền lý tưởng cho đại đa số người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đã kéo theo nhiều hệ lụy và thách thức trong việc rà soát và kiểm định nội dung đối với trang video lớn nhất thế giới này.

Ngăn chặn như "bắt cóc bỏ đĩa”

Youtube có mặt ở nước ta hàng chục năm nay nhưng cũng là một trong những mạng xã hội mở được tự do, thoải mái về mặt nội dung sản phẩm. Nếu như các kênh truyền hình, phim ra rạp hay những kênh giải trí được đưa lên ti vi, ít nhất phải chịu sự kiểm soát của nhà đài hoặc có hội đồng thẩm định thì Youtube lại vô cùng thoải mái đăng tải những nội dung “thượng vàng hạ cám” mà việc xét duyệt còn bị buông lỏng. Thoải mái nhất là khi ai cũng có thể là chủ nhân của một kênh trên Youtube chỉ bằng vài bước click chuột rồi tha hồ “tung hoành”.

Giữa bối cảnh người người, nhà nhà xem Youtube còn nhiều hơn xem TV như hiện nay, rất đông phụ huynh vì quá bận rộn để mặc con trẻ “dán mắt” vào những video trên Youtube. Những video nhảm nhí tràn lan sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho việc hình thành nhân cách, tư duy trẻ nhỏ. Không nói đâu xa, những bản nhạc chế với giai điệu dễ dàng, bắt tai nhưng lại đi kèm với lời lẽ thô tục đang rất phổ biến trên Youtube, chỉ sau một vài lần nghe, trẻ con có thể hát làu làu theo những bài hát đó.

“Nhiều lúc tôi xem các video này thấy chối tai, nhức mắt vô cùng vì chả đâu vào đâu. Vậy mà không hiểu sao mấy đứa nhỏ lại thuộc nhanh đến vậy?!”, anh Nguyễn Hà (phụ huynh, Hà Nội) chia sẻ.

Hay như những clip của Khá Bảnh, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền cũng như nhiều Youtuber khác với lối dẫn chuyện bằng những hành vi trái với chuẩn mực xã hội, đã gây ảnh hưởng không ít với trẻ nhỏ. Một số độc giả tâm sự rằng, con của họ từng ước ao sau này lớn lên trở thành Youtuber và “thần tượng” Khá Bảnh vì “anh ấy làm những thứ đơn giản mà vẫn kiếm được tiền”.

Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên Youtube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của nhà chức trách nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cơ chế kiểm duyệt của Youtube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Phía Việt Nam phải mất 1,5 năm (từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019) làm việc với Google để gỡ 8.000 video có nội dung xấu độc nhưng việc đăng tải các video xấu, độc khác lại rất nhanh.

Trong 2 năm vừa qua, Google cũng đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Google hiện nay cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ví dụ kênh Khá Bảnh chỉ mất 6 tiếng để gỡ nhưng lại không có cơ chế giám sát những clip bị gỡ. Vì thế ngay sau đó, những video này được đăng tải lại và vẫn thu hút nhiều người xem.

Ngoài ra, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.

Youtube thừa nhận không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo và chính họ cũng không thể xem thủ công tất cả các video. Vì vậy người dùng nếu thấy trường hợp vi phạm tốt nhất nên báo cáo cho họ. Điều này cho thấy Youtube đang đẩy sự kiểm duyệt nội dung cho người dùng mà không có biện pháp triệt để ngăn chặn những nội dung độc hại.

Trong những năm qua, Youtube đã liên tục đầu tư cả về con người lẫn công nghệ như sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt nội dung video trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, những đầu tư này dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ những video phản cảm, bạo lực trên Youtube