65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đóng lại một trang sử, để mở ra một trang khác

Ý Thơ| 03/05/2019 06:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu nói trên của Tổng thống Pháp thứ 21 François Mitterrand trong chuyến thăm Việt Nam năm 1993 đã được GS.TS Phạm Quang Minh nhắc lại như một thông điệp chủ đề của hội thảo nhân kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Trong hai ngày 2-3/5, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế Kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ - Nhìn từ góc độ quốc tế và địa phương.

Hội thảo kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ lần này được tổ chức với sự phối hợp của 5 đơn vị gồm: Đại học Paul - Valéry Montpellier 3 (Pháp), Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Học viện Ngoại giao Việt Nam và hai thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Ngoại ngữ và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV).

65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đóng lại một trang sử, để mở ra một trang khác

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV cho biết: Cách đây đúng 15 năm, trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức một hội thảo quốc tế lớn kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ. Với tư cách là trường đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, ĐHKHXH&NV luôn là diễn đàn trao đổi học thuật tăng cường hợp tác quốc tế, và năm nay nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện Điện Biên Phủ, trường ĐHKHXH&NV đã sẵn sàng cùng với các đối tác tổ chức diễn đàn này.

GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh 65 năm đã trôi qua, nhưng dư âm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng ở nhiều nơi trên thế giới, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự, văn hóa… Đó chắc chắn không thể là sự kiện có thể bị lãng quên trong tình hình toàn cầu. 65 năm đã trôi qua, Điện Biên Phủ đã trở thành một điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị, và hợp tác giữa các dân tộc.

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Quang Minh, quan trọng nhất đối với nhân loại là khép lại quá khứ, và hướng tới tương lai sau mỗi một cuộc chiến tranh. Ông cũng nhắc lại sự kiện năm 1993, Tổng thống Pháp khi đó là François Mitterrand năm đã đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo phương Tây đến Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa phương Tây và Việt Nam nói chung, và quan hệ giữa Pháp và Việt Nam nói riêng. Theo Tổng thống Mitterrand, nước Pháp cần trở lại Việt Nam không phải thông qua chiến tranh, mà là các chương trình hợp tác, như tham gia khối Pháp ngữ Francophonie, thông qua hoạt động của trường Viễn Đông bác cổ và các hiệp định hợp tác văn hóa và kinh tế.

“Đặc biệt trong chuyến thăm lịch sử đó, Tổng thống Mitterrand đã có một hành động được coi là “dũng cảm” khi quyết định đến thăm Điện Biên Phủ. Trả lời câu hỏi của báo chí về ấn tượng của ông khi đến thăm Điện Biên Phủ, Tổng thống Mitterrand đã nói: Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại, để cảm nhận lại tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hi sinh của binh lính, tất nhiên không quên cả những người khác. Và trong bài phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Mitterrand tuyên bố: Tôi đến đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết.

Trao đổi bên lề hội thảo, GS. Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh cho biết đây là lần thứ hai trường ĐHKHXH&NV cùng với phía Pháp tổ chức một hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cho rằng hoạt động này có một ý nghĩa hết sức thú vị.

Theo giáo sư, “chiến tranh đã qua lâu rồi, chuyện bạn - thù cũng đã qua từ lâu, giờ đây các nhà khoa học của cả hai phía đều cùng ngồi với nhau để nghĩ, để nghiên cứu về những sự kiện từng diễn ra”. “Về mặt khoa học, qua hội thảo này, có thể làm sáng tỏ những vấn đề để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho sau này; còn về mặt tình cảm, qua sự kiện này giúp gắn bó các nhà khoa học với nhau và qua đó gắn bó nhân dân hai nước với nhau”, GS. Vũ Dương Ninh chia sẻ.

Giáo sư đánh giá sự kiện này có thể được coi là một hoạt động cụ thể cho thấy “Chúng ta đang thực hiện đúng phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì sự nghiệp chung của nhân dân hai nước, vì tình đoàn kết và sự phấn đấu của nhân dân thế giới cho hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại”.

“Đây là một ví dụ rất cụ thể, rằng chúng ta đang tiến tới sự hòa hợp, đúng như đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Và chúng tôi, các nhà khoa học trong nước và thế giới nghiên cứu về lịch sử để đóng góp cho sự phát triển tương lai của chúng ta”, GS. Vũ Dương Ninh nói.

Theo Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV, chủ đề của hội thảo quốc tế lần này nhấn mạnh sự kiện Điện Biên Phủ nhìn từ góc độ quốc tế và địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững quan hệ hai nước Pháp và Việt Nam, và giữa các địa phương giữa hai quốc gia, cũng như các chủ đề khác được trao đổi, thảo luận ở các mức độ khác nhau.

Diễn ra trong hai ngày 2-3/5/2019, hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện Điện Biên Phủ không nhằm làm sáng tỏ những diễn biến về quân sự, hay những mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự trong và sau cuộc chiến vốn đã được nghiên cứu từ trước tới nay, mà đặt ra mục tiêu cơ bản là nhằm làm rõ và đặt sự kiện này trong sự phân tích theo ba cấp độ gồm: cấp độ địa phương, cấp độ quốc tế và xuyên quốc gia, và cấp độ tưởng niệm và triển vọng thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, và phát triển bền vững mối quan hệ địa phương.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đóng lại một trang sử, để mở ra một trang khác