Tin nhanh

WHO thay đổi khuyến nghị đối với vaccine COVID-19

Bạch Dương 29/03/2023 - 11:11

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra một số thay đổi liên quan đến khuyến nghị đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, WHO đề xuất những người có nguy cơ cao nên tiêm một liều bổ sung sau 12 tháng kể từ lần tiêm nhắc lại gần nhất.

Reuters cho biết, khuyến nghị được WHO đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang áp dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với vaccine COVID-19 cho người dân, tùy theo điều kiện kinh tế của từng nước. Chẳng hạn, một số nước có thu nhập cao, như Anh và Canada, đã cung cấp mũi vaccine tăng cường cho những người có nguy cơ cao vào mùa Xuân này, tức là 6 tháng sau mũi gần nhất.

who-khuyen-nghi-tiem-covod.jpg
Ảnh minh họa

Trong khuyến nghị mới nhất của WHO, Reuters cho biết, tổ chức này đã xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi, cũng như những người trẻ tuổi có các yếu tố rủi ro đáng kể khác. WHO cho rằng, đối với nhóm này, việc tiêm bổ sung vaccine COVID-19 nên được tiến hành từ sau 6-12 tháng, kể từ lần tiêm gần nhất, dựa trên các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, WHO cũng xác định trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là là nhóm “ưu tiên thấp” và kêu gọi các quốc gia xem xét các yếu tố, như gánh nặng bệnh tật, trước khi khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm này.

Theo WHO, khuyến nghị của tổ chức này nên được coi là lựa chọn cho một nhóm nhỏ những người có nguy cơ đặc biệt, song nhằm mục đích hướng dẫn tiêm chủng tốt nhất trên toàn cầu.

Cũng theo Ủy ban chuyên gia của WHO, mũi vaccine COVID-19 tăng cường - gồm hai mũi bắt buộc và một mũi bổ sung không còn được khuyến nghị thường xuyên cho những người “có nguy cơ trung bình”.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu về vaccine COVID-19 đã giảm mạnh trong năm nay do lượng tồn kho trên khắp thế giới tăng lên, khả năng miễn dịch của người dân cũng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng cao và nhiều người có miễn dịch sau khi mắc bệnh trước đó.

3 năm sau khi WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiệu quả của các loại vaccine. Và thực tế đã cho thấy, tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.

Ngày 22/3 vừa qua, Trung Quốc đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA đầu tiên do nước này tự phát triển. Vaccine trên do công ty dược phẩm CSPC Pharmaceutical của Trung Quốc phát triển.

Vaccine công nghệ mRNA được đánh giá là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất trong việc giảm số ca mắc và số ca tử vong vì COVID-19. Khác với các loại vaccine truyền thống sử dụng virus đã bị làm yếu hoặc bất hoạt, vaccine công nghệ mRNA “dạy” các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể con người.

Đối với COVID-19, vaccine này chỉ dẫn các tế bào sản sinh ra một protein gai trên virus gây bệnh này. Sau đó, hệ miễn dịch trong cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại protein gai, nhờ đó, hệ miễn dịch được chuẩn bị để sẵn sàng chống lại khi virus thực sự xâm nhập cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO thay đổi khuyến nghị đối với vaccine COVID-19