Trong bối cảnh một số quốc gia đưa ra yêu cầu du khách Trung Quốc đại lục cung cấp xét nghiệm âm tính với COVID-19 nếu muốn nhập cảnh, các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết: Không phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.
Thông tin trên được các quan chức WHO đưa ra khi công bố các dữ liệu do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cung cấp.
Trước đó, vào ngày 3/1, một số quan chức WHO đã có cuộc gặp với các nhà khoa học Trung Quốc để thảo luận về tình hình dịch bệnh tại nước này. Cơ quan này cũng yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc trình bày dữ liệu chi tiết về trình tự virus, số ca nhập viện, số ca tử vong và tiêm chủng.
Ảnh minh họa
CDC Trung Quốc đã tổng hợp và phân tích hơn 2.000 gene từ các mẫu bệnh phẩm. WHO cho biết những dữ liệu trên trùng khớp với những dữ liệu được các quốc gia trên thế giới cung cấp dựa trên kết quả giải trình tự gene virus trong các mẫu bệnh phẩm từ những du khách Trung Quốc. Theo đó, các dữ liệu phản ánh không có biến thể mới hay đột biến đáng chú ý nào.
Những dữ liệu phân tích được CDC Trung Quốc cung cấp cho thấy, các dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của biến thể Omicron đang là những dòng gây bệnh chủ đạo ở nước này. Cả hai dòng phụ này gây ra khoảng 97,5% số ca mắc mới tại Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Quốc Trung kêu gọi phối hợp hiệu quả giữa đối phó với dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn chuyển đổi có trật tự sang quản lý dịch bệnh COVID-19 theo nhóm B.
Vừa qua, ông Lưu đã đến tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh để tìm hiểu và chỉ đạo quá trình ứng phó với dịch bệnh COVID-19 ở những khu vực này. Phát biểu trong chuyến thị sát, ông nhấn mạnh cần chú trọng ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở các vùng nông thôn, đảm bảo nguồn cung dược phẩm phù hợp, đặc biệt ở các trung tâm y tế thị trấn và các trạm y tế thôn.
Ông Lưu Quốc Trung cũng yêu cầu chuyển các bộ dụng cụ y tế điều trị COVID-19 cho các nhóm trọng điểm ở vùng miền núi và cử nhân viên y tế tới tận nhà điều trị cho người dân mắc bệnh ở những khu vực hẻo lánh. Ông nhấn mạnh phải cải thiện cơ chế chuyển viện nhanh chóng để bệnh nhân COVID-19 ở nông thôn được điều trị tại các cơ sở y tế ở thành phố.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 tại Trung Quốc có chiều hướng tăng sau khi nước này điều chỉnh các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, cho phép dỡ bỏ nhiều hạn chế và nới lỏng các quy định phòng, chống dịch. Ngày 26/12/2022, Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023 và dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch.
Trước điều chỉnh này, một số nước tỏ ra thận trọng, theo đó tăng cường kiểm dịch với những người đến từ Trung Quốc.
Ngày 4/1, các quan chức y tế của Liên minh châu Âu (EU) đã họp để thảo luận về phản ứng chung với tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Bồ Đào Nha ở Lisbon, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin ủng hộ EU có phản ứng chung trong tình hình hiện nay.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới đối với các du khách đến từ Trung Quốc đại lục để ngăn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.
Hiện nay, Nhật Bản chỉ yêu cầu các du khách nhập cảnh phải làm xét nghiệm kháng nguyên nếu đến từ Trung Quốc đại lục và hoặc đã tới khu vực này trong vòng 7 ngày trước đó. Về nguyên tắc, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly ở các cơ sở cách ly trong vòng 7 ngày.
Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên ở tỉnh Mie, Thủ tướng Kishida cho biết, kể từ ngày 8/1, các du khách đến từ Trung Quốc đại lục sẽ phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tới Nhật Bản và phải làm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có độ chính xác cao hơn khi đặt chân tới nước này.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Kishida, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không không tăng số lượng chuyến bay trực tiếp giữa nước này và Trung Quốc đại lục.
Đài truyền hình NHK dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này dự định sẽ ứng phó một cách linh hoạt trong lúc theo dõi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.