Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá chất béo chuyển hóa có tính độc hại khiến 5 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong.
Trong báo cáo năm 2022 về loại bỏ chất béo chuyển hóa toàn cầu vừa được công bố, WHO đã đề nghị các nước cấm chất béo chuyển hóa làm tắc nghẽn động mạch và tăng cholesterol.
WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trên toàn thế giới vào năm 2023 do nguy cơ gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm.
Ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa có thể dẫn tới bệnh tim. Ảnh minh họa
Cơ quan y tế này cho biết, mặc dù 43 quốc gia đã áp dụng các chính sách tốt nhất nhưng vẫn có hơn 5 tỷ người không được bảo vệ. Trong đó, Ai Cập, Australia, Hàn Quốc, Iran, Pakistan và Ecuador nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh tim cao do chất béo chuyển hóa.
Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tác hại nguy hiểm của chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, đặt ra nhiều nguy cơ lớn cho sức khỏe con người, khẳng định đây là chất độc giết người và cần phải được loại bỏ khỏi thực phẩm.
Không chỉ không mang lại lợi ích, chất béo chuyển hóa đặt ra nhiều nguy cơ lớn cho sức khỏe con người, làm gia tăng chi phí khổng lồ cho hệ thống y tế.
Chất béo chuyển hóa thuộc nhóm chất béo không bão hòa, là hợp chất nhân tạo của dầu chế biến công nghiệp. Chất béo này dễ tìm thấy bên trong những loại thực phẩm như đồ chiên ngập dầu, bánh, các loại thực phẩm đóng gói...
Loại chất béo này khi vào cơ thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Theo WHO, các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, hạt cải dầu và dầu ô liu có thể được dùng làm các chất thay thế lành mạnh hơn cho chất béo chuyển hóa.
Để biết thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa hay không, hãy kiểm tra nhãn. Nếu thành phần có ghi "dầu hydro hóa", điều đó đồng nghĩa sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa.