Các nhà khoa học nghi ngờ rằng tiêu thụ nhiều mỡ động vật có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Queensland và Đại học Nam Queensland (Australia) do các giáo sư Yin Xiao và Lindsay Brown dẫn đầu đã làm rõ mối liên quan giữa chất béo trong chế độ ăn và sự xuất hiện của viêm xương khớp.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý mối liên quan giữa bệnh viêm khớp xương với việc dùng nhiều các chất béo bão hòa như mỡ động vật, dầu cọ, bơ và dùng nhiều dạng carbohydrate đơn giản. Đây là chế độ ăn có mức độ chất béo và carbohydrate cao, từng được biết dễ gây hội chứng chuyển hóa.
Kết quả cho thấy, một chế độ ăn uống có chứa 20% chất béo bão hòa và các đường đơn “gây ra những thay đổi ở đầu gối giống như viêm xương khớp”.
GS Yin Xiao - người dẫn đầu nghiên cứu giải thích: “Sự lắng đọng chất béo bão hòa trong sụn sẽ thay đổi sự chuyển hóa và làm suy yếu sụn, từ đó sụn dễ bị tổn thương hơn, dẫn tới đau xương khớp do mất tác dụng đệm của sụn”.
Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Thay thế các chế độ ăn chứa acid palmitic từ dầu cọ hoặc acid stearic bằng acid lauric từ dầu dừa có thể khiến ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị viêm xương khớp hiệu quả”.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports .