Vườn cây ngũ quả của “phù thủy” nông dân

Tuyến Dương| 28/01/2015 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu, anh đã thành công trong việc ghép 5 loại quả cùng trên một thân cây. Cây ghép đến đâu, khách đặt hàng mua trước đến đó. Mỗi dịp Tết, những chậu cây ngũ quả đem lại thu nhập cho anh hàng trăm triệu đồng.

Triệu phú miệt vườn

Đến thăm vườn cây của anh Nguyễn Văn Tỉnh, làng Ngọc Trục, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), những chậu cây ngũ quả với đủ loại màu sắc, tỏa mùi thơm ngát khiến ai cũng phải trầm trồ.

“Đây là sản phẩm độc nhất vô nhị mà tôi phải mất gần bốn năm mới có thể làm ra; công sức, tâm huyết đều dồn cả vào nó. Đây cũng là niềm tự hào mà không phải ai cũng có được”, anh Tỉnh chỉ tay về phía những chậu cây ngũ quả.

Xuất thân là một người thuần nông, đã có những giai đoạn, gia đình anh được xếp vào diện những hộ nghèo nhất của phường Đại Mỗ. Tuy nhiên, với cơ duyên trời ban, năm 2007, anh biết tới giống cam canh và bắt đầu thử nghiệm trồng giống cây này.

Anh cười: “Đúng là cái khó ló cái khôn. Khi đó, làng Ngọc Trục được biết đến với nghề trồng hoa đào, chẳng ai nghĩ đến việc trồng cây khác. Tôi thấy trồng đào cũng chỉ đủ tiêu sinh hoạt hàng ngày nên quyết định chọn cây cam canh làm hướng đi cho mình. Nhiều người, trong đó có cả vợ tôi tỏ ra nghi ngờ, lo lắng sẽ thất bại”.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, anh đã thành công trong việc phát triển kinh tế bằng cây cam. Hiện nay, thu nhập của gia đình anh từ cây cam lên tới 700 - 800 triệu đồng/năm. Ngoài 2ha cây ở Đại Mỗ, gia đình anh còn thuê thêm gần 3ha đất tại Chi Nê, Hòa Bình với 8 nhân công để trồng cam canh.

Thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, một số hộ trong vùng cũng chuyển hướng sang trồng cam canh, nhưng đều không được như mong muốn. Theo giải thích của anh, trồng cam canh cần phải có bí quyết riêng mới có thể cho quả sớm, nhiều. Người trồng phải biết tiện thân cây nhằm thay đổi sự trao đổi chất, ép cho hoa đậu nhiều, ngoài ra cần chặt rễ và vun đất cao xung quanh gốc.

Sau một năm gắn bó với cây cam canh, ý tưởng ghép nhiều loại quả trên cùng một cây bỗng nảy sinh trong đầu. Anh nghĩ rằng, người ta thường bày mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết, nếu có thể lai ghép được cây ngũ quả chắc chắn sẽ được nhiều người thích. Nghĩ là làm, ngay lập tức anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm.

“Cứ nghĩ là ghép các loại cùng họ sẽ dễ nhưng lại vô cùng khó. Thời gian đầu, tôi ghép hỏng tới cả trăm gốc, khi thì cây bị héo, khi thì quả bị teo hoặc quả này chín rụng rồi mà quả kia vẫn còn xanh. Cây nào tốt thì cũng chỉ được tối đa đến 3 loại quả”, anh chia sẻ.

Vườn cây ngũ quả của “phù thủy” nông dân

Bưởi đỏ khó ghép nhất vì đây là loại quả rất khó tính

 

Không nản chí, anh tiếp tục tìm đọc các tài liệu và học hỏi thêm kinh nghiệm những người đi trước. Đến Tết năm 2012, anh đã thực sự thành công khi lai ghép được 5 loại quả: Bưởi Diễn, bưởi da nhăn, bưởi đỏ, cam canh và phật thủ trên cùng một gốc, cùng chín vào một thời điểm.

Từ đó, mỗi dịp Tết, anh tiến hành lai ghép trên dưới 100 gốc cây ngũ quả để bán. Giá mỗi cây từ 10 - 20 triệu đồng, tùy thuộc vào thế cây, số lượng quả. Mặc dù giá khá cao, nhưng cây ghép đến đâu, khách đặt mua hết đến đó. Thậm chí, có những người đặt hàng anh từ lúc chưa lai ghép.

“Phù thủy” trái cây

Đó là biệt danh mà nhiều người trong nghề đặt cho anh, bởi thành tích lai ghép thành công cây ngũ quả. Không chỉ những người ở Hà Nội, nhiều người trong Nam, có khi cả bên Lào và Campuchia biết đến cây ngũ quả của anh, họ không ngần ngại đặt hàng qua điện thoại để có thể sở hữu một cây. Cứ như vậy, sản phẩm của anh có mặt ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, để đạt được thành công đó, anh đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết và sự sáng tạo - điều mà không phải bất cứ ai cũng làm được. Anh chia sẻ, lai ghép cây ngũ quả cần phải có phương pháp riêng, một vài bí quyết cá nhân, không giống với trồng cam canh hoặc cây nào khác.

Theo anh, khó khăn lớn nhất trong việc lai ghép là nhát ghép và thời điểm ghép. Nhát ghép sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của mối ghép. Nhát ghép cần phải nhanh, phẳng và có độ nghiêng hợp lý; người ghép cần cắt “một phát ăn ngay”, tuyệt đối không được cắt đến lần thứ 2, thứ 3. Vì như vậy, cây sẽ bị nhiễm trùng, quả ghép sẽ không liền vào cành được.

Thời điểm ghép sẽ quyết định việc các loại quả sẽ chín cùng nhau hay không, thất bại ban đầu khiến cây chỉ cho 3 loại quả cũng là do anh chưa biết chọn thời điểm ghép. Mỗi loại quả đều có đặc điểm dinh dưỡng, phát triển khác nhau, chính vì vậy, thời điểm ghép cũng khác nhau.

Thông thường, tháng 6 âm lịch sẽ bắt đầu tiến hành lai ghép, cam canh và bưởi Diễn sẽ được ghép đầu tiên. Sau đó 1 - 2 tháng sẽ ghép bưởi đỏ và bưởi da nhăn, đến khoảng tháng 11 mới ghép quả phật thủ. “Gian nan nhất là ghép quả bưởi đỏ vì nó là loại quả khó tính nhất, đòi hỏi phải căn đúng thời điểm, tỉ mỉ từng chút một, tỷ lệ thành công cũng ít nhất. Ngoài việc ghép quả ở đầu cành, cũng có thể ghép đính ngay vào thân để sinh động hơn”, anh Tỉnh cho hay.

Sau khi lai ghép, chế độ chăm bón cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do có nhiều mối ghép nên cây ngũ quả phải được chăm sóc đặc biệt, từ nước tưới, phân bón cho đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nước dùng để tưới cây là nước giếng khoan, nhưng phải lọc qua bể gồm cát, sỏi và than hoạt tính; nếu tưới trực tiếp không qua bể lọc, lượng axit sắt trong nước sẽ làm cho lá cây vàng. Phân bón phải xuất xứ từ Việt Nam, thường xuyên bón tro bếp vào gốc cây, thuốc trừ sâu đều là thuốc sinh học. Quả sau ghép được bọc cẩn thận bằng nilon nhằm tránh thoát nước và tránh sự tấn công của côn trùng.

Hiện nay, ngoài việc lai ghép các loại quả chín cùng nhau, anh cũng tìm cách làm cho quả chín trước, chín sau để cây sinh động hơn. Mỗi cây ngũ quả lai ghép thành công có thể chơi được 4 – 5 tháng, sau khi thờ Tết, quả trên cây hoàn toàn ăn được như bình thường.

Cây ngũ quả tượng trưng cho 5 thế hệ trong một gia đình: Ông bà, bố mẹ, con, cháu và tổ tiên. Thờ cây ngũ quả sẽ đem lại sự sum vầy, đông đủ và may mắn. Chính vì vậy, dù giá một cây ngũ quả có thể lên tới 20 triệu đồng nhưng nhiều người không ngại ngần tìm đến tận vườn để đặt mua. Số cây anh ghép chẳng mấy khi đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn cây ngũ quả của “phù thủy” nông dân