Vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” tại TP Pleiku, Gia Lai: Giám định tuổi mực không phải là căn cứ duy nhất

Văn Hoàng| 27/01/2022 13:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa gia đình hai chị em ruột là Võ Thị Thuyên và Võ Ngọc Mười đã kéo dài nhiều năm. Mới đây, Trung tâm tư vấn, Giám định dân sự đã giám định tuổi mực “Giấy sang nhượng” và “Giấy sang nhượng hoa màu” song kết quả tiếp tục gây tranh cãi giữa hai bên. Cần tôn trọng sự thật khách quan và dựa trên căn cứ pháp luật để giải quyết thỏa đáng sự việc, đừng để chỉ vì một mảnh đất mà mất tình anh em và để lại “bia miệng” muôn đời.

anh-1.jpg
Khu vực lô đất gây tranh chấp.

Theo trình bày, năm 2002 vợ chồng ông Võ Ngọc Mười, bà Nguyễn Thị Thuỷ (117 Âu Dương Lân, tổ 4 phường Tây Sơn, TP Pleiku) được vợ chồng ông Đỗ Quang Sơn và bà Hoàng Thị Huệ giới thiệu mua 410m2 là một phần đất của ông Trần Văn Trụ bằng giấy viết tay “Giấy sang nhượng”. Năm 2003 gia đình dựng căn nhà bằng tôn ở tạm, năm 2006 thì xây nhà cấp 4 và cư trú ổn định cho đến nay. Trong những năm qua ông bà Thuỷ, Mười gặp nhiều khó khăn không có điều kiện để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ).

Đến tháng 8/2019, gia đình làm thủ tục xin đăng kí cấp giấy CNQSDĐ, tuy nhiên, bà Võ Thị Thuyên (chị ruột ông Mười) và chồng là ông Nguyễn Khắc Hải có đơn gửi UBND phường và địa chính phường Tây Sơn, TP Pleiku ngăn cản, tranh chấp và cho rằng lô đất mà vợ chồng bà Thuỷ, ông Mười đang ở là lô đất của ông Hải bà Thuyên mua của ông Trần Văn Trụ, “Giấy sang nhượng” đất 410m2 là giả.

UBND phường Tây Sơn đã mời hai bên tranh chấp và ông Trụ là người bán đất để hoà giải. Tại buổi hoà giải, ông Trụ đã công nhận có bán 410m2 cho vợ chồng Thuỷ, Mười vào năm 2002, người giới thiệu là ông Sơn, bà Huệ là đúng sự thật. Sau đó năm 2003, ông Trụ mới bán cho ông Hải, bà Thuyên phần diện tích còn lại.

Thế nhưng việc hoà giải không thành vì ông Hải, bà Thuyên đưa ra một tờ giấy viết tay ông Trụ bán cho gia đình ông Hải, bà Thuyên vào năm 2003 và một tờ giấy viết tay bà Thiệp bán cho ông Trụ với diện tích là 1.184,5m2.

Ông Mười khẳng định: “Về việc giấy tờ 1.184,5m2 đất mà ông Trụ bán cho vợ chồng ông Hải, bà Thuyên, tôi là em ruột của bà Thuyên và trước đó chưa từng tranh chấp nên biết rõ: ông Trụ khi đã bán cho vợ chồng tôi 410m2 năm 2002, phần còn lại bán cho ông Hải, bà Thuyên năm 2003 cũng bằng giấy viết tay “Giấy sang nhượng hoa màu” và không ghi số diện tích bán. Còn số liệu diện 1.184,5m2 bà Thuyên dựa theo giấy viết tay của bà Thiệp bán cho ông Trụ, vì sau khi ông Trụ bán hết diện tích thì cũng đưa luôn giấy tờ gốc của mình mua của bà Thiệp đưa cho bà Thuyên và ông Hải. Lợi dụng hai giấy viết tay trên, ông Hải, bà Thuyên đã dựng một bộ hồ sơ giả cho em rể là Đoàn Nguyên Anh đứng tên và nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn Trụ và giả chữ ký của ông Trụ”.

Theo vợ chồng ông Mười, bà Thuỷ: “Sau khi giả hồ sơ cho Đoàn Nguyên Anh trót lọt được cấp giấy CNQSDĐ, ông Hải bà Thuyên còn giữ giấy tờ gốc viết tay của ông Trụ bán cho mình và sửa lại năm bán 2003 thành tháng 9/1993 để trốn thuế và giấy của bà Thiệp bán cho ông Trụ là 1.184,5m2. Từ giấy tờ này đưa ra để tranh chấp, khiếu kiện để lấy lô đất vợ chồng tôi mua của ông Trụ trước đó 410m2 cùng với diện tích mà vợ chồng ông Hải, bà Thuyên lấn chiếm để đăng kí QSDĐ thêm một lần nữa đủ 1.184,5m2”.

Ngày 21/10/2020, Trung tâm tư vấn, Giám định dân sự thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có Bản giám định số 27/2020TTTVGĐDS đối với “Giấy sang nhượng” đề ngày 02/02/2002 và “Giấy sang nhượng hoa màu” đề ngày 26/03/2003”.

anh-2(6).jpg
anh-2-1(2).jpg
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-797 của Trung tâm tư vấn, Giám định dân sự.

Sau một thời gian tiến hành tiến hành giám định, trung tâm đưa ra kết luận: “1. Mực được viết trên Giấy sang nhượng đề ngày 02/02/2002 (từ đầu văn bản cho đến đoạn người bán (kí tên) Trần Văn Trụ) được viết vào khoảng thời gian quý 1,2 năm 2002 với sai số +- 3 tháng. 2. Mực được viết trên mẫu M1 (Giấy sang nhượng hoa màu đề ngày 26/03/2003) được viết trong khoảng thời gian tháng 3 năm 2003 với sai số +- 3 tháng”.

Thế nhưng, từ kết quả này, bà Thuyên liên tục có đơn khiếu nại, bác bỏ kết quả giám định trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn, Giám định dân sự cho biết: “Trung tâm đã làm giám định tuổi mực từ 10 năm nay và hàng trăm vụ dân sự, hình sự và hành chính, kết quả đã được nhiều toà công nhân, Bộ Công an và công an các tỉnh thành đánh giá khách quan. Nhiều toà đã dùng kết quả để xử án”.

Ông Hùng đã cung cấp cho phóng viên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-979 do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) (thứ trưởng Nguyễn Quân ký) cấp ngày 7/7/2011 nêu rõ một trong những lĩnh vực hoạt động của trung tâm là “Nghiên cứu, phát triển phương pháp, cách thức, công cụ trong lĩnh vực phân tích, giám định, tư vấn khoa học; đánh giá, kiểm chứng, xác định tiêu chí vào xây dựng tiêu chuẩn, quy phạm về giám định dân sự”; “Tư vấn về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi công dân; Giám định khoa học về gen, âm thanh, hiện tượng, mẫu vật, các dạng sản phẩm, môi trường…”. Như vậy, những ý kiến cho rằng Trung tâm không có chức năng giám định là sai.

anh-3.jpg
Các văn bản trưng cầu giám định của nhiều cơ quan pháp luật ở các địa phương đối với trung tâm.

Trung tâm còn cung cấp cho phóng viên hàng loạt văn bản, tài liệu chứng minh đã được rất nhiều đơn vị như Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội…trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định của Trung tâm để làm căn cứ giải quyết nhiều vụ án, vụ việc dân sự và hình sự.

Ông Hùng khẳng định: “Những kết quả của trung tâm được ứng dụng trong thực tế Việt Nam, được các toà dân sự, hình sự công nhận; Giám định tuổi mực của Trung tâm được báo cáo tại các Hội nghị Khoa học hình sự quốc tế (2014 tại Seoul Hàn Quốc, 2017 tại Canada…) được công nhận. Làm giám định tuổi mực ở đây là có cơ sở khoa học, có tài liệu của Mỹ, có tài liệu mua của khoa học hình sự thế giới, cho nên trung tâm có cơ sở pháp lý, hoạt động là đúng hợp pháp, thực tế chính kiến và thế giới đã công nhận cho nên không thể bác bỏ được”.

Liên quan đến sự việc này, theo hồ sơ tài liệu bước đầu phóng viên tìm hiểu cho thấy, còn nhiều chứng cứ chứng minh sở hữu quyền sử dụng đất như xác nhận của ông Trụ là người bán đất (giấy viết tay cho cả hai bên); xác nhận của người dân cư trú trong khu vực…

anh-4-luat-su-nguyen-the-truyen.gif
Luật sư Nguyễn Thế Truyền.

Trao đổi với phóng viên về sự việc, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết, kết quả giám định tuổi mực các tài liệu chỉ là một trong những căn cứ để làm rõ sự thật khách quan về quyền sử dụng đất. Không nên tranh cãi giám định đó có phải là giám định tư pháp hay không mà chỉ nên coi kết quả giám định của Trung tâm tư vấn dân sự là một căn cứ khoa học để giúp các cơ quan pháp luật giải quyết vụ việc. Điều quan trọng nhất là trung tâm này được Bộ KH&CN cấp phép, có chức năng giám định và kết quả giám định có căn cứ khoa học thì việc có dựa vào kết quả giám định đó để đưa ra các quyết định của mình hay không là quyền của các cơ quan pháp luật. Tất nhiên trong sự việc này, còn nhiều căn cứ khác nữa cho nên các bên cần tôn trọng sự thật khách quan và dựa trên căn cứ pháp luật để giải quyết thỏa đáng sự việc, đừng để chỉ vì một mảnh đất mà mất tình anh em và để lại “bia miệng” muôn đời. Thậm chí các bên có quyền đề nghị tòa án ra quyết định trưng cầu giám định tại một cơ sở giám định khác mà họ tin cây. Đây là quyền của các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” tại TP Pleiku, Gia Lai: Giám định tuổi mực không phải là căn cứ duy nhất