Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Tổng hợp, TANDTC đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Đây là đơn vị đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn – “Trợ lý ảo”. Hay còn gọi là phần mềm trợ lý ảo pháp luật, phục vụ hệ thống Toà án
Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay phần mềm Trợ lý ảo đã hỗ trợ các Thẩm phán Tòa án rất nhiều trong công tác xét xử, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 100.000 lượt tương tác với “Trợ lý ảo”.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện, ngoài luật còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác, án lệ, những văn bản tính chất hướng dẫn việc áp dụng pháp luật... Trong khi đó, khi Thẩm phán giải quyết một vụ án phải nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng nhiều văn bản QPPL rất phức tạp, nên dễ dẫn đến sai sót trong áp dụng pháp luật, việc xử lý những tình huống pháp lý cụ thể gặp khó khăn.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án là soạn thảo văn bản tố tụng và thực hiện mã hóa, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Trước đây, Thẩm phán làm thủ công mất rất nhiều thời gian để soạn thảo văn bản tố tụng theo mẫu, đôi khi có sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản. Để công bố các bản án đã có hiệu lực pháp luật, Thẩm phán mất rất nhiều thời gian để mã hóa, trong đó có những vụ án với số lượng đương sự nhiều, dài thì Thẩm phán phải mất từ 3-7 ngày mới mã hóa xong bản án theo quy định để công khai trên Cổng thông tin điện tử.
Để giúp các Thẩm phán nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết các vụ án, năm 2022, TANDTC đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viettel nghiên cứu và đưa vào triển khai thử nghiệm phầm mềm “Trợ lý ảo”. “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Giúp các Thẩm phán:
+ Thứ nhất: Tra cứu văn bản pháp luật thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, giúp Thẩm phán có đầy đủ thông tin về quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề cần tra cứu (tới các công văn mang tính hướng dẫn cụ thể).
+ Thứ hai: Hỗ trợ Thẩm phán quản trị công việc, đảm bảo thời hạn tố tụng giải quyết các vụ việc được phân công; nhắc nhở, cảnh báo xử lý những việc cần làm.
+ Thứ ba: Từ khi có “Trợ lý ảo”, việc soạn thảo văn bản tố tụng, soát lỗi chính tả và mã hóa bản án do “Trợ lý ảo” thực hiện. Thẩm phán chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói thì chỉ trong vòng vài giây toàn bộ công việc này đã được “Trợ lý ảo” thực hiện xong. Thẩm phán chỉ kiểm tra lại lần cuối và phát hành, qua đó giúp giảm 30% khối lượng công việc cho Thẩm phán.
+ Thứ tư: “Trợ lý ảo” sẽ giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các Thẩm phán và lưu giữ lại bằng công nghệ số để có thể lan tỏa làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống Tòa án, từ đó các thế hệ sau có thể kế thừa, tham khảo. Chính vì vậy, sự phát triển cao nhất của “Trợ lý ảo” sẽ hướng tới tư vấn đường lối xử lý vụ việc và cung cấp dịch vụ Đoán định tư pháp. Sau khi hoàn thành các tính năng này, “Trợ lý ảo” của Tòa án sẽ được công khai cho người dân sử dụng và tương lai mỗi người dân sẽ có một “Trợ giúp pháp lý ảo” phục vụ cho mình.
+ Thứ năm: Khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nhân lực Thư ký (hiện nay trong TAND, 1 cán bộ Thư ký phải giúp việc cho 5 Thẩm phán).
Có thể nói, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao hiệu quả công việc cho Thẩm phán, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống Tòa án; khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nhân lực Thư ký.