Thời gian qua, một số cá nhân gửi đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí phản ánh nhiều tiêu cực xảy ra trong việc quản lý sử dụng đất tại Nông trường Bình Lộc, thuộc Tổng Công ty cao su Đồng Nai (TCTCSĐN).
Sau khi nhận được phản ánh của lãnh đạo TCTCSĐN, Báo Công lý đã cử phóng viên xuống đơn vị để xác minh và thu thập tài liệu.
Qua tìm hiểu các tài liệu có tại TCTCSĐN cho thấy, những phản ánh này chưa chính xác. Chẳng hạn, về nội dung đơn tố cáo cho rằng: Nông trường “chưa bàn giao đất sau 10 năm thu hồi”, tài liệu cho thấy: Tại Quyết định số 2182/QĐ-CT.UBT ngày 1-7-2002 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thu hồi đất của nông trường Bình Lộc giao cho Công ty kinh doanh nhà Đồng Nai bán theo Nghị định 61/CP của Chính phủ và bàn giao địa phương quản lý. Diện tích đất nông trường phải bàn giao cho xã Xuân Thiện, huyện Long Khánh (cũ), nay là xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất là 516.721,8m2 đến nay chưa thực hiện xong vì lý do các cơ quan chức năng cũng như Nông trường Bình Lộc phát hiện những sai sót, nhầm lẫn do trong quá trình đo vẽ bản đồ, đơn vị đo đạc đã đưa diện tích đất chuyên dùng của nông trường vào diện tích đất bàn giao làm nhà ở cho địa phương quản lý.
Vườn cây cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai trồng ở huyện Thống Nhất. (Ảnh: K.V)
Do vậy, Nông trường Bình Lộc xin giữ lại, chưa bàn giao địa phương quản lý diện tích đất 70.645,1m2 bao gồm các thửa đất là: Nhà kho, khu văn phòng Đội III, sân vận động và đất trồng cây xanh. Trên thửa đất là đất trồng cây xanh cạnh nhà lầu Pháp cũ ở trung tâm nông trường hiện có sân trượt patin (do ông Nguyễn Phúc Toàn, nguyên Giám đốc nông trường xin đầu tư xây dựng vào năm 2001, được Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai chấp thuận) với diện tích 400m2. Ban Tổng Giám đốc TCTCSĐN đã thu hồi diện tích đất sân patin do ông Nguyễn Phúc Toàn tạm mượn, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận và chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh điều chỉnh diện tích đất thu hồi tại Quyết định số 2182 ngày 1-7-2012.
Đối với khu đất có diện tích khoảng 2.000m2; thuộc thửa 31a, tờ bản đồ địa chính số 32 xã Xuân Thiện (giáp lô 65) do nông trường Bình Lộc quy hoạch mở rộng khu dân cư năm 2005 và cấp cho CBNV nông trường làm nhà ở. Đến nay, còn lại 6 hộ được cấp đất nhưng chưa làm nhà. Năm 2008, Nông trường đã bàn giao cho địa phương quản lý và các hộ đã được cấp GCNQSDĐ, không có hộ nào bán, sang nhượng lấy tiền như người dân phản ánh.
Về nội dung “nông trường đem đất cho công nhân thuê không hiệu quả”. Theo kết quả khảo sát, phân hạng đất tại khu vực Đội III Nông trường cao su Bình Lộc có diện tích khoả̉ng 25,40 ha (gồm nhiều lô) là đất cằn sỏi, úng thủy. Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Cao su khuyến cáo đất trên thuộc hạng đất N2, trồng cao su không hiệu quả. Ngày 16-5-2002, Giám đốc Công ty đã ký Tờ trình số 235/CSĐN về việc xin chủ trương chuyển đổi cây trồng trên một số diện tích trong vùng quy hoạch trồng cây cao su gửi Tổng Công ty Cao su Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai. Ngày 27-5-2002, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn số 2149 gửi TCTCSVN về việc thống nhất chuyển đổi cây trồng trên diện tích trong vùng quy hoạch cao su của Công ty Cao su Đồng Nai; ngày 4-6-2002, Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) có Công văn số 959 về việc đồng ý chuyển đổi cây trồng trên diện tích trong vùng cao su quy hoạch.
Căn cứ chủ trương trên, năm 2002, Ban Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai chấp thuận cho Nông trường Bình Lộc hợp đồng với 18 hộ công nhân nông trường trồng cây bạch đàn, cây điều. Đến năm 2006, một số hộ công nhân cải tạo đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã trồng lại cao su, trong đó có hộ ông Lê Văn Cư và hộ ông Ông Văn Dương hiện đang trồng cao su tại một phần diện tích lô 233 từ năm 2006 (ông Lê Văn Cư hợp đồng diện tích 0,90ha; ông Ông Văn Dương hợp đồng diện tích 0,90ha). Việc nông trường cho công nhân hợp đồng chuyển đổi cây trồng trên đất cằn cỗi (trồng cây cao su không hiệu quả) là được sự chấp thuận của cấp trên. Như vậy, thông tin phản ánh không đúng thực tế vì các hộ được hợp đồng là cán bộ, công nhân trực thuộc nông trường, không phải người thân của ông Nguyễn Phúc Toàn và không có hộ nào sang bán đất đã hợp đồng nói trên.
Về việc khiếu nại của ông Hồ Ngọc Luyện để được cấp GCNQSDĐ có diện tích 582,5m2, do khu này là đất chuyên dùng, nên nông trường không bàn giao địa phương. Do quá trình đo vẽ bản đồ bán nhà, đơn vị đo đạc đã nhầm lẫn là nhà dân nên đưa vào diện tích bàn giao địa phương quản lý. Đến năm 2007, thửa đất 1287 được đưa vào kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất của Nông trường Bình Lộc và đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận điều chỉnh tại Quyết định số 4144 ngày 26-11-2007. Ngày 9-4-2012, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn số 2424 về việc xử lý đơn của ông Hồ Ngọc Luyện “Sở TN&MT thực hiện: lập hồ sơ, trình UBND tỉnh điều chỉnh giảm diện tích 582,5m2 trước đây (nay là 604,0m2) thuộc thửa số 106, tờ bản đồ số 11, Bản đồ địa chính xã Xuân Thiện tại Quyết định số 2182 ngày 1-7-2002 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thu hồi đất của Nông trường Bình Lộc giao địa phương quản lý. Như vậy, việc ông Hồ Ngọc Luyện được Nông trường Bình Lộc cho ở tạm trên đất công của nông trường, đến nay phải trả lại nhà và đất cho nông trường quản lý sử dụng là đúng quy định”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phúc Toàn, Phó Tổng giám đốc TCTCSĐN bức xúc: Từ trước đến nay, TCTCSĐN luôn tôn trọng các cơ quan ngôn luận, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; chúng tôi luôn chỉ đạo kiểm tra và trả lời kịp thời các nội dung mà báo chí phản ánh đúng sự thật. Tuy nhiên, thời gian qua có một số bài báo đăng về TCTCSĐN không đúng thực tế, áp đặt ý chí chủ quan của cá nhân tác giả, cố ý bôi xấu uy tín, danh dự của Nông trường Bình Lộc (là đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, đơn vị lá cờ đầu của ngành cao su Việt Nam) nói riêng và cá nhân các lãnh đạo nói chung.
Báo Công lý sẽ tiếp tục theo dõi việc xử lý vụ việc này để thông tin đến bạn đọc.
Tổ PVMN