Vụ thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc (Kiên Giang): Hệ lụy phức tạp vì không sửa sai tận gốc

Đông Phong| 31/01/2019 09:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bình luận về sự việc, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho rằng, mấu chốt dẫn đến tình trạng sự việc tám năm nay vẫn rắc rối kiện tụng, là do UBND huyện Phú Quốc không sửa sai tận gốc vấn đề.

Không xử lý tận gốc vấn đề

Như báo Công lý đã phản ánh, cha con ông Đỗ Văn Thơ (SN 1957) và Đỗ Anh Quân (SN 1983, HKTT đường Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, Quận 1, TP HCM) có khu đất tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Năm 2011, UBND huyện Phú Quốc bất ngờ ra quyết định thu hồi khu đất giao Công ty Cổ phần 99 Núi (trụ sở tại số 6, đường Phan Kế Bính, phường Đakao, quận 1, TP HCM; người đại diện là ông Trần Văn Toàn) xây dự án khu du lịch Sunset Sanato.

Cho rằng bị thu hồi đất sai quy định, ông Thơ khởi kiện UBND Phú Quốc. Năm 2016, TAND Phú Quốc mở phiên xử, chỉ rõ việc UBND huyện áp dụng sai luật khi thu hồi đất, tuyên hủy toàn bộ các quyết định của UBND huyện.

Cuối tháng 5/2018, hai năm sau ngày thua kiện, UBND huyện Phú Quốc đã không chấp hành bản án, một lần nữa ra Quyết định thu hồi đất cha con ông Thơ giao Công ty 99 Núi, không thỏa thuận bồi thường. Khi ông Thơ xây bức tường chống trộm, UBND Phú Quốc và Công ty 99 Núi huy động hàng chục người cùng máy xúc đến phá dỡ.

Vụ thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc (Kiên Giang): Hệ lụy phức tạp vì không sửa sai tận gốc

Một số công trình Công ty 99 Núi xây trên đất của ông Thơ

Bình luận về sự việc, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP. HCM) cho biết, mấu chốt dẫn đến tình trạng sự việc tám năm chưa được giải quyết dứt điểm, là huyện Phú Quốc không sửa sai tận gốc vấn đề. Cụ thể, hồi năm 2011 Phú Quốc đã nhầm lẫn khi cho rằng gần 1 ha đất của cha con ông Thơ là “vô chủ”, nên đã giao Công ty 99 Núi, và dự án Sunset Sonato đã xây các công trình lên đó. Tòa án sau đó đã phối hợp Trung tâm đo đạc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh thẩm định hiện trường, xác định đó là đất của cha con ông Thơ. 

LS Hiệp giải thích: "Sau khi tòa tuyên hủy toàn bộ các quyết định thu hồi đất của huyện với ông Thơ, theo quy định, Công ty 99 Núi phải phá dỡ các công trình, hoàn trả lại đất cho ông Thơ, thậm chí phải bồi thường thiệt hại. Về phía Công ty 99 Núi, doanh nghiệp này có thể đòi UBND huyện Phú Quốc bồi thường thiệt hại cho mình. Nguồn gốc của những hệ lụy này là do UBND Phú Quốc giao đất sai, vì vậy UBND Phú Quốc phải chịu trách nhiệm. Cả ông Thơ cũng như Công ty 99 Núi đều là “nạn nhân” của sự việc".

Thế nhưng chuyện “sửa sai” đã không diễn ra, sự việc dường như bị lái sang một chiều hướng khác, trở thành “cuộc chiến” giữa người bị lấy đất trái luật với doanh nghiệp được giao đất sai luật.

Ông Thơ lý giải nguyên nhân mình tiếp tục khiếu kiện: "Dù thua kiện, UBND huyện Phú Quốc vẫn không thi hành bản án, lại còn quyết thu đất lần nữa, còn Công ty 99 Núi vẫn lấn đất".

Vẫn theo lý giải của ông Thơ: "Theo bản án, huyện phải hủy những quyết định thu hồi đất của tôi và Công ty 99 Núi phải dỡ những công trình lấn chiếm…".

Phải áp dụng Điều 73 Luật Đất đai

Theo ông Thơ, để giải quyết sự việc này, các bên liên quan phải tuân thủ quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013, theo đó dự án kinh doanh thương mại muốn lấy đất của ông thì phải thỏa thuận bồi thường chứ không được áp giá. “Nhìn ở góc độ nào thì UBND huyện Phú Quốc và Công ty 99 Núi cũng sai. Cứ cho rằng quy hoạch khu này làm dự án du lịch là đúng, thì nếu không thỏa thuận giá bồi thường, theo luật càng phải ưu tiên cho cha con tôi là người có đất quyền xây dự án du lịch, cớ gì huyện cứ quyết thu đất giao cho doanh nghiệp?”, ông Thơ đặt câu hỏi. 

Vụ thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc (Kiên Giang): Hệ lụy phức tạp vì không sửa sai tận gốc

 Ông Thơ cho dựng biển báo trên các ranh đất

Đánh giá về sự việc, LS Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn LS Đà Nẵng) cho rằng: Với quy hoạch được phê duyệt là khu nghỉ dưỡng, resort thì không thuộc vào những trường hợp vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia, Nhà nước không ra quyết định thu hồi, bồi thường. Trường hợp này, phải áp dụng Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 là chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

LS Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn LS TP. HCM) lý giải cụ thể hơn: Tòa đã tuyên rõ mục đích thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc không thuộc trường hợp vì mục đích công cộng, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, nên chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân. Nếu thỏa thuận với dân không thành, lúc đó mới chuyển giao cho UBND huyện ra quyết định thu hồi, áp giá bồi thường bằng cách khảo sát giá đất thị trường.

Đánh giá về sự việc, LS Hiệp cảnh báo: Vì UBND huyện Phú Quốc giải quyết vụ việc theo kiểu “lưng chừng”, chỉ xử lý phần ngọn, rốt cuộc vụ việc sau tám năm quay lại từ đầu, người dân tiếp tục khiếu kiện, sự việc ngày càng phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc (Kiên Giang): Hệ lụy phức tạp vì không sửa sai tận gốc