Vụ tham ô tại Hậu Giang: Vì sao quyền phó giám đốc trở thành bị can?

An Dương| 18/04/2019 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Nguyễn Hữu Thảo, nguyên quyền PGĐ TT mua sắm (TTMS) Nguyễn Kim chi nhánh Hậu Giang (trực thuộc Cty CPTM Nguyễn Kim) là “người tố giác tội phạm” tại tỉnh Kiên Giang nhưng lại trở thành “bị can”. Sự việc khiến gia đình ông Thảo kêu cứu khắp nơi.

Từ người tố giác tội phạm...

Theo hồ sơ, từ tháng 2 đến tháng 9/2018, ông Nguyễn Hữu Thảo với chức vụ quyền Phó Giám đốc TTMS Nguyễn Kim bán hàng cho ông Đỗ Tuấn Phong (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Kim chi nhánh tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, ông Phong không thanh toán hết tiền hàng, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên ông Thảo làm đơn tố giác tội phạm.

Ngày 11/10/2018, tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Tuấn Phong làm biên bản công nợ có nội dung xác nhận đã nợ TTMS Nguyễn Kim Hậu Giang hơn 2 tỷ đồng. Cuối biên bản ông Phong viết: “Trên đây là toàn bộ sư việc liên quan đến việc thất thoát hàng hóa và công nợ quá hạn tại TTMS Hậu Giang do tôi gây ra”. Biên bản được lập với sự chứng kiến của điều tra viên Phạm Minh Lâm, ông Thảo ký tên với tư cách là người đối chiếu công nợ. Ngoài ra, biên bản xác nhận nợ này còn được Thượng tá Tạ Văn Trung, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang ký tên, đóng dấu xác nhận nội dung.

Vụ tham ô tại Hậu Giang: Vì sao quyền phó giám đốc trở thành bị can?

Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại Hậu Giang, nơi ông Thảo làm việc trước khi bị khởi tố

Ngày 30/10/2018, ông Đỗ Tuấn Phong tiếp tục lập bản cam kết thanh toán công nợ cho TTMS Nguyễn Kim Hậu Giang. Nội dung thể hiện: “Do tôi mua hàng từ TTMS Nguyễn Kim Hậu Giang nên tôi sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm thanh toán số tiền trên cho TTMS Hậu Giang. Ông Nguyễn Hữu Thảo không được quyền yêu cầu tôi trả số tiền trên cho ông…”. Bản cam kết này được ông Phong ký, ông Thảo ký với tư cách là người liên quan và được Thượng tá Tạ Văn Trung (Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh), ký và đóng dấu xác nhận. 

Trên cơ sở các chứng cứ, ngày 12/12/2018, CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đỗ Tuấn Phong để điều tra về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vụ án được xác định xảy ra từ tháng 2 đến tháng 9/2018 tại chi nhánh Công ty CP-TM Nguyễn Kim- TTMS Nguyễn Kim Kiên Giang.

Đến “hóa thành”… bị can

Trong thời gian CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang đang giải quyết vụ án, ngày 7/1/2019, “người tố giác tội phạm” Nguyễn Hữu Thảo được CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang mời làm việc để làm rõ vấn đề bán hàng cho TTMS Nguyễn Kim Kiên Giang. Ngày 16/1/2019, ông Thảo gửi đơn đến CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang tố cáo tiếp ông Đỗ Tuấn Phong. Ông Thảo xác định hành vi mua hàng không trả tiền của ông Phong đã bị CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố và kiến nghị Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp để làm rõ thu hồi số tiền của ông Phong theo bản cam kết nêu trên.

Ngày 1/2/2019, ông Nguyễn Hữu Thảo bất ngờ bị CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Tham ô tài sản”. Bà Nguyễn Thị Hồng Phước (vợ ông Thảo) đã gửi đơn kêu cứu, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hậu Giang xem xét lại. Theo bà Phước, nếu TTMS Nguyễn Kim Hậu Giang quy buộc chồng bà phải chịu trách nhiệm thu hồi số tiền ông Phong chiếm đoạt, nếu không thu hồi được phải tự bồi thường thì gia đình bà chấp nhận. Việc khởi tố về tội tham ô là không đúng tính chất hành vi của chồng bà.

Theo dõi vụ án, luật sư Phan Văn Bé, Văn phòng luật sư Thiện Bá Vương nhận định: Các tài liệu tố tụng thể hiện vụ án xảy ra từ tháng 2 đến tháng 9/2018 tại chi nhánh Công ty CP-TM Nguyễn Kim- TTMS Nguyễn Kim Kiên Giang đã được Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố. Bị can Đỗ Tuấn Phong thừa nhận khoản tiền đang chiếm dụng của TTMS Nguyễn Kim, thể hiện rõ ông Thảo không tư lợi gì trong vụ việc trên. Thế nhưng, Công an tỉnh Hậu Giang lại khởi tố ông Thảo về hành vi tham ô tài sản không có căn cứ vững chắc. Việc ông Thảo tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” rồi lại thành bị can trong cùng một vụ thất thoát là có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ nhằm tránh oan sai.

Tiếp nhận đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Hồng Phước, ngày 27/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; thông báo kết quả để báo cáo Chủ tịch tỉnh trong thời gian 30 ngày.

Ngày 28/3/2019, VKSNDTC đã có văn bản gửi Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang đề nghị chỉ đạo xem xét, xử lý. Bộ Công an cũng có văn bản yêu cầu Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang chỉ đạo giải quyết. Hy vọng vụ án sẽ được xử lý đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm nhưng đồng thời không làm oan người vô tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tham ô tại Hậu Giang: Vì sao quyền phó giám đốc trở thành bị can?