Văn hóa- Thể thao

Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

PV 16/07/2025 - 16:20

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức ghi danh thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Cao Bằng vào danh mục cấp quốc gia, bao gồm: Chữ Nôm của người Tày; Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền và Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ.

Ba di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Cao Bằng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những giá trị truyền thống lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây, đồng thời mở ra cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng cao.

nom-tay.jpeg
Sách cổ được viết bằng chữ Nôm Tày. (Ảnh minh họa).

Chữ Nôm của người Tày là một loại hình chữ viết cổ truyền, phát triển dựa trên việc vay mượn và cải biên chữ Hán để ghi lại tiếng nói dân tộc Tày. Trước đây, chữ Nôm Tày được sử dụng phổ biến trong đời sống cộng đồng như chép thơ ca dân gian, ghi chép văn khấn, bài thuốc, truyện kể, nghi lễ tôn giáo… Loại chữ này không chỉ thể hiện trí tuệ của người Tày mà còn lưu giữ một kho tàng văn hóa tinh thần quý báu, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng có lịch sử cư trú lâu đời tại Cao Bằng.

Việc ghi danh Chữ Nôm Tày vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước tiến quan trọng trong công cuộc gìn giữ vốn tri thức bản địa, đồng thời khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong phát triển văn hóa bền vững.

img_20250716_153412.jpg
Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền.

Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là di sản tiêu biểu của người Dao Tiền, được lưu giữ và truyền dạy chủ yếu ở các xã Tam Kim và Thành Công. Người Dao Tiền dùng bút vẽ nhúng sáp ong nóng chảy để tạo hoa văn trên nền vải trắng, sau đó nhuộm chàm. Những đường nét hoa văn hiện ra khi vải hoàn tất quá trình nhuộm, mang đậm bản sắc dân tộc và yếu tố tâm linh.

Kỹ thuật này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, mà còn là biểu hiện của tri thức dân gian và mỹ cảm văn hóa độc đáo. Đây là một nghề thủ công truyền thống cần được khôi phục và hỗ trợ phát triển, nhất là trong bối cảnh trang phục dân tộc đang dần bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp.

127284_mot_trong_nhung_bo_tranh_tho_do_nguoi_dao_xa_thanh_long_ha_quang_thuc_hien_anh_luc_thien_17175709.jpg
Tranh thời của người Dao Đỏ. (Ảnh minh họa).

Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ hiện còn lưu giữ tập trung tại xã Thanh Long. Tranh được vẽ bằng nguyên liệu tự nhiên như than củi, đất đỏ, nhựa cây… trên giấy dó hoặc vải. Chủ đề tranh thường xoay quanh các vị thần, tổ tiên, anh hùng truyền thuyết, thể hiện thế giới quan thiêng liêng và quy tắc ứng xử trong đời sống tinh thần của người Dao Đỏ.

Đây là loại hình mỹ thuật dân gian có giá trị đặc biệt, gắn liền với nghi lễ truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cúng tổ tiên, lễ cầu an. Sự công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nghệ thuật này được nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn một cách bài bản, tránh nguy cơ mai một theo thời gian.

Việc ba di sản văn hóa phi vật thể của Cao Bằng được ghi danh cấp quốc gia không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc địa phương, mà còn là cơ hội để phát triển các chương trình bảo tồn, giáo dục di sản, đồng thời gắn kết văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng.

Cao Bằng hiện sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú với sự đa dạng về ngôn ngữ, tín ngưỡng, trang phục, lễ hội… Việc bảo tồn văn hóa không chỉ để lưu giữ ký ức dân tộc, mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhất là trong bối cảnh Cao Bằng đang hướng tới phát triển du lịch xanh gắn với bản sắc văn hóa vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia