Vụ tàu USS Lassen vào Biển Đông và những phản ứng của Trung Quốc

TK| 12/11/2015 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bắc Kinh đã rơi vào bẫy của Mỹ với một tuyên bố không cần thiết trên cơ sở quan điểm chủ quyền của Bắc Kinh. Thực tế cho thấy, cả bãi đá Subi và Vành Khăn đều chỉ nổi ở mức triều thấp trước khi Trung Quốc phủ cát và xây dựng các cấu trúc bên trên.

Nhật báo "Straits Times" số ra mới đây đăng bài viết của nhà nghiên cứu Mark J. Valencia, thuộc Viện quốc gia nghiên cứu Biển Hoa Nam đặt tại Hải Khẩu, bình luận về sự kiện tàu USS Lassen của Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đường đã đi vào khu vực 12 hải lý gần các bãi đá Subi và Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Vụ tàu USS Lassen vào Biển Đông và những phản ứng của Trung Quốc

Chiến hạm Mỹ USS Lassen. Ảnh: Navy

Theo tác giả, phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước vụ việc này là giận dữ, sau đó là kiềm chế. Bất chấp sự cố nói trên, tư lệnh hải quân Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng tuyên bố rằng, các hoạt động trao đổi song phương vẫn tiếp diễn. Phía Mỹ tuyên bố hoạt động tự do đi lại (FON) này của họ đã thành công. Một số nhà phân tích thậm chí còn kết luận, Bắc Kinh không thể hoặc không sẵn sàng phản ứng. Tuy nhiên, vở kịch này vẫn chưa đến hồi kết.

Quả thực, động thái vừa qua của Mỹ là một FON mới nhất được thực hiện trong số (ít nhất) 8 lần/năm ở Biển Đông. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương xác nhận, Mỹ sẽ tiếp tục “tuần tra đường biển và đường không định kỳ trong khu vực để củng cố sự tự do đi lại tại đây”. Mỹ dường như muốn chứng tỏ rằng, họ là cường quốc chính trong khu vực. Song, trong trường hợp cụ thể nói trên, tàu USS Lassen được cho là đã tắt radar kiểm soát dàn pháo và không thực hiện việc cất/hạ cánh máy bay - hoàn toàn phù hợp với điều khoản “đi lại vô hại” trong vùng biển chủ quyền mà Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đề ra. Ngoài ra, máy bay hải quân Mỹ hộ tống cũng ở ngoài khu vực 12 hải lý.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “những hành động liên quan của tàu hải quân Mỹ đã đe dọa đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc”. Làm như vậy, Bắc Kinh đã rơi vào bẫy của Mỹ với một tuyên bố không cần thiết trên cơ sở quan điểm chủ quyền của Bắc Kinh. Thực tế cho thấy cả bãi đá Subi và Vành Khăn đều chỉ nổi ở mức triều thấp trước khi Trung Quốc phủ cát và xây dựng các cấu trúc bên trên, nên theo Luật Biển sẽ không thể được xem là lãnh thổ chủ quyền và không được hưởng vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Nhưng Bắc Kinh không tuân thủ các quy định này.

Có một bất cập là, nếu tàu Lassen thực hiện hoạt động "đi lại vô hại", tức nghĩa là Washington mặc nhiên công nhận tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với các bãi đá ở mức triều thấp. Sự mâu thuẫn này trong hoạt động FON dường như đã phản tác dụng. Giờ đây Trung Quốc có nhiều lựa chọn khác nhau mà hầu hết là không tốt cho chính họ hay khu vực. 

Bắc Kinh có thể đơn giản thực hiện việc cải tạo và xây dựng đối với các thực thể nửa nổi, bãi đá và đảo, cũng như “quân sự hóa” (theo tất cả các nghĩa) những thực thể hiện hành, và bỏ qua sự phản đối của các nước tranh chấp khác và Mỹ. Điều này có nghĩa sự nhất trí về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) “bắt buộc” sẽ khó đạt được hơn và mối quan hệ ASEAN- Trung Quốc và Mỹ - Trung Quốc sẽ trở nên xấu đi, dù không đổ vỡ. Trung Quốc có thể cản trở hoạt động FON của Mỹ bằng lực lượng cảnh sát biển hoặc tàu cá. Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng và khiến “các sự cố” có thể xảy ra. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, có thể không gồm khu vực tranh chấp nào khác, ngoài Hoàng Sa và vùng biển lân cận. 

Trong kịch bản xấu nhất, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu và máy bay chiến đấu để đối phó với các tàu và máy bay của Mỹ, yêu cầu họ rời khỏi “vùng biển và không phận Trung Quốc”. Trong trường hợp đó, quan hệ Mỹ - Trung có nguy cơ dẫn đến xung đột và an ninh khu vực sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, kịch bản này là khó xảy ra. Nếu Trung Quốc rút lại tuyên bố "đường 9 đoạn" hoặc làm rõ tuyên bố rằng họ chỉ có ý định tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các bãi đá và đảo ở bên trong, và rằng họ sẵn sàng đàm phán phân định giữa tuyên bố chủ quyền của họ với các nước khác, quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực sẽ được cải thiện. Song, kịch bản này cũng khó có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tàu USS Lassen vào Biển Đông và những phản ứng của Trung Quốc