Sau hơn 1 ngày đưa vụ án Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh ra xét xử, chiều nay (5/4), VKSND tỉnh Hưng Yên đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Hoàng Thị Hiền (SN 1969, ở xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên).
Theo đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án xử phạt với bị cáo Hiền, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, trong thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về khám chữa bệnh nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân và đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Do đó, việc đưa bị cáo Hiền ra xét xử là cần thiết và là bài học cảnh tỉnh cho những trường hợp tương tự.
Bị cáo Hiền tại phiên tòa xét xử
Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được cùng quá trình đưa vụ án ra xét xử công khai, VKS có đủ cơ sở kết luận: Từ năm 2015 - tháng 7/2017, Hoàng Thị Hiền là Y sỹ, công tác tại Trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh, tiến hành nong dãn và vệ sinh bao quy đầu trái quy định.
Bị cáo không có giấy phép hoạt động, không có đủ trình độ chuyên môn và không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn dụng cụ khi khám, chữa bệnh, thực hiện việc nong dãn và vệ sinh bao quy đầu cho các cháu nhỏ thuộc địa bàn các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tại nơi ở của mình thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Hậu quả làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà cho 117 cháu nhỏ, gây tổn hại sức khỏe cho 114 nhỏ, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 1026%.
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, điều này phù hợp với lời khai của gia đình bị hại cùng các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa. Do vậy, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, kết luận bị cáo Hiền phạm tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm nguyên tắc hành nghề, không đảm bảo các quy định vệ sinh, vô khuẩn dụng cụ khám bệnh, dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình bị hại, làm tổn hại tới sức khỏe và sự phát triển bình thường của các cháu nhỏ. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, tích cực bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại.
Về trách nhiệm dân sự, có 111/117 gia đình bị hại yêu cầu bồi thường các chi phí trên thực tế về khám, điều trị bệnh sùi mào gà với tổng số tiền hơn 570 triệu đồng, VKS buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền này.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa
Bị cáo phạm tội có tính chất vụ lợi nên cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Hiền mức án từ 9 -10 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Theo cáo trạng truy tố mới nhất của Viện KSND tỉnh Hưng Yên, bị cáo Hoàng Thị Hiền đã làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà cho 117 cháu bé trong tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, Hiền là y sĩ, công tác tại Trạm y tế xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên). Dù không có chuyên môn và giấy phép nhưng bị cáo vẫn mở phòng khám tại nhà, chữa bệnh tại bộ phận sinh dục cho các cháu nhỏ. Khi các gia đình đưa con đến khám, Hiền tư vấn cho họ việc nong dãn bao quy đầu để tránh bị viêm nhiễm với tiền công từ 300 nghìn đồng - 520 nghìn đồng/cháu.
Trong quá trình chữa bệnh, mỗi lần chữa trị, nếu các chai thuốc, lọ nước muối sinh lý không dùng hết, y sĩ Hiền tiếp tục sử dụng cho các cháu tiếp theo. Y sĩ này cũng chỉ đeo găng cho 1 bên tay và dùng găng tay đã cũ.
Quá trình điều tra, Viện dịch tễ Trung ương đã tiến hành giám định và phát hiện có virut gây bệnh sùi mào gà trong các dụng cụ chữa bệnh của Hiền.
Cơ quan chức năng xác định, tổng số có 117 cháu bé tại các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ bị mắc bệnh sau khi thực hiện chữa bao quy đầu tại nhà y sĩ này. Các cháu sau đó đều được Bệnh viện Da liễu Trung ương miễn phí tiền điều trị.
Quá trình điều tra, đa phần gia đình các bị hại đều yêu cầu Hoàng Thị Hiền bồi thường chi phí khám bệnh và ngày công lao động đã mất do chăm sóc con em.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Hiền cho biết, năm 1992 tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành y sĩ đa khoa. Năm 1995, bị cáo về làm y sĩ tại Trạm y tế xã Mễ Sở (huyện Văn Giang). Do nhu cầu công việc, Hiền được đơn vị cử đi học và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ về sản khoa, chăm sóc sức khỏe cho cháu nhỏ, tiêm chủng mở rộng…
Bị cáo Hiền trả lời các câu hỏi của HĐXX
Đến năm 2014, Hiền được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề: “Thực hiện chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng theo lĩnh vực chuyên khoa…”. Tuy nhiên, công việc trên thực tế tại trại y tế xã của Hiền là khám chữa bệnh và sản nhi, chủ yếu là đỡ đẻ…
Cũng trong phần xét hỏi, vị chủ tọa nghiêm giọng: “Chuyên môn chính của bị cáo là điều dưỡng, vậy bị cáo có phân biệt được với khám chữa bệnh không?”, bị cáo Hiền lí nhí: “Lúc nhận chứng chỉ, bị cáo không để ý kĩ, bị cáo không biết ạ”.
Bị cáo này cho biết thêm, ban đầu, bị cáo khai ngoài công tác tại trại y tế, thỉnh thoảng được tăng cường lên trung tâm y tế huyện Văn Giang làm một số công việc phù hợp với chuyên môn mỗi khi khoa thiếu cán bộ. Ngoài ra, bị cáo không làm thêm bất cứ việc gì.
Việc bị cáo mở phòng khám chữa bệnh tại nhà là do những người thân quen của bị cáo tìm tới nhờ giúp đỡ, chứ bị cáo không hề quảng cáo. “Bị cáo sống ở nông thôn, không treo biển quảng cáo. Mọi người biết bị cáo có nghề nên đưa người thân đến khám giúp thôi ạ”, lời khai của bị cáo Hiền.
Cũng theo lời khai của bị cáo Hiền, thời gian đầu, bị cáo chỉ khám những bệnh thông thường. Tuy nhiên, do rất nhiều gia đình mang trẻ nhỏ đến phòng khám của Hiền đề nghị nong dãn bao quy đầu. Do đó, nữ y sỹ này đã “nhắm mắt” làm liều theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân.
Cũng trước đó, TAND tỉnh Hưng Yên đã trả hồ sơ cho để điều tra bổ sung do phát sinh tình tiết mới khi gia đình xuất trình các chứng cứ chứng minh một số cháu bé bị lây nhiễm sùi mào gà do khám ở phòng khám của y sỹ Hoàng Thị Hiền.
Tại phiên tòa sáng qua (4/4), trong phần thủ tục, HĐXX sơ thẩm cho biết, tòa án đã triệu tập Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương và Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng những người này đều vắng mặt.
Ngoài ra, một số bị hại cũng không đến dự tòa không có lý do. Tham gia phiên tòa, kiểm sát viên, luật sư và trợ giúp viên pháp lý cho rằng việc vắng mặt của những người nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động xét xử vụ án. Bởi họ đều đã có lời khai trong hồ sơ vụ án và cần thiết có thể công bố.
Trước những ý kiến về việc vẫn tiến hành phiên xét xử thẩm đối với nữ y sĩ Hoàng Thị Hiền, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên đồng quan điểm và quyết định tiếp tục làm việc.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài 5 ngày và tuyên án vào khoảng 14h ngày 10/4 tới đây.