Vụ nổ mìn khiến 1 công nhân tử vong: Thuê đơn vị khai thác, chủ mỏ vẫn liên đới trách nhiệm

Trần Khanh| 05/08/2020 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dư luận hiện đang quan tâm vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân tử vong trong khai trường của Công ty Cổ phần than Núi Béo vừa qua. Luật sư đã có những trao đổi với Báo Công lý về trách nhiệm của các bên đối với người lao động.

Trước đó vào khoảng 22h ngày 4/8, tại khai trường Công ty cổ phần than Núi Béo (Vinacomin) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân tử vong tại chỗ.

Nạn nhân là anh N.Q.Đ. (SN 1990) làm công nhân của Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại – Vinacomin (chi nhánh Vân Long), đơn vị tiến hành khai thác mỏ thuê cho Công ty cổ phần Than Núi Béo.

Được biết, nguyên nhân của vụ tai nạn có thể liên quan đến quá trình nổ mìn để khai thác than. Trong quá trình thi công, dư chấn của vụ nổ đã làm đá tại công trường rơi xuống và đè vào người thợ mỏ.

Liên quan đến vụ tai nạn nổ mìn trên, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Núi Béo cho rằng: “Chúng tôi là bên chủ mỏ, còn công nhân tử vong là người của bên nhà thầu thi công thuê. Do đó, Công ty Than Núi Béo chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và đơn vị khai thác thuê để làm rõ vụ tai nạn”.

Vụ nổ mìn khiến 1 công nhân tử vong: Thuê đơn vị khai thác, chủ mỏ vẫn liên đới trách nhiệm

Những vụ tai nạn lao động vẫn thường xuyên xảy ra tại các mỏ than. Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Công lý, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) khẳng định, cho dù Công ty cổ phần Than Núi Béo đã thuê đơn vị khai thác than, nhưng trách nhiệm liên đới vẫn thuộc về chủ mỏ. Bởi không phải ký hợp đồng thuê bên khác khai thác tài nguyên, thì chủ mỏ đứng ngoài cuộc. Cùng với đó, Công ty Than Núi Béo phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc khai thác than, đặc biệt là kiểm tra quy trình nổ mìn nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động

Theo luật sư Diệp Năng Bình, để có cơ sở truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan, cơ quan chức năng cần làm rõ nội dung của các hợp đồng nhằm xác định tính pháp lý và trách nhiệm vật chất đối với gia đình nạn nhân.

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy một trong hai bên đã vi phạm các quy định về an toàn lao động, gây thiệt hại đến tính mạng của công nhân thì người có trách nhiệm trong đơn vị sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại Điều 295 Bộ luật lao động năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

Vụ nổ mìn khiến 1 công nhân tử vong: Thuê đơn vị khai thác, chủ mỏ vẫn liên đới trách nhiệm

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật). Ảnh PV.

Cụ thể, Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2018) quy định rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ thương tật 61% trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, trong trường hợp vụ tai nạn lao động do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của cá nhân, tổ chức (việc đảm bảo an toàn lao động được thực hiện nghiêm túc) thì sẽ không xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động đối với gia đình nạn nhân, đồng thời có trách nhiệm làm các thủ tục để gia đình nạn nhân hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

Vị luật sư chia sẻ thêm, tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2012, chủ sử dụng lao động phải thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho nạn nhân bị tai nạn. Căn cứ theo quy định này, thì ngay sau khi tai nạn lao động xảy ra, công ty có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí để cứu chữa, khắc phục hậu quả.

“Trường hợp đơn vị sử dụng người lao động không ký kết hợp đồng với người lao động mà để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, thì trách nhiệm lương tâm là điều đáng lên án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng lao động còn bị phạt xử phạt hành chính đối với hành vi này”, luật sư Diệp Năng Bình nói. 

Những năm gần đây, ngành than xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người. Các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động gia tăng do điều kiện sản xuất phức tạp, công nghệ khai thác lộ thiên thu hẹp. Đồng thời, công nghệ khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn về việc bục nước, bục bùn, cháy nổ khí, vận tải mỏ, thiết bị điện và quản lý áp lực mỏ.

Ngày 14/6, một vụ tai nạn sập vỉa than xảy ra tại khai trường Than Hà Ráng (thuộc Công ty Than Hạ Long) khiến thợ lò Q.V.B. (SN 1985, quê huyện Như Thành, Thanh Hoá) tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty Than Hạ Long đã tiến hành các thủ tục đưa nạn nhân về quê an táng, đồng thời hỗ trợ các chi phí theo quy định nhà nước.

Trước đó, vào tháng 10/2016, tại khai trường Công ty cổ phần Than Núi Béo cũng đã từng xảy ra tai nạn sập hầm lò làm anh Đ.M.H. (SN 1993, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bị mắc kẹt, sau đó tử vong tại chỗ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nổ mìn khiến 1 công nhân tử vong: Thuê đơn vị khai thác, chủ mỏ vẫn liên đới trách nhiệm