Các chuyên gia khuyến cáo, nhiễm sán lợn không phải là bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, chính vì thế các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang lo lắng.
Những ngày qua các gia đình ở Bắc Ninh đã đổ xô đưa con đi Hà Nội xét nghiệm sán lợn. Tính đến hết ngày 18/3, đã có khoảng 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) về Hà Nội và khám, làm xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Đây được xem là cuộc xét nghiệm tìm sán lợn lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Hiện số trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh ở 2 viện này đã lên tới 209.
Theo các chuyên gia y tế, với tâm lý hoang mang, ngày hôm nay 18/3, nhiều bà mẹ ở Bắc Ninh vẫn tiếp tục đưa trẻ đi xét nghiệm, đồng thời nhiều trường hợp xét nghiệm từ những ngày trước tại các cơ sở y tế vẫn đang chờ kết quả do vậy dự kiến số ca nhiễm sán lợn dự kiến còn tăng trong vài ngày tới.
Hơn 2000 trẻ ở Bắc Ninh đã được đưa lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn
Tuy nhiên, không phải tự nhiên phụ huynh ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đồng loạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Họ buộc phải làm như vậy sau khi những hình ảnh "thịt bẩn", "gà thối" trong bữa cơm của con được phanh phui.
Vì vậy, vừa thăm khám, các bác sĩ vừa giải thích về căn bệnh này cho người nhà hiểu để yên tâm điều trị nếu nhận kết quả dương tính.
Nhìn ở góc độ chuyên gia chuyên về truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khẳng định, việc làm xét nghiệm cho trẻ trong trường hợp này là không cần thiết, dù kết quả xét nghiệm có dương tính cũng là bình thường.
Đa số khi giun, sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải ra. Nhưng khi làm xét nghiệm vẫn dương tính do kháng thể còn tồn tại nhưng trong người không còn giun. "Trẻ đang nhiễm giun, đã từng nhiễm giun, nhiễm giun nhưng đã hết xét nghiệm kết quả vẫn dương tính", bác sĩ Khanh khẳng định.
Trong trường hợp có bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng không phải điều trị. Nếu lo lắng chỉ cần uống thuốc xổ giun sán thêm.
Về nguồn lây bệnh sán lợn, TS Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, sán lợn chủ yếu là qua đường ăn uống, qua thức ăn. Nhiễm bệnh thường có 2 loại gồm nhiễm sán trưởng thành, ví dụ như ăn phải lợn gạo, hoặc gan lợn có chứa ấu trùng, khi ăn vào thì ấu trùng sẽ phát triển và thành con sán trưởng thành, ký sinh trong ruột và gây bệnh.
Trường hợp thứ 2 là khi ăn phải trứng sán ở trong môi trường ví dụ như rau hoặc thức ăn thì trứng sán sẽ vào trong cơ thể và phát triển thành ấu trùng và ấu trùng sẽ di chuyển trong máu, đến các cơ quan và có thể gây bệnh ở não, ở cơ hoặc dưới da.
Đối với cả người lớn và trẻ nhỏ nếu nhiễm sán trưởng thành thì có thể sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, đau bụng, đi ngoài ra nước sán. Trường hợp mắc ấu trùng sán lợn, nếu mắc dưới da thì có thể thấy các nốt sán ở dưới da, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nếu phát triển ở trong cơ hoặc não thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe - nhưng nếu điều trị đúng liệu trình thì sẽ khỏi hoàn toàn.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên hoang mang khi trẻ bị nhiễm giun
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiễm sán lợn không phải là một bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết. Chính vì thế, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng. Bệnh sán lợn đã có phác đồ điều trị hiệu quả.
Theo đó, nếu để điều trị sán thông thường, thuốc chỉ điều trị một ngày là hết sán. Tuy nhiên, để diệt được trứng thì cần điều trị thuốc khoảng 2 tuần mới có thể hết hoàn toàn.
GS Kính khuyến cáo, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, do đó nếu để nhiễm sán dài ngày sẽ gây ra hậu quả là suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hóa, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, nếu cha mẹ nghi con nhiễm sán cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân: - Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. - Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). - Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. - Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. |