Đã hơn 2 năm kể từ khi khởi tố, bắt giam, vụ án Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Techcombank- CN Bình Dương do bà Lê Thị Hạnh- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH TM Đức Hạnh thực hiện vẫn chưa đưa ra xét xử do quá trình điều tra bổ sung.
Liên quan đến nữ giám đốc lừa đảo này, một số nạn nhân trước và sau khi vụ án được khởi tố đã làm đơn tố cáo nhưng chưa được cơ quan điều tra đưa vào tố tụng trong vụ án.
Công ty TNHH TM Đức Hạnh được cấp giấy chứng nhận và đăng kí lần đầu vào ngày 3/11/2005, có trụ sở chính và là địa chỉ của gia đình tại 336 ấp Xà Mách, xã Lai Uyên, Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng), tỉnh Bình Dương. Bà Lê Thị Hạnh làm Giám đốc và con gái là Nguyễn Thị Diệu Nhơn làm Phó giám đốc.
Dù đăng kí nhiều ngành nghề trong giấy phép hoạt động, vốn đều lệ tự khai lên đến 30 tỉ đồng nhưng năng lực thực tế có hạn nên bà Lê Thị Hạnh làm đúng nghề truyền thống là thu mua tiêu của các nhà vườn và các bạn hàng khác rồi giao cho đầu mối xuất khẩu. Riêng Phó giám đốc Nguyễn Thị Diệu Nhơn (sinh năm 1986) sau khi học hết lớp 12 thì hành nghề uốn tóc, chỉ giúp việc cho Giám đốc (mẹ ruột) khi đi đòi nợ và vay nợ của ngân hàng.
Bà Lê Thị Hạnh thời điểm bị bắt giam
Với danh nghĩa Giám đốc công ty tư nhân, bạn hàng buôn bán với bà Lê Thị Hạnh được mở ra nhiều hơn, hàng hóa nhiều và giá trị lớn nhưng bà giám đốc này hiếm khi sòng phẳng trong giao dịch thương mại, thường chiếm dụng vốn của bạn hàng. Theo báo cáo của công an xã Lai Uyên gửi Ban chỉ huy Công an huyện Bến Cát vào ngày 16/10/2013 thì từ khi hoạt động đến nay, tại Công ty Đức Hạnh luôn xảy ra tranh chấp dân sự về thu mua nông sản (tiêu), không trả tiền cho khách hàng và thiếu nợ nhiều ngân hàng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Tháng 7/2012, Công ty ngưng hoạt động. Đến tháng 3/2013, Công ty hoạt động trở lại nhưng đã đổi giấy phép kinh doanh cho con gái là Nguyễn Thị Diệu Nhơn làm Giám đốc và và chồng là Nguyễn Thụy, tên công ty đổi lại là Công ty TNHH TM nông sản Phước Sinh cũng tại địa chỉ cũ.
Trong số các bạn hàng làm ăn với bà Lê Thị Hạnh, có bà Nguyễn Thị Liễu, cư ngụ tại khu phố Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Bà Liễu có quan hệ làm ăn với bà Lê Thị Hạnh từ năm 2013 sau khi con trai bà là Nguyễn Văn Công cưới cháu gọi bà Hạnh là cô ruột.
Theo tài liệu và lời trình bày của bà Nguyễn Thị Liễu, sau nhiều lần khất nợ, đến ngày 28/6/2013, bà Lê Thị Hạnh với vai trò đại diện Công ty Đức Hạnh (dù công ty đã giải thể trước đó cả năm ), làm xác nhận nợ cho bà Liễu với giá trị hàng hóa (tiêu) lên đến hơn 5,5 tỉ đồng và sẽ thanh toán dứt điểm vào mùa tiêu năm sau.
Tuy nhiên, khi phát hiện việc Công ty Đức Hạnh không còn tồn tại, bà Liễu kiên quyết đòi nợ bà Hạnh nhưng bị chồng và con rể là Lê Việt Hùng (hành nghề luật sư) cầm hung khí đuổi đánh.
Từ tháng 10/2013 đến nay, bà Nguyễn Thị Liễu liên tục làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Lê Thị Hạnh ra trước pháp luật nhưng cơ quan Công an chỉ xác định là quan hệ dân sự nên bà Lê Thị Hạnh vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội cho tới ngày bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 6/11/2014.
Theo đơn khiếu tố của bà Nguyễn Thị Liễu, khi tiến hành xác nhận công nợ thì Công ty Đức Hạnh không còn hoạt động, thay vào đó là Công ty Phước Sinh và người đại diện trước pháp luật là bà Nguyễn Thị Diệu Nhơn (con gái của bà Hạnh).
Theo bà Liễu, đây là thủ đoạn chuyển dịch tài sản (là tiền hàng của các nạn nhân) của bà Hạnh cho con gái khi tuyên bố giải thể Công ty Đức Hạnh nhằm chiếm đoạt đến cùng.