Vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Các bị cáo cho rằng không có cơ sở để buộc tội

Mạnh Cường| 03/08/2017 14:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 10 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 2/8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc xảy ra tại Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

Đây là vụ án gây chấn động dư luận năm 2011, đặc biệt trong phiên tòa lần này Ban Dân nguyện Quốc hội đã tham dự để giám sát.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Trương Huy Liệu (SN 1958) và Trần Thị Dung (SN 1961, cùng trú số 111, khóm Trung Chín, TT Lao Bảo, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) bị truy tố về tội “Buôn lậu”; Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú khu phố Trung Chỉ, P. Đông Lương, TP Đông Hà, Quảng Trị), Lê Xuân Thành (SN 1962, trú số 364-Lê Duẩn, Đông Lương, TP Đông Hà), Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú số 16-Lê Vĩnh Huy, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, ngày 21/12/2011, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng phát hiện ô tô BKS 43S-5142 kéo theo rơ-moóc tải BKS 43R-0866 chở container gỗ, số hiệu GESU 6243717 cho Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng), đi từ Chi cục Hải quan (CCHQ) Cảng Cửa Việt đến CCHQ Cảng Đà Nẵng nhưng có vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên Tổng cục đã giao cho CCHQ Cửa khẩu Đà Nẵng phối hợp với Đội 2 Cục Điều tra chống buôn lậu và CCHQ Cửa khẩu Cửa Việt tiến hành khám xét đối với toàn bộ lô hàng của Cty Ngọc Hưng.

Kết quả khám xét đã phát hiện Cty Ngọc Hưng nhập lậu và xuất lậu gỗ nên Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.

Cáo trạng nêu rõ, Trương Huy Liệu với chức vụ Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng đã chỉ đạo các nhân viên Cty Ngọc Hưng lập hồ sơ, chứng từ giả sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 63.619.706.500 đồng. Hành vi nhập lậu, xuất lậu gỗ của Trương Huy Liệu đã phạm tội “Buôn lậu”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 153 BLHS.

Trần Thị Dung - Giám đốc Cty Ngọc Hưng đã có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập kinh doanh gỗ từ Lào vào Việt Nam, sau đó xuất kinh doanh sang Hồng Kông, Trung Quốc. Hành vi của Trần Thị Dung đã phạm tội “Buôn lậu”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 153 BLHS, vai trò đồng phạm với Trương Huy Liệu.

Vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Các bị cáo cho rằng không có cơ sở để buộc tội

Các bị cáo tại tòa

Đối với Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành - cùng là công chức Hải quan thuộc CCHQ Khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị, được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu theo tờ khai Hải quan số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Cty Ngọc Hưng nhưng đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao, do đó đã không phát hiện được 27 kiện hàng gồm 867 sản phẩm gỗ trắc (1,49m3); 23,828m3 gỗ giáng hương; 224,944m3 gỗ trắc xẻ, trị giá 30.060.814.616 đồng mà doanh nghiệp đã không khai báo khi làm thủ tục hải quan dẫn đến không phát hiện được hành vi buôn lậu của Cty Ngọc Hưng.

Đỗ Danh Thắng - công chức Hải quan thuộc CCHQ Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP Đà Nẵng, được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng xuất khẩu có vi phạm của Cty Ngọc Hưng những đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan; không làm hết trách nhiệm được giao, gây ra hậu quả đã không phát hiện được 21 container gỗ có vi phạm của Cty Ngọc Hưng.

Trị giá lô hàng 61.337.575.000 đồng và gây thất thoát tiền chi phí cho việc bốc lên và dỡ xuống 14 container; chi phí lưu bãi; chi phí niêm phong kẹp chì với tổng số tiền là 1.051.113.000 đồng. Hành vi của bị cáo Nhi, Thành và Thắng đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 258 BLHS.

Tại Tòa, sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, bị cáo Liệu không đồng tình với tội danh mà VKSNDTC truy tố đối với vợ chồng bị cáo. Theo đó bị cáo trình bày, trong ngày 17/12/2011, Cty Ngọc Hưng có nhập khẩu 2 lô gỗ, ngay sau đó 1 lô được xuất khẩu bị bắt giữ (trong vụ án này) lô còn lại bị tạm giữ.

Tuy nhiên, sau một thời gian lô gỗ bị tạm giữ được trả lại cho Công ty với kết luận không vi phạm bất cứ quy định nào về nhập khẩu và không lâu sau đó lô gỗ này Cty Ngọc Hưng cũng đã xuất khẩu cho một công ty ở Trung Quốc. Bị cáo Liệu đặt ra câu hỏi, tại sao hai lô gỗ như nhau, nhập khẩu cùng một đợt, lại có kết luận 1 lô không vi phạm còn 1 lô lại là tang vật vụ án “buôn lậu”? Bị cáo khẳng định cáo trạng truy tố vợ chồng bị cáo tội “Buôn lậu” là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.

Bị cáo Liệu đưa ra các lập luận về vấn đề này nhằm khẳng định mình bị oan, cụ thể ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33, nhập khẩu 535,800m3 gỗ Trắc từ Lào vào Việt Nam. Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã kiểm tra, thông quan, theo quy định Công ty đã nộp thuế GTGT cho Nhà nước với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Đến ngày 19/12/2011, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu nguyên lô gỗ trắc nói trên từ Việt Nam sang Hong Kong-Trung Quốc. Hải quan cảng Cửa Việt đã kiểm hóa, thông quan và theo quy định Cty Ngọc Hưng không phải nộp thêm cho Nhà nước bất kỳ khoản thuế nào. Như vậy, lô hàng gỗ trắc xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng là lô hàng nhập và xuất khẩu hợp pháp. Nói cách khác, lô gỗ có xuất xứ từ Lào, đã thực hiện đầy đủ các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong đó có khai báo và nộp thuế đầy đủ.

Bị cáo Liệu cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã sai phạm có hệ thống từ “khởi tố vụ án”, “khởi tố bị can”, “xử lý vật chứng” cho đến “truy tố”. Cụ thể, Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, trong đó khởi tố Cty Ngọc Hưng về tội “Buôn lậu” với cáo buộc “Cty Ngọc Hưng xuất khẩu gỗ không có nguồn gốc hợp pháp”, trong khi, tại hồ sơ vụ án tài liệu thể hiện lô gỗ xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng có nguồn gốc từ nhập khẩu hợp pháp.

Tại quyết định khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT-BCA (C44) cáo buộc bị can Liệu “đã có hành vi không khai so với tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, khối gỗ khi xuất khẩu”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Nghị định của Chính phủ về “Vi phạm về khai hải quan và khai thuế…” thì đây là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chứ không phải là hành vi vi phạm hình sự(!).

Đối với tang vật vụ án, CQCSĐT-BCA (C44) ban hành Quyết định số 21/C44-P4 ngày 31/7/2013 để xử lý vật chứng là trái với quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra”. Ở đây, vụ án đang trong giai đoạn điều tra chưa được đình chỉ và lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng chưa phải là tài sản đã bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước vì chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật nào. Chưa nói đến việc gỗ trắc và gỗ giáng hương lại không nằm trong loại hàng hóa mau hỏng theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, kết luận của cuộc họp Lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương ngày 24/9/2013 là: “Chuyển lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền” hay trong ý kiến (bút phê) của Bộ trưởng Bộ Công an tại Công văn số 900/C41-C44 ngày 27/12/2013 về việc xử lý vật chứng vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng chỉ ghi:“Đồng ý xử lý theo pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”… mà không có nội dung nào đồng ý cho bán.Vậy nhưng, trên thực tế, tang vật vụ án này đã được đem ra đấu giá với số tiền hơn 63,6 tỷ đồng. Theo bị cáo Liệu, với số lượng gỗ như trên của Cty Ngọc Hưng có giá thị trường không dưới 300 tỷ nhưng chỉ được bán với giá hơn 63,6 tỷ đồng là một điều không thể chấp nhận được.

Về nội dung trong cáo trạng cho rằng bị cáo lập hồ sơ chứng từ giả mạo, bị cáo Liệu cũng bác bỏ. Trong đó, căn cứ vào các quy định về hồ sơ hải quan thì trong một bộ hồ sơ hải quan, tờ khai hải quan là bản kê khai của doanh nghiệp có tính pháp lý quan trọng nhất trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu một lô hàng. Tờ khai của hải quan là cơ sở pháp lý để Cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp và chấp hành nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với lô hàng đó. Xét về hành chính thì hồ sơ hải quan của lô hàng gỗ trắc nhập khẩu mở tại CCHQ Cửa khẩu Lao Bảo và Hồ sơ nhập khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19-12-2011 mở tại CCHQ Cửa khẩu Cửa Việt ngày 19-12-2011 của Cty Ngọc Hưng trong đó có tờ khai hàng hóa XNK, hợp đồng kinh tế, lý lịch gỗ, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận đơn đã phản ánh trung thực chủng loại, số lượng, khối lượng lô gỗ... Như vậy không có hồ sơ chứng từ nào là giả.

Về vấn đề số lượng gỗ khi bắt, sau khi giám định đã có kết quả khác nhau, theo bị cáo, các cơ quan chức năng như Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (STTNSV) và Kiểm lâm vùng II đã áp dụng phương pháp cân trọng lượng gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp để quy đổi ra khối lượng là trái với quy định của pháp luật. Khi mua bán gỗ, Cty Ngọc Hưng đã áp dụng phương pháp đo (kể cả đo theo đơn vị ste) đúng với quy định của Bộ NN&PTNT, lô hàng có khối lượng là 535,800m3. Khi giám định, Viện STTNSV lại áp dụng phương pháp cân trọng lượng để quy đổi ra khối lượng, trái với quy định, lô hàng có khối lượng 614,772m3. VKSTC lấy kết quả đo trái với quy định của Nhà nước để cho rằng lô gỗ của Cty Ngọc Hưng có khối lượng là 614,672m3 nhiều hơn thực tế mua bán của Cty với các đối tác Lào và Hồng Kông - Trung Quốc là 78,872m3 và nhiều hơn kết quả giám định lần thứ nhất (453,104m3) cũng của chính Viện STTNSV là 161,568m3.

Bị cáo Liệu khẳng định lô gỗ của Cty có số lượng là 75.944 hộp, thanh và khối lượng là 535,800m3 chứ không phải là 180.833 hộp, thanh, như kết quả Viện STTTNSV và CQCSĐT. Ngoài ra, bị cáo giải thích, trong lô hàng bị giữ ngoài gỗ trắc lại có gỗ giáng hương vì quá trình mua và bán giữa bị cáo và các đối tác đều lấy uy tín đặt lên hàng đầu, bị cáo mua nguyên kiện và cũng bán nguyên kiện nên không hề hay biết việc này. Tuy nhiên, nếu để lẫn gỗ giáng hương vào lô gỗ trắc sẽ là thiệt cho bị cáo vì thực tế bị cáo đóng thuế cho toàn lô hàng là thuế gỗ trắc (giá trị gỗ trắc cao hơn).

Liên quan đến một số lời khai của anh Trần Đình Quang (là cháu vợ và là nhân viên của Cty Ngọc Hưng) mà CQCSĐT, VKSNDTC căn cứ để buộc tội bị cáo Liệu là giả tài liệu buôn lậu, bị cáo Liệu khẳng định: toàn bộ hợp đồng đều do bị cáo làm chứ không phải Quang làm. Trong quá trình điều tra có những chứng cứ liên quan đến nội dung lấy lời khai của Quang đã không có trong hồ sơ vụ án. Theo bị cáo Liệu thì đây cũng chính là uẩn khúc cần được làm sáng tỏ bởi sau lần được mời ra CQCSĐT làm việc về, Quang đã tự tử. Cũng liên quan đến cái chết của Quang và những di thư Quang để lại sau khi tự tử đã bị Công an huyện Hướng Hóa thu giữ đến nay chưa trả lại cho gia đình, bị cáo Liệu “nhờ” HĐXX xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp, trao trả lại cho gia đình đồng thời qua đó để làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung còn vướng mắc.

Bị cáo Trần Thị Dung cho rằng, mọi việc là do bị cáo Liệu thực hiện và tất cả đều hợp lệ, đúng pháp luật chứ không hề có chuyện làm khống, phạm pháp. Bị cáo Dung cũng có chung quan điểm với bị cáo Liệu, đó là không đồng tình với truy tố của VKSNDTC về tội danh đối với hai vợ chồng.

Bị cáo Nhi và Thành đều đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho việc truy tố của VKSNDTC là chưa đúng. Các bị cáo đã làm đúng chức trách nhiệm vụ và các quy định của pháp luật. Cụ thể, các bị cáo đã kiểm tra và đánh giá 5% trên tổng số tờ khai hải quan là đúng với quy định. Trong trường hợp này 5% của 535,800m3 tương đương 26m3, như vậy các bị cáo đã kiểm tra đúng và trong quá trình kiểm tra số lượng này không có dấu hiệu sai phạm nên kết luận là không vi phạm.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Công ty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Các bị cáo cho rằng không có cơ sở để buộc tội