Hồ sơ vụ án

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự khai gì về 32 lần nhận hối lộ?

Mạnh Hùng 20/04/2023 09:23

VKSNDTC đã hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can về các tội “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

d919dd2c-4561-459f-9f54-d154490f28cb_4_5005_c.jpeg
Một số bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu" bị truy tố trong vụ án

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự khai gì về 32 lần nhận hối lộ?

Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ với  tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng để tạo điều kiện cho 8 doanh nghiệp được cấp phép “chuyến bay giải cứu”.

Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu và 372 chuyến bay combo. Với cương vị của mình, bị can Nguyễn Thị Hương Lan có hành vi nhận hối lộ trong quá trình cấp phép “chuyến bay giải cứu”.

Bị can Nguyễn Thị Hương Lan khi đó là Cục trưởng, được giao quản lý, phụ trách toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo bị can Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao duyệt, ký công văn đề xuất cho các doanh nghiệp thực hiện các “chuyến bay giải cứu”.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, có 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bị can Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay. Thời gian này, bị can Nguyễn Thị Hương Lan nhiều lần nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp.

Lần đầu, khoảng tháng 5/2020, bị can Hoàng Diệu Mơ (Giám đốc Công ty TNHH An Bình) được bị can Tô Anh Dũng giới thiệu đến gặp và được bị can Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện để nhóm Công ty TNHH An Bình được cấp phép 66 chuyến bay.

Sau đó, bị can Hoàng Diệu Mơ đã đưa cho bị can Nguyễn Thị Hương Lan 11 lần với tổng số tiền 13,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hương Lan cho rằng, bị can chỉ nhận một lần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của bị can Tô Anh Dũng, sao kê tài khoản và các chứng cứ, tài liệu liên quan, cơ quan tố tụng xác định, bị can Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ của bị can Hoàng Diệu Mơ số tiền 13,2 tỷ đồng.

Tháng 6/2021, bị can Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) đặt vấn đề và được bị can Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp cấp phép 32 “chuyến bay giải cứu”. Bị can Nguyễn Thị Tường Vy khai, đã 4 lần đưa hối lộ cho bị can Nguyễn Thị Hương Lan tổng số tiền 300 triệu đồng và 85.000 USD.

ad83d468-37f2-4059-bd47-8da079547756.jpeg
Hai bị can Tô Anh Dũng và Nguyễn Thị Hương Lan

Về lời khai của bị can Nguyễn Thị Tường Vy, bị can Nguyễn Thị Hương Lan không thừa nhận và cho rằng, bị can chỉ nhận một số quà như: Túi xách, mũ, chậu hoa và 50 triệu đồng bị can Nguyễn Thị Tường Vy tặng nhân dịp ngày thành lập Cục Lãnh sự. Và số tiền này được dùng làm quỹ chung của Cục Lãnh sự.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc bị can Nguyễn Thị Hương Lan đã 4 lần nhận hối lộ của bị can Nguyễn Thị Tường Vy.

Người thứ 3 đưa hối lộ cho bị can Nguyễn Thị Hương Lan là bị can Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh). Nhóm doanh nghiệp của bị can Lê Văn Nghĩa được bị can Nguyễn Thị Hương Lan giúp cấp phép 18 “chuyến bay giải cứu” nên đã hối lộ cho Nguyễn Thị Hương Lan 2 lần với số tiền 20.000 USD.

Một bị can khác là Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Giám đốc Công ty Bluesky) cũng đã gặp, đặt vấn đề và được bị can Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý giúp cấp phép 109 “chuyến bay giải cứu”. Đổi lại, bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng đã 8 lần đưa hối lộ cho bị can Nguyễn Thị Hương Lan tổng số tiền 5,9 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, trong quá trình cấp phép các “chuyến bay giải cứu”, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan đã 32 lần nhận hối lộ của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng (gồm 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD). Ngày 17/4, gia đình bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nộp 900 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Bóng hồng bỏ trốn trong vụ chuyến bay giải cứu

Cùng trong vụ "chuyến bay giải cứu" có nhiều bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ” và nhiều tội danh khác nhau với số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, có Trần Thị Hà Liên bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ” nhưng đã bỏ trốn. Tuy nhiên, trước khi bỏ trốn, đối tượng đã chuyển khoản nhiều tỷ đồng tiền hối lộ cho cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, Trần Thị Hà Liên bị khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”, tuy nhiên do bị can này đang bỏ trốn chưa bắt được nên cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và tách vụ án để điều tra, xử lý sau.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 9/2020 - 1/2022, bị can Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng và 27.000 USD.

Ngày 19/4/2021, bị can Kiên đã nhận qua chuyển khoản 4 lần, tổng số tiền 1 tỷ đồng của Trần Thị Hà Liên để giúp doanh nghiệp của Liên được chấp thuận cấp phép các chuyến bay. Sau khi vụ án được khởi tố, bị can Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng và đã được nộp lại Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Liên quan đến hành vi nhận hối lộ xảy tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cáo trạng thể hiện, Cục Quản lý xuất nhập cảnh được Bộ Công an giao nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét, đề xuất cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thời điểm đó, bị can Vũ Sỹ Cường (cán bộ Phòng Tham mưu, thành viên Tổ tham mưu) được phân công nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình bị can Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu) ký nháy trình ông Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao để cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp. Ông Dự còn duyệt ký giấy miễn thị thực cho một số khách về nước.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bị can đã có hành vi nhận hối lộ. Cụ thể, vào tháng 6/2021, Tuấn, Cường đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa tiền để đề xuất cấp phép các chuyến bay nhưng không báo cáo ông Dự. Tuấn liên hệ, thỏa thuận với đại diện các doanh nghiệp tham gia chuyến bay và yêu cầu phải chi từ 50- 200 triệu đồng/chuyến bay, hoặc từ 500 - 1,5 triệu đồng/khách.

Bị can Tuấn đã chỉ đạo Cường nhận tiền, tham mưu đề xuất văn bản cấp phép các chuyến bay và chia nhau tiền đã nhận của 3 đại diện doanh nghiệp.

Tháng 11/2021, Vũ Sỹ Cường được Trần Thị Hà Liên đặt vấn đề, nhờ xin cấp phép 4 chuyến bay combo cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Skyone (Công ty Skyone) đưa khoảng 700 khách về nước.

Hà Liên đã thỏa thuận với Cường về chi phí xin xét duyệt, cấp phép chuyến bay là 7 triệu đồng/1 khách. Sau đó, Cường đã liên hệ, đặt vấn đề nhờ Lê Thị Ngọc Anh, nhân viên Vụ Lễ tân, Văn phòng Trung ương Đảng giúp với thỏa thuận chi phí là 300 triệu đồng/1 chuyến bay.

Thực hiện thỏa thuận, Liên đã chuyển vào tài khoản của Cường hơn 4,5 tỷ đồng (tương ứng với 7 triệu đồng/khách). Cường đã đưa cho Ngọc Anh 1,2 tỷ đồng, chiếm hưởng hơn 3,3 tỷ đồng nhưng không báo cáo Trần Văn Dự và Vũ Anh Tuấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự khai gì về 32 lần nhận hối lộ?