Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vụ việc cháu bé 3 tuổi bị đánh đập, cho vào tủ cấp đông xảy ra tại một làng quê thuộc xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam gây xôn xao dư luận địa phương.
Như Báo Công lý đã thông tin, chiều 14/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tệ nạn xã hội, Công an tỉnh Hà Nam đã tạm giữ hình sự Nguyễn Trường Giang (26 tuổi), trú tại thôn 8, xã Chính Lý, để điều tra, làm rõ hành vi đánh đập bé trai 3 tuổi rồi cho vào tủ cấp đông.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Giang khai nhận, khoảng 15 giờ 20 phút ngày 13/8, cháu N.H.Đ. (3 tuổi) sang quán trà sữa của Giang chơi và có ăn uống tại quán. Tại đây, Giang đã có hành vi bạo hành cháu bé, chưa dừng lại ở đó, khi thấy nạn nhân nằm bất động, anh ta đã đặt cháu bé vào tủ cấp đông rồi bỏ đi.
Rất may mắn, cháu bé sau đó được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Nhi Trung ương và đã qua cơn nguy kịch.
Sau khi báo chí đăng tải thông tin, rất nhiều độc giả đã phẫn nộ và lên án hành vi mất nhân tính của nghi phạm. Với hành vi tàn ác trên, nghi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nghi phạm là tàn ác, có dấu hiệu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý nghi phạm, Cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích, ý thức chủ quan, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm, đồng thời trưng cầu giám định việc cho một cháu bé nhốt vào trong tủ lạnh cấp đông như vậy có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng hay không và trong thời gian bao lâu sẽ tử vong nếu không được phát hiện, cứu giúp kịp thời.
Trường hợp nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định việc nhốt một cháu bé trong tủ lạnh cấp đông là nguy hiểm đến tính mạng, nghi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại điểm b, n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
“Dù cho có mâu thuẫn hay động cơ mục đích nào, hành vi phạm tội của nghi phạm cũng thuộc trường hợp có dấu hiệu giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ”. Luật sư Thơm nhìn nhận.
Tương tự, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của nam thanh niên thuê nhà gần nhà bé trai, dùng dây giày thít cổ, sau đó nhốt cháu bé vào tủ đông có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời là hành vi có dấu hiệu tội giết người.
Luật sư Cường phân tích, tủ cấp đông là tủ chuyên dụng để bảo quản đồ tươi sống, có khoang rộng, chứa được nhiều thực phẩm, thông thường nhiệt độ là ở độ âm, có khi tới -18 °. Nếu một đứa trẻ ở độ tuổi 3-4 tuổi mà đưa vào tủ cấp đông một thời gian ngắn vài chục phút cũng có thể tử vong, nếu trong tình trạng thương tích, bị trói, tính mạng lại càng nguy hiểm hơn.
Hành vi của nghi phạm đối với đứa trẻ trong tình huống này là rất bất thường, bước đầu chưa xác định được mục đích của hành vi. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của thanh niên này, làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, nếu một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy vào tủ cấp đông rồi đậy nắp lại trong một khoảng thời gian, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và duy trì ở nhiệt độ âm như vậy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của đứa trẻ.
Nếu người này nhận thức được điều đó, nhận thức được hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản một điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp quá trình xác minh, điều tra nếu có căn cứ cho thấy người thanh niên này có biểu hiện tâm thần, cần trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người này.
“Một người bình thường sẽ không thể có hành vi bất thường như vậy. Nếu không phải là hành vi của kẻ tâm thần, đây là hành vi rất nhẫn tâm, đáng lên án thể hiện ý thức coi thường pháp luật cao độ. Cháu bé không tử vong do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng. Bởi vậy, trường hợp hành vi của đối tượng có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng về tội giết người để xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, luật sư Cường nêu quan điểm.