Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Các ngân hàng nói gì về thư bảo lãnh?

Mạnh Hùng| 24/11/2021 19:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (24/11), phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

8aa07aa1-1d4e-4820-a69d-8cdb43480c49.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Theo đó, trong phần xét hỏi, HĐXX, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà đã đặt nhiều câu hỏi với các bị cáo, tập trung xoay quanh nội dung mức độ, trách nhiệm của từng bị cáo trong hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trung bình 170 m cao tốc lại có một điểm hư hỏng

Trình bày tại Tòa, với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) nói tôn trọng kết luận điều tra của các cơ quan tố tụng liên quan chất lượng công trình, chấp nhận thực tế có các vị trí đường không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, đại diện VEC cho rằng, các điểm hư hỏng này chỉ mang tính chất cục bộ, xuất hiện trên một số điểm chứ không phải toàn tuyến cao tốc.

Quá trình khai thác tạm, tuyến cao tốc đến nay thu phí được hơn 1.400 tỷ đồng, giảm ách tắc đáng kể cho tuyến quốc lộ 1A cũ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Trung.

50a8cde8-7b9c-42a2-8b8f-25668d9cf0fe.jpeg
Một góc phiên toà xét xử

Về nghĩa vụ bồi thường, đại diện VEC nêu quan điểm xin giảm án cho các bị cáo và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, bởi cho rằng, họ không phải những chủ thể ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, chỉ đơn thuần làm công ăn lương, không có mục đích tư lợi, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố, song cho rằng, hành vi của mình chỉ là một mắt xích trong chuỗi sai phạm tại dự án, hành vi này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, bị chi phối bởi trách nhiệm của bên còn lại.

Nhóm các bị cáo nguyên là kỹ sư nhà thầu tư vấn giám sát, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gồm: Quách Văn Phúc, Phan Doãn Giang, Đào Trọng Hiếu… thừa nhận sai phạm, nhưng đều bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét vai trò của các bị cáo không phải là chủ chốt, vị trí của bị cáo chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm hiện trường, chỉ giúp sức cho các kỹ sư ở Văn phòng Ban giám sát, chất lượng vật liệu không đảm bảo là do rất nhiều bên, nhiều kênh, mà phòng thí nghiệm hiện trường chỉ là một khâu… Do vậy, các bị cáo mong được HĐXX cân nhắc các tình tiết này để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Giai đoạn 1 của dự án dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Mặc dù mới đưa vào khai thác, từ ngày 26/9/2018 đến ngày 31/10/2020, đoạn đường 65 km đã xảy ra 380 điểm hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông. Như vậy, tính trung bình, cứ 170 m cao tốc lại có một điểm hư hỏng.

0bea8bbb-81b9-43f6-a273-61fb2c69b138.jpeg
Các bị cáo tại ngoại trong vụ án tại phiên toà

Tương tự, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông – Cienco5 cho rằng, những hư hỏng xảy ra là cục bộ. Công ty chấp thuận bồi thường cho chủ đầu tư nhưng đề nghị VEC trả lại 5% tiền bảo hành. Cienco 5 cho biết, không yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn cho công ty.

Cienco 6 cũng có ý kiến tương tự. Còn Tổng công ty Sông Đà cho rằng, suốt quá trình thi công và thời gian bảo hành, công ty không nhận được ý kiến phản hồi của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chất lượng đoạn đường công ty thi công. Công ty không yêu cầu bị cáo phải bồi hoàn tiền.

VEC, Cienco 5, Cienco 6, Tổng công ty Sông Đà, Công ty Thành Phát đều có chung ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cán bộ, nhân viên của mình.

Tòa án cũng triệu tập các pháp nhân khác như Cienco 1, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn… nhưng những người này vắng mặt trong chiều nay.

Ngân hàng nói gì về thư bảo lãnh?

Cũng tại phiên toà xét xử, khi trả lời HĐXX, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng đã phát hành 7 chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Cienco 5, Cienco 6, Công ty Tuấn Lộc, Tổng công ty Sông Đà, Công ty Phương Thành, Công ty Thành Phát tại các gói thầu số 1, 3b, 4, 5, 7. Tuy nhiên, đến nay các chứng thư bảo lãnh này đều không còn giá trị vì dự án đã chuyển sang bảo lãnh bảo hành.

9a864525-aaad-4fae-9a98-23855f015ac9.jpeg
Đại diện các đơn vị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án

Hiện ngân hàng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho 5 gói thầu, chuyển cho VEC 131 tỷ đồng (5 gói thầu trên).

Đối với đại diện Ngân hàng VPBank cho biết, ngân hàng phát hành 3 bảo lãnh bảo hành công trình cho Cienco 5, Cienco 1, Vinaconex, Công ty Thành An. Hiện ngân hàng chưa nộp tiền bảo lãnh bảo hành cho chủ đầu tư với lý do các bên vẫn đang có văn bản qua lại.

Ngân hàng đề nghị tòa xem xét giải quyết việc bảo lãnh thành vụ án dân sự khác. Nếu xác định giá trị bảo lãnh, giá trị hoàn thành, chưa hoàn thành thì ngân hàng sẽ chuyển tiền bảo lãnh.

Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Bảo, nguyên Kỹ sư Nhà thầu tư vấn giám sát Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian làm Giám sát viên hiện trường và Giám sát viên vật liệu gói thầu số 7, đã cùng đồng phạm trực tiếp xác nhận các tài liệu liên quan đến chất lượng vật liệu để tiến hành thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 108 tỷ đồng.

Theo bị cáo, công việc do cấp trên phân công làm gì mình làm việc đó, làm theo đúng phân công văn phòng tư vấn. Nếu ai là người chịu trách nhiệm kết quả thí nghiệm thì đó là các kỹ sư. Thời điểm làm giám viên hiện trường, bị cáo đều yêu cầu nhà thầu thi công đúng theo yêu cầu, nếu phát hiện sai phạm bị cáo sẽ có văn bản báo cáo văn phòng tư vấn.

“Khi đọc kết luận giám định, bị cáo thấy những công việc bị cáo tham gia và đối chiếu với kết quả giám định rất khác khi bị cáo tham gia giám sát tại hiện trường. Bởi trong quá trình thi công, có nhiều bên chứng kiến, có đơn vị kiểm tra độc lập, nghiệm thu nhà nước… Bị cáo thấy công việc vẫn tiếp tục và nếu đạt thì mới tiếp tục được”, bị cáo Bảo nói.

Nói về cáo trạng truy tố, bị cáo Bảo cho biết, bị cáo nhận thấy chưa nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của bị cáo để đánh giá hành vi cá nhân bị cáo. “Bị cáo có vai trò thứ yếu, chỉ là người làm công ăn lượng, bị cáo là người cuối cùng thực hiện công việc”, bị cáo Bảo trình bày và đề nghị trang 56 của cáo trạng có nêu một số người có vai trò như bị cáo, do đó mong HĐXX giảm nhẹ tội.

Một số bị cáo tại phiên toà xét xử:

ae0ec9ad-b5b8-429a-9d2d-0dc8002820a1.jpeg
dd57de82-9bcc-4363-a878-b78663bdc2c4.jpeg
6a83d505-0909-404b-974f-ad344351b6b8.jpeg

Phiên toà sẽ tiếp tục được trở lại làm việc vào 8h sáng ngày mai (25/11).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Các ngân hàng nói gì về thư bảo lãnh?