Vụ án Công ty Phú An Sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Hủy bản án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Văn Vũ| 30/11/2016 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/11, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án Phạm Văn Minh (nguyên giám đốc Cty Phú An Sinh) ra xét xử phúc thẩm.

Đây là vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến hai chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

Theo hồ sơ vụ án, trong năm 2010, Công ty Phú An Sinh đã nhận tiền tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh BR-VT để thực hiện chương trình phòng chống dịch “heo tai xanh” số tiền 35 tỷ đồng; chương trình bình ổn giá Tết Tân Mão 2011 là 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty này chỉ dùng 560 triệu đồng cho chương trình bình ổn giá và 10 tỷ đồng cho chương trình “heo tai xanh”. Số tiền còn lại, ông Minh sử dụng vào mục đích riêng.

Do đó, ngày 31/5, TAND tỉnh BR-VT xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Minh 19 năm tù, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; buộc bồi thường số tiền hơn 7,3 tỷ đồng cho Sở Công Thương BR-VT và 33,5 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT tỉnh BR-VT. Nhận thấy bản án sơ thẩm tuyên phạt như vậy là không đúng sự thật khách quan của vụ án nên bị cáo Minh kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Minh trình bày rằng, ông không có ý định chiếm đoạt tiền ngân sách, chỉ là do làm ăn thua lỗ dẫn tới chậm thanh toán cho tỉnh BR-VT. Ông nói mình chỉ sử dụng sai mục đích đồng tiền chứ không có hành vi cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án Công ty Phú An Sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Hủy bản án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Bị cáo Phạm Văn Minh tại tòa

Trên thực tế, từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011, Phú An Sinh đã thu mua heo với số tiền 31 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu này so với kết quả giám định tài chính là Phú An Sinh chỉ sử dụng đúng mục đích 10 tỷ đồng vì số tiền mà cơ quan giám định dựa trên số heo mà công ty thu mua được theo từng thời điểm giải ngân của từng Hợp đồng và có chứng từ đầy đủ, hợp lệ.

Bị cáo Minh nại ra rằng, thực tế, công ty đã thu mua heo trong thời gian phòng chống dịch cấp bách làm cả ngày đêm không nghỉ. Vì vậy, Phú An Sinh đã không có đầy đủ chứng từ kịp thời và hợp lệ. Về số tiền 16,5 tỷ đồng từ chương trình bình ổn giá, ông Minh cho rằng sử dụng số tiền này để mua heo, gà, mua thức ăn chăn nuôi và Phú An Sinh đã trả nợ vì trước đó đã vay mượn ứng trước để thực hiện hai chương trình này.

Luật sư của ông Minh lập luận rằng, bản chất của hai chương trình mà Sở Công Thương, Sở NN&PTNT ký với Phú An Sinh là các thỏa thuận được ấn định tại hợp đồng thương mại (theo Luật Thương mại), thông qua những nghĩa vụ cần thực thi bằng những hợp đồng - và thực tế cho thấy Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Phú An Sinh đã thiết lập quan hệ thương mại thông qua việc ký kết các hợp đồng thương mại. Vậy thì nếu những nghĩa vụ thương mại trong hợp đồng đó không thực hiện hoặc thực hiện không hoàn hảo thì cũng không thể lấy những hậu quả pháp lý từ việc thực thi hợp đồng làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại diện VKS cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: Nếu quy kết bị cáo Minh phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như trong Bản án sơ thẩm, vậy bị cáo Minh một mình phạm tội, một mình dùng thủ đoạn để đối phó với 2 cơ quan nhà nước là Sở Công Thương, Sở NN&PTNT được hay không? Trách nhiệm của các cơ quan này ở đâu khi chi sai mục đích vốn ngân sách của nhà nước? Trong trường hợp xét xử Minh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì Tòa án cấp sơ thẩm có thể đã bỏ sót tội phạm, nếu đã bỏ qua không xem xét diễn biến các hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ công chức tỉnh BR-VT.

Đại diện VKS đặt câu hỏi: “Tại phiên tòa phúc thẩm này, hai đại diện Sở Công Thương và Sở NN&PTNN đều trả lời có sự sâu sát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đúng theo thẩm quyền của các cán bộ thuộc những cơ quan này, nếu vậy thì làm sao một mình bị cáo Minh có thể chiếm đoạt?”.

Cũng theo vị đại diện VKS, hồ sơ vụ án thể hiện và quy buộc bị cáo Minh chiếm đoạt 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số tiền này chưa làm rõ cụ thể dùng bao nhiêu vào hai chương trình? Số tiền bị cáo chi dùng ngoài bao nhiêu vẫn chưa làm rõ? “VKS nhận thấy có dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm…”, nhưng mà để buộc tội thì chưa rõ ràng, chặt chẽ, VKS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, làm rõ xem có đồng phạm trong vụ án không, tránh bỏ lọt người, lọt tội” – đại diện VKS nêu quan điểm.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên chấp nhận đề nghị của đại diện VKS và một phần kháng cáo của bị cáo; Hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh BR-VT, điều tra làm rõ sai phạm của ông Phạm Văn Minh, điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu có đồng phạm trong vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Công ty Phú An Sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Hủy bản án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm