UBND huyện Đăk Đoa vừa có thông tin phản hồi đến Báo Công lý về các nội dung liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc xâm hại 150ha rừng thông và từ chối hợp tác với PV.
Theo đó, tại văn bản phúc đáp số 1403/UBND-NC do ông Hoàng Nhưn (Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa-Gia Lai) ký nói rõ về việc xử lý các tập thể và cá nhân có liên quan về vấn đề rừng thông bị xâm hại.
Liên quan đến vấn đề 150ha cây thông 2 lá bị cạo vỏ, xâm phạm đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dẫn đến vàng lá. Đến nay, các cây đã bắt đầu ra lại vỏ. Cơ quan chức năng (cụ thể là Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa) đã lập biên bản tạm giữ 230 bao bột, vỏ thông và triệu tập 5 hộ có hành vi cất giữ, sử dụng vỏ thông tại xã Tân Bình, xã KDang để trồng phong lan đến lấy lời khai, xem xét xử lý.
Văn bản phúc đáp của UBND huyện Đăk Đoa gửi đến Báo Công lý.
Tại đây, các đối tượng khai mua lại của nhiều người dân địa phương. Số vỏ thông bị phát hiện tạm giữ chủ yếu là bột và vỏ đã mục nát, quá trình kiểm tra cây thông không bị chết nên khó xử lý. Cùng với đó, UBND huyện này cũng cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không hướng dẫn cụ thể đối với hành vi cất giữ vỏ thông. Vì vậy, không có căn cứ để xử phạt các đối tượng.
Từ những vấn đề trên, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Tân Bình, xã Glar; Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng; Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; Bùi Thị Mỹ Dung-Chủ tịch UBND xã Tân Bình; Nguyễn Trọng Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Đoa.
Đặc biệt gần đây, Báo Công lý đã đăng tải nhiều bài viết nói về sự thờ ơ, vô trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Glar trong sự vụ rừng thông bị xâm hại mà PV đã thông tin và đề nghị phối hợp.
Tại hiện trường, PV Báo Công lý đã phát hiện các đối tượng đang róc vỏ thông và đẽo đến 2/3 thân cây để lấy gỗ và vỏ. Lập tức, PV đã đến trực tiếp UBND xã Glar gặp Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã và Bí Thư Đảng ủy xã đề nghị phối hợp đi hiện trường để xử lý. Vậy nhưng, bà Giang H’Huom, Phó Chủ tịch UBND xã Glar, người được giao phụ trách vấn đề này, còn “phê bình” PV khi tự ý vào điều tra việc phá rừng trên địa bàn khi chưa được sự cho phép.
Ngoài ra, để được làm việc với lãnh đạo xã, Phó Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã đề nghị phải có giấy giới thiệu hoặc điện thoại từ trên huyện xuống.
Hình ảnh PV ghi lại được các đối tượng xâm hại cây thông.
Vấn đề này, có 20 cây thông bị cắt khúc và lấy hết phần thân, đường kính dao động từ 22-40cm. Công an huyện đang vào cuộc điều tra, làm rõ các đối tượng khai thác để xử lý theo đúng quy định. Sau khi có kết quả, sẽ tiếp tục thông tin về Báo Công lý.
Trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra nạn khai thác, xâm hại trái phép cây thông trên địa bàn tiếp diễn cũng như việc “phất lờ” lời đề nghị phối hợp của PV Báo Công lý cũng đã được làm rõ. Cụ thể: Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và người đứng đầu UBND xã Glar đã bị kiểm điểm. Ngoài ra, đã chấn chỉnh các cán bộ từ chối làm việc với PV, yêu cầu phải phối hợp tốt với các cơ quan báo chí khi liên hệ làm việc và tác nghiệp tại địa phương.