Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại trung tâm Hà Nội đang dần trở nên bão hòa, các nhà đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các vùng ven thành phố.
Giá bất động sản tại trung tâm thành phố ngày càng leo thang, vượt khả năng đầu tư của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời tại khu vực trung tâm đã bắt đầu đạt ngưỡng, không còn hấp dẫn như trước đây. Tại những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, việc mua một bất động sản nội đô đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội tại vùng ven, nơi mà giá thành thấp hơn và tiềm năng sinh lời cao hơn. Ngoài ra, với tiềm năng lớn và sự hỗ trợ từ chính sách, các tỉnh lân cận Hà Nội đang đứng trước cơ hội bứt phá, trở thành “mảnh đất vàng” mới cho các nhà đầu tư.
Chính vì điều đó, nhiều nhà đầu tư bất động sản cho rằng, tại thời điểm hiện tại với lợi thế về quỹ đất rộng, giá cả hợp lý, và tiềm năng phát triển hạ tầng, các khu vực ngoại tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình hay Thái Nguyên đang trở thành "điểm sáng" thu hút dòng tiền đầu tư.
Anh Lâm, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã chuyển hướng đầu tư sang Bắc Ninh, Phú Thọ từ 2 năm trước. Ở đây, giá đất còn thấp, nhưng tiềm năng tăng trưởng rất cao nhờ các khu công nghiệp và dân số trẻ đổ về làm việc. Ngoài ra, khoảng cách gần Hà Nội cũng là một lợi thế lớn.”
Cũng cùng quan điểm về thị trường bất động sản gần các vùng lân cận thành phố Hà Nội, chị Phạm Nhung, một nhà đầu tư tại Hưng Yên, cho biết: “Thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay rất khó tìm được các dự án có giá trị sinh lời tốt hay giá cả nhẹ nhàng. Trong khi đó, Hưng Yên đang phát triển mạnh với nhiều dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và sự đầu tư vào hạ tầng. Đây là thời điểm tốt để đón đầu xu thế. Cũng đầu năm nay, tại huyện Ân Thi cũng diễn ra 2 đợt đấu giá đất nền cũng thu hút khá nhiều người, tôi cũng đến và tham gia, khu vực này sắp tới sẽ đầu tư khá nhiều khu công nghiệp.”
Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều nhà đầu tư đang dần chuyển dịch từ thị trường nội đô thành phố Hà Nội sang các tỉnh lân cận, mới đây Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã đưa ra quan điểm về sự việc này. VARS cho rằng các nhà đầu tư bất động sản, bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đang “tăng tốc” dịch chuyển đầu tư từ khu vực trung tâm sang vùng ven thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
VARS nhận định rằng, xu hướng này không chỉ phản ánh nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại các khu vực mới mà còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như chính sách quy hoạch, hạ tầng giao thông và sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.
Theo VARS, giá bất động sản tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng leo thang, đạt mức kỷ lục. Điều này khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn khi chi phí vốn tăng cao, trong khi biên lợi nhuận giảm dần hoặc không đảm bảo. Ngoài ra, các dự án tại khu vực trung tâm thường gặp vấn đề về pháp lý và thời gian triển khai kéo dài. Những yếu tố này buộc các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính không mạnh phải tìm kiếm thị trường tiềm năng tại vùng ven.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương đang tích cực quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, mở rộng không gian đô thị nhằm giảm tải áp lực dân số và hạ tầng tại trung tâm. Điều này giúp các quận, huyện ven trung tâm và các tỉnh lân cận trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.
Thêm vào đó, việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến cao tốc, vành đai hay hệ thống giao thông công cộng như metro, đã rút ngắn thời gian kết nối giữa các khu vực vệ tinh và trung tâm thành phố. Điều này không chỉ tạo giá trị gia tăng cho bất động sản mà còn thu hút một lượng lớn nhu cầu đầu tư.
Một yếu tố quan trọng khác là sự xuất hiện của các dự án đại đô thị "all in one" tại vùng ven. Những dự án này không chỉ thúc đẩy hạ tầng và thương mại phát triển mà còn làm gia tăng giá trị bất động sản trong khu vực, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.
Với những yếu tố trên, VARS dự đoán xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài trung tâm sẽ ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, đầu tư vào khu vực ngoại tỉnh cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt liên quan đến pháp lý, quy hoạch và quyền sử dụng đất. VARS khuyến nghị các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, vì không phải khu vực nào cũng đủ sức hấp dẫn để đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, một số khu vực vùng ven vẫn hạn chế về tiện ích công cộng, gây khó khăn trong việc thu hút cư dân.