Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc là địa phương có sự bứt phá trong tăng trưởng, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; chính trị, xã hội ổn định. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, lĩnh vực giáo dục cũng có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, nằm trong tốp đầu cả nước.
Ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Đề án 01 về Phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh đến năm 2000. Đây là Đề án đầu tiên sau tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp GD&ĐT. Đề án đã khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, quyết định sự phát triển của đất nước; đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, phải có chính sách ưu tiên cao nhất và có giải pháp mạnh mẽ để phát triển GD&ĐT.
Với truyền thống hiếu học, học giỏi và sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, nhiều năm liên tục giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị xuất sắc, nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng thi học sinh giỏi và chất lượng thi tuyển sinh vào đại học.
Trải qua chặng đường 25 năm, chất lượng giáo dục toàn diện đã có những chuyển biến tích cực, đã đạt được những điểm nhấn “Là một trong 4 tỉnh thành trên cả nước phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục tiểu học được giữ vững và có những nội dung đổi mới; chất lượng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia luôn đứng trong tốp đầu cả nước, khẳng định vị thế trong toàn quốc về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với chất lượng cao”.
Lĩnh vực Giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và chú trọng nâng cao chất lượng bán trú, phòng tránh dịch bệnh. Tính đến năm 2021, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần, được học 2 buổi/ngày và được ăn bán trú tại trường; 99% trẻ đạt chuẩn phát triển theo đánh giá cuối chủ đề và cuối giai đoạn; trẻ 5 tuổi ra lớp được đánh giá theo bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và trẻ em được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đạt 100%; 100% nhóm, lớp thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kĩ năng xã hội, thẩm mỹ và các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ.
Chủ động tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh, năm học 2020-2021 có 125 trường mầm non công lập cho trẻ làm quen với tiếng Anh (đạt 76,6%) với 66.068 trẻ. Một số cơ sở giáo dục mầm non đã áp dụng linh hoạt phương pháp giáo dục Montessori, STEM, STEAM vào quá trình giáo dục trẻ tuy nhiên tập trung chủ yếu tại các trường mầm non tư thục có mức học phí cao, có cơ sở vật chất, đội ngũ GV đảm bảo.
Giáo dục tiểu học, tháng 12-2002, Vĩnh Phúc được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Kết quả này đánh dấu bước phát triển về chất của giáo dục Vĩnh Phúc, khẳng định mặt bằng dân trí của tỉnh được nâng cao, tạo tiền đề tốt cho nguồn nhân lực có chất lượng cao.
HS được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành các môn học chiếm tỉ lệ cao. Môn Tiếng Việt, hoàn thành tốt chiếm 52,9%; hoàn thành chiếm 46,5%; chưa hoàn thành chiếm 0,7%. Môn Toán, hoàn thành tốt chiếm 61%; hoàn thành chiếm 38,4%; chưa hoàn thành chiếm 0,6%. HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt: 98,5%.
Giáo dục trung học cơ sở, số lượng HS có học lực Khá, Giỏi đều tăng, số lượng HS có học lực Yếu, Kém đều giảm. Kết quả xếp loại hạnh kiểm Khá, Tốt của HS THCS luôn ở mức cao. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình THCS đạt 99,1%.
Giáo dục trung học phổ thông, chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, trong nhiều năm liên tục, giáo dục cấp trung học của tỉnh Vĩnh Phúc luôn được Bộ GD&ĐT xếp vào tốp đầu cả nước, cụ thể: Điểm trung bình kỳ thi THPT quốc gia luôn xếp hạng là 1 trong 6 tỉnh cao nhất cả nước (năm 2017 xếp thứ 6, 2018 xếp thứ 4, năm 2019 xếp thứ 6, năm 2020, xếp thứ 5, năm 2021 xếp thứ 5). Tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở trong top các trường có tỉ lệ đỗ cao (thường xếp thứ 5,6 trên tổng số các trường thuộc các tỉnh/thành toàn quốc).
Giáo dục thường xuyên, các cơ sở GDTX, giáo dục nghề nghiệp-GDTX đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng. Chất lượng học viên học chương trình GDTX cấp THPT được duy trì ở mức tương đối ổn định. Trong những năm gần đây, tỉ lệ học viên học chương trình GDTX đỗ tốt nghiệp THPT dao động khoảng từ 93% đến 98%. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của khối GDTX tỉnh Vĩnh Phúc luôn cao hơn tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước.
Vượt qua những thách thức, khó khăn về KT-XH khi mới tái lập tỉnh, ngày 23-4-1997, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 382/QĐ-UB của UBND tỉnh. Năm học đầu tiên, nhà trường chỉ có gần 550 học sinh thuộc 14 lớp với 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên, phải đi học nhờ các điểm trường khác trong thành phố Vĩnh Yên.
Đến nay, trường có quy mô 40 lớp với hơn 1.400 học sinh, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại bậc nhất trong cả nước. Trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa điểm mới trên diện tích trên 6,5 ha với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ, đầy đủ các hạng mục công trình để phục vụ hoạt động chuyên môn, đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình chuyên biệt, hiện đại và hội nhập.
Trong suốt 25 năm xây dụng và phát triển, trường luôn là đơn vị xuất sắc, lá cờ đầu của ngành, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Với trọng trách bồi dưỡng các đội tuyển HSG quốc gia, quốc tế, nhà trường đã góp phần đem về cho tỉnh những thành tích rất đáng tự hào, đứng trong tốp đầu của cả nước về thành tích thi HS giỏi quốc gia.
Tính từ năm 1998 đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; trong đó có 73 giải nhất; 33 giải khu vực và quốc tế, đạt 03 huy chương vàng, 07 huy chương bạc, 15 huy chương đồng và 08 bằng khen. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người của cán bộ, giáo viên trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, 6 nhà giáo đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 6 nhà giáo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tập thể nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017).