Để ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, mới đây Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh và cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng.
Trong những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở các địa phương trong cả nước, bình quân mỗi ngày trên 16 nghìn ca, trong đó một số địa phương có số ca mắc tăng cao. Hà Nội, Cà Mau đều trên 1000 ca/ngày. Tại Vĩnh Phúc, số ca mắc mới cũng tăng dần theo từng ngày, trong đó có nhiều trường hợp trong doanh nghiệp, trường học hoặc tại cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây. Đây là những mối nguy rất lớn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép của tỉnh và gây ra nhiều hậu quả khôn lường khác, đòi hỏi phải sớm có những giải pháp chỉ đạo, triển khai quyết liệt để kịp thời ứng phó.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, việc giao lưu đi lại của người dân tăng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh; nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng; một bộ phận người dân chưa tiêm vắc xin….
Theo bà Hoàng Thị Thúy Lan Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ngày 12/11 cũng nhận định những khó khăn khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ trên phạm vi rộng (nghĩa là không thể lập chốt để hạn chế người ra/vào tỉnh; áp đặt việc xét nghiệm..), tuy nhiên, BTV Tỉnh ủy đã có quan điểm chỉ đạo là phải “kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt ở địa bàn dân cư” và cho phép các địa phương “chủ động, linh hoạt trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch” khi áp dụng Nghị quyết 128, theo tinh thần “bốn tại chỗ”, trên nguyên tắc “huyện giữ huyện; xã giữ xã; làng giữ làng”, với mục tiêu là không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn, trong cộng đồng dân cư, trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương trong tỉnh đã không thực sự quyết liệt, vẫn áp dụng các quy định chung mà chưa có giải pháp để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả dịch bệnh, dẫn đến phát sinh nhiều ca mắc mới trên địa bàn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta đang có nguy cao cơ xâm nhập vào nước ta (hiện nay đã xuất hiện ở hầu hết các nước Đông Nam Á), nhất là trong bối cảnh chúng ta mở cửa hàng không quốc tế.
Vì vậy, về các giải pháp phòng, chống dịch tổng thể, Vĩnh Phúc vẫn quán triệt các nguyên lý 3 trụ cột phòng chống dịch là cách ly - xét nghiệm - điều trị cùng công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”… đã được đúc kết là phù hợp, khoa học, sát thực tế.
Theo Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, về cơ bản trong công tác phòng chống dịch là không có nhiều giải pháp mới nhưng vấn đề đặt ra là phải vận dụng công thức trên sao cho hiệu quả để thực hiện được mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” và phát triển kinh tế xã hội.
Để minh chứng cho nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh lại quan điểm chung của BTV Tỉnh ủy thời gian qua là: Cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cở sở chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế theo phương châm “kiểm soát ở địa bàn dân cư quyết liệt, chặt chẽ và sự chủ động, linh hoạt trong áp dụng các biện pháp của các địa phương”, theo đúng tinh thần “bốn tại chỗ”, trên nguyên tắc “huyện giữ huyện, xã giữ xã, làng giữ làng” với mục tiêu là không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn, trong cộng đồng dân cư, trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc cần quán triệt thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. ban chỉ đạo tỉnh, các địa phương, sở ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch trên địa bàn. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào địa bàn; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt tại các đô thị, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp.
Về công tác tiêm vắc xin, các địa phương phải chỉ đạo thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin nhưng phải bảo đảm nguyên tắc an toàn cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người được tiêm. Phải hoàn thành tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng sớm hơn mốc thời gian Chính phủ giao (Chính phủ giao chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022; nếu có đủ vắcxin yêu cầu hoàn thành trước Tết nguyên đán). Sẵn sàng phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ngay khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Yêu cầu chung là tổ chức tiêm trên diện rộng phải bảo đảm an toàn theo mô hình tiêm cuốn chiếu, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, không để xảy ra các tai biến sau tiêm.
Về công tác truyền thông: Yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo có kế hoạch tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng chống dịch bảo đảm chủ động, thống nhất. Không chỉ cấp tỉnh, từng huyện, thành phố, từng xã, phường, thị trấn đều phải có kế hoạch cụ thể để triển khai trên địa bàn. Tất cả nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người dân biết tự bảo vệ bản thân, tự có biện pháp phòng tránh và không lo lắng, sợ hãi khi phát hiện F0 hoặc mình trở thành F0.
Ngành Y tế chủ động phối hợp với các địa phương rà soát về năng lực, điều kiện y tế của từng phường, xã, thị trấn, từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp đông công nhân; tiếp tục triển khai phương án bố trí trạm y tế lưu động, sẵn sàng đáp ứng khi số ca F0 tiếp tục tăng. Đặc biệt, phương án bố trí trạm y tế lưu động phải gắn với cơ sở vật chất và nhân lực cụ thể. Trong đó, các huyện, thành phố phải chỉ đạo để chính quyền phường, xã, thị trấn và y tế cơ sở nắm chắc thông tin người bệnh trên địa bàn; có phương án duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, tránh xảy ra tình trạng người dân gọi mà không ai trả lời. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc điều trị Covid-19 để cung cấp cho người bệnh, chăm sóc người bệnh ngay từ tuyến cơ sở, giảm tối đa số lượng bệnh nhân tăng nặng phải chuyển tầng điều trị. Biên soạn tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, phổ biến rộng rãi qua Zalo và trên mạng Internet; tuyên truyền để người dân khi phát hiện là F0 cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin và có biện pháp xử lý phù hợp.
Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo công an là lực lượng nòng cốt phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động dân cư, đồng thời, lập hồ sơ xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. UBND các cấp có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự và tránh tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh trong các dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán sắp tới. Yêu cầu các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra sát sao về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn. Các xã, phường, thị trấn vừa hướng dẫn, đôn đốc vừa xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở; chịu trách nhiệm toàn diện đối với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.