Vĩnh Phúc hiệu quả của việc thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh dịch bệnh

Vĩnh Phúc| 27/12/2021 16:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với môi trường đầu tư thông thoáng, kinh tế tăng trưởng ấn tượng, dòng vốn đầu tư cả FDI, DDI tăng vọt; hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tìm đến Vĩnh Phúc, ngay cả giữa những lúc đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Sau 4 đợt bùng phát, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Vĩnh Phúc. Những khó khăn 2 năm qua càng minh chứng rõ hơn cho những quyết sách đúng đắn, những thành công, bứt phá của Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tại các khu công nghiệp, nếu trước đây, tỷ lệ lấp đầy còn thấp và tỉnh mới thu hút được các doanh nghiệp FDI thuộc các Tập đoàn lớn như: TALO, YCH, GSE&C (Singgapore), Kumho, Lotte (Hàn Quốc), Toyota, Honda (Nhật Bản)…thì nay, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp bình quân trên 63%, với 20 quốc gia, vùng lãnh đầu có dự án đầu tư, trong đó có nhiều nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như: Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia, Australia, New Zealand, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp. Các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, với 49,7% dự án đầu tư sản xuất linh kiện, điện tử; 7,8% dệt may; 7,2% sản xuất ô tô, linh kiện ô tô; 6,1% sản xuất xe máy, linh kiện xe máy và 28,6% lĩnh vực khác.

Tính hết năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 429 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; 824 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng, tăng 421 dự án FDI và 823 dự án DDI so với năm 1998. Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và hiệu ứng lan tỏa từ việc “ăn nên làm ra” của các nhà đầu tư hiện có, thu hút các dự án FDI tăng mạnh cả về số dự án, số vốn đầu tư, từ 26 dự án năm 2015 tăng lên 30 dự án năm 2016, 40 dự án năm 2017, 57 dự án năm 2018, 56 dự án năm 2019. Riêng năm 2020, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn cho 60 dự án FDI mới, tổng vốn trên 677 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021 trên cơ sở dự liệu được các khó khăn, vướng mắc, nhất là việc quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, quyết định các biện pháp chưa từng có tiền lệ và linh hoạt thích ứng theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Vĩnh Phúc đang tiếp tục phòng, chống dịch thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và đưa kinh tế phục hồi, phát triển với nhiều chỉ tiêu đạt, vượt xa kế hoạch đề ra.

1.vp(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phuc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam (ngày 25/11/2021)

Trong đó, nổi bật phải kể đến những thành công trong thu hút đầu tư, bởi trong đại dịch, có địa phương “trắng sổ”, không thu hút được dự án FDI nào thì ở tỉnh ta đến hết quý II đã vượt chỉ tiêu thu hút vốn DDI, hết quý III vượt xa chỉ tiêu thu hút vốn FDI của cả năm 2021. Đặc biệt số vốn đầu tư của các dự án DDI năm nay chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư của các dự án DDI và vốn các dự án FDI chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư các dự án DDI, FDI đầu tư vào các khu công nghiệp từ trước đến nay.

Có được dòng vốn đầu tư đổ vào tỉnh tăng cao ngay cả trong đại dịch Covid-19 là do những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã biết tận dụng thời cơ, thế mạnh của tỉnh, thể hiện tầm nhìn, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư bằng các chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ.

Nếu những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc tập trung thu hút FDI theo bề rộng, hướng đến những dự án sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách thì từ năm 2004, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều hơn lao động đã qua đào đạo. Còn từ năm 2016 đến nay, chuyển thu hút FDI theo chiều sâu, với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động trình độ cao. Đồng thời, kiên quyết “sàng lọc” những dự án có năng lực kém, sử dụng nhiều tài nguyên đất, có tác động xấu đến môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Mặc dù đã trải qua nhiều thời kỳ thu hút FDI với định hướng khác nhau, nhưng với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương.

2.vp.jpg
Từ 1 dự án DDI và 8 dự án FDI năm 1998 đến nay toàn tỉnh có 429 dự án FDI, 824 dự án DDI

Đó là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ, huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp.

Đặc biệt, trong tháng 7/2021, tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh nhằm thích ứng, linh hoạt trong công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tại chỗ; xây dựng quy trình đầu tư mới, rút ngắn khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Sau gần 3 tháng hoạt động, Tổ giúp việc Chủ tịch đã trực tiếp giải quyết, báo cáo Chủ tịch chỉ đạo giải quyết nhanh, bảo đảm không quá 24 giờ gần 1.000 cuộc điện thoại của các doanh nghiệp, chủ yếu đề nghị tỉnh tháo gỡ các khó khăn trong việc xuất nhập cảnh của chuyên gia, việc lưu thông hàng hóa, đưa đón lao động...

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về tỉnh, cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu, thiết kế mới bộ tài liệu xúc tiến đầu tư thành 5 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung, in đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh. Thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, các dự án ưu tiên đầu tư…

Nhờ đó, thu hút FDI của tỉnh luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu và khu vực FDI được coi là “trụ cột” cho phát triển công nghiệp. Bởi nếu so sánh về số vốn đầu tư và số dự án, Vĩnh Phúc thấp hơn rất nhiều so với các địa phương thuộc TOP đầu thu hút FDI cả nước nhưng quy mô vốn/dự án của tỉnh lại thuộc nhóm cao trong cả nước, trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc hiệu quả của việc thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh dịch bệnh