Viết tiếp vụ “Né” thi hành án tại Bình Thuận: Bế tắc thi hành án vì các quyết định “vênh nhau”

An Dương| 14/11/2015 21:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng việc thi hành án (THA) lại rơi vào bế tắc do sự “tiền hậu bất nhất” của chính cán bộ THA.

Nghịch lý trên xảy ra tại Bình Thuận khiến người được THA bị xâm hại quyền lợi, phải gửi đơn khiếu nại, đề nghị làm rõ động cơ của cán bộ ra quyết định theo kiểu “sáng đúng, chiều sai”…

Đồng ý rồi… “đổi ý” ?

Báo Công lý đã có bài: “La Gi - Bình Thuận: Kiến nghị điều tra vụ tẩu tán tài sản, “né” thi hành án” phản ánh vụ vợ chồng bà Ngô Thị Thuận - ông Hồ Quốc Hùng không tự nguyện THA, bán nhà đất có dấu hiệu trái pháp luật. Theo đó, vợ chồng bà Thuận - ông Hùng có nghĩa vụ trả số tiền 1,514 tỷ đồng cho vợ chồng bà Phan Dạ Thảo - ông Mông Tiến Hùng. Ngày 12/5/2014, Chi cục THADS thị xã La Gi ban hành quyết định THA. Vợ chồng bà Thuận liền tẩu tán tài sản, lập hợp đồng ngày 12/6/2014, chuyển nhượng căn nhà và đất tại phường Bình Tân cho bà Nguyễn Thị Khánh Ly (ngụ thị xã La Gi) với giá 400 triệu đồng. Nhận thấy hành vi vợ chồng bà Thuận có dấu hiệu của tội “Không chấp hành án”, ngày 6/10/2015, Chi cục THADS thị xã La Gi gửi công văn đến Công an thị xã La Gi đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Báo Công lý nhận được đơn của bà Phan Dạ Thảo khiếu nại ông Nguyễn Đương Thành, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Thuận. Theo đó, sau khi bị Chi cục THADS thị xã La Gi kê biên, đưa tài sản có nguồn gốc của vợ chồng bà Thuận ra bán đấu giá, bà Nguyễn Thị Khánh Ly đã khiếu nại. Chi cục THADS thị xã La Gi ra quyết định giải quyết và không chấp nhận toàn bộ nội dung khiếu nại. Bà Ly tiếp tục khiếu nại, ngày 18/5/2015, ông Nguyễn Đương Thành ký Quyết định số 02/QĐGQKN-THA “không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn của bà Ly”, “yêu cầu Chi cục THADS thị xã La Gi tiếp tục thi hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản…”

Viết tiếp vụ “Né” thi hành án tại Bình Thuận: Bế tắc thi hành án vì các quyết định “vênh nhau”

Chấp hành viên xử lý tài sản bị tẩu tán để thi hành án

Bà Thảo cho biết, trình bày: Từ việc đồng ý với quyết định của Chi cục THADS thị xã La Gi, ông Nguyễn Đương Thành đã bất ngờ “đổi ý”, ra Quyết định số 01/QĐGQKN-CTHA ngày 23/10/2015 để thu hồi Quyết định số 02 do chính ông ký trước đây. Theo đó, ông Thành viện lý do thu hồi là vì “chưa xem xét khách quan, toàn diện dẫn đến việc giải quyết khiếu nại lần hai của Cục trưởng Cục THADS chưa chính xác, không phù hợp với quy định của pháp luật”. Lạ lùng hơn là trước đó, Cục THADS ra Công văn số 463/CV ngày 20/10/2015 gửi Chi cục THADS thị xã La Gi yêu cầu “thực hiện” việc thu hồi Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/QĐ-CCTHADS ngày 21/11/2014; chỉ đạo Chấp hành viên rà soát “thu hồi các văn bản, quyết định về thi hành án không phù hợp với quy định pháp luật…”.

Chi cục THADS khẳng định kê biên đúng pháp luật

Ngày 22/10/2015, Chi cục THADS thị xã La Gi ra Văn bản số 156/CCTHADS gửi Tổng cục THADS khẳng định: Chấp hành viên đã thi hành theo đúng trình tự thủ tục... nên không có căn cứ để thu hồi các văn bản quyết định về THA, quyết định giải quyết khiếu nại đã ban hành.

Chi cục THADS thị xã La Gi nhận định, việc vợ chồng Hùng - Thuận bán căn nhà số 23 cho bà Khánh Ly nhưng không dùng số tiền thu được để THA nên Chấp hành viên kê biên căn nhà là hoàn toàn đúng với khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Tuy nhiên, Tổng cục THADS có Văn bản số 3328/TCTHADS ngày 7/10/2015  cho rằng, Chấp hành viên “kê biên xử lý căn nhà 225m2 đất tọa lạc tại số 51 đường Cách mạng Tháng Tám, khu phố 4 là không phù hợp với quy định pháp luật vì tài sản trên đương sự đã thế chấp tại Ngân hàng Đông Á trước khi có bản án. Việc Ngân hàng đồng ý cho người phải thi hành án chuyển dịch tài sản để thu hồi nợ là phù hợp với Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Do tài sản không còn thuộc quyền sở hữu của người phải THA nên cơ quan THADS không có cơ sở để kê biên tài sản này. Chi cục THADS thị xã La Gi “bác” nhận định trên với lý do: “Không có quy định nào cấm Chấp hành viên kê biên tài sản nếu tài sản này đương sự đã thế chấp tại Ngân hàng trước khi có bản án”. Vì vậy, việc kết luận Chấp hành viên kê biên tài sản không phù hợp với quy định pháp luật là “mang tính suy diễn chủ quan, không có căn cứ”.

Theo Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)  thì đã có dấu hiệu áp dụng không đúng quy định pháp luật trong Công văn số 3328. Công văn này viện dẫn Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và trích: “Tài sản đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người mua và các bên đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng trước thời điểm cơ quan THADS tiến hành kê biên xử lý tài sản”. Luật sư Đức cho hay, toàn văn của Nghị định số 163 có 74 điều nhưng không có điều, khoản nào có nội dung như trích dẫn nêu trên. Mặt khác, đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, hoàn toàn không liên quan đến việc kê biên xử lý tài sản của vợ chồng bà Thuận, bởi tài sản này không còn là tài sản bảo đảm. Do đó, vận dụng Nghị định này cùng viện dẫn nêu trên là không có căn cứ pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp vụ “Né” thi hành án tại Bình Thuận: Bế tắc thi hành án vì các quyết định “vênh nhau”