Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng

PV| 12/12/2019 19:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về thi hành quy định phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Chống tham nhũng không chỉ lĩnh vực công

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đã tiến hành nhiều biện pháp PCTN cụ thể với những kết quả nhất định. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đã có nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 01/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018.

Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên được dư luận rất quan tâm đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội. Luật cũng khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Ông Florian Beranek – Chuyên gia UNDP về Trách nhiệm xã hội và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm cho biết, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa DN với khu vực Nhà nước, mà giữa các DN với nhau cũng xảy ra hiện tượng tham nhũng.

Số liệu khảo sát, thống kê cũng cho thấy, có 31% DN “tự nguyện quà cáp” cho cơ quan, cán bộ công chức nhà nước. Ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho rằng, con số trên đang ở mức cao, nên cần có cơ chế đề ngăn chặn tình trạnh  này, bởi đó là  những “cái bắt tay” để “chung chi lợi ích” giữa khu vực công và tư.

Cùng với đó, trong nội bộ DN tư nhân cũng xảy ra hiện tượng lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản, hay sự thiếu minh bạch trong hoạt động của ngân hàng các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân... đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Nên DN cũng không phải lúc nào cũng chỉ là nạn nhân của tham nhũng.

Vì thế, PCTN trước hết phải là nhu cầu tự thân của các DN, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và DN nếu DN lựa chọn phương thức  đó.

Không phải lúc nào DN cũng là nạn nhân của tham nhũng

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Vùng Đông Bắc VIB khẳng định, việc đảm bảo liêm chính, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần hiệu quả vào việc PCTN trong khu vực tư.

Từ thực tế ở VIB, ông Vương cho biết, với những người có năng suất lao động tốt thì mức lương 40-50 triệu đồng/tháng là bình thường. Vậy họ cũng sẽ không cần tham nhũng và phải cân nhắc nếu rơi hoàn cảnh lựa chọn tham nhũng hay không.

Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng

Toàn cảnh hội nghị.

Vì vậy, ngoài các quy định của pháp luật về PCTN để không tạo môi trường cho tham nhũng, thì mức lương thưởng xứng đáng cũng là điều kiện tốt để ngăn ngừa tham nhũng, ông Vương nhận định.

"Không thể đòi hỏi liêm chính bằng khẩu hiệu, mà trước hết phải đảm bảo “cơm no, áo ấm” cho người lao động, để họ biết làm tốt làm đúng sẽ được hưởng lương thưởng tốt. Chính sách này sẽ góp phần xây dựng được văn hóa liêm chính trong hoạt động của DN” – Giám đốc Vùng Đông Bắc VIB chia sẻ.

Ông Trần Hữu Lượng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, khó khăn đầu tiên trong PCTN là về nhận thức nên cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ công chức chuyển đổi nhận thức, coi DN là “đối tượng phục vụ” chứ không phải “đối tượng bị cai trị”. Song song với đó là cải cách hành chính triệt để, không để thủ tục tạo ra những "giấy phép con", "tiếp tay" cho tham nhũng "vặt, tham nhũng chính sách.

Bản thân DN cũng không thể “lúc nào cũng coi mình là nạn nhân” của nạn tham nhũng mà phải là chủ thể tích cực ngăn chặn các hành vi tham nhũng. DN không chỉ được quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến người lao động, trách nhiệm xã hội của DN. Nếu DN nhận thức “hối lộ, lợi dụng các mối quan hệ để có lợi nhuận” thì sẽ “cùng nhau chết chìm”.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của xã hội trong việc đánh giá, nhìn nhận một vụ việc có dấu hiệu hoặc một vụ tham nhũng vì hiện nhận thức còn chưa “chuẩn”, còn tâm lý “a dua” nên chỉ một DN sai phạm (như vụ AVG) là đánh giá tiêu cực đối với cả cộng đồng DN.

Đặc biệt, cơ chế chính sách và việc vận hành cơ chế, chính sách còn hạn chế, khiếm khuyết thì DN không muốn “đi đêm” cũng không được.

"Vì thế, không thể thỏa mãn với những quy định đã có mà phải liên tục sửa đổi, bổ sung, phải công khai, minh bạch để ngăn chặn xung đột lợi ích trong nội bộ DN và giữa khu vực công và tư", ông Lượng nêu quan điểm.

Các ý kiến cũng cho rằng, để tăng cường hiệu quả PCTN nói chung và trong khu vực tư nói riêng, Thanh tra Chính phủ cần có hệ thống hỗ trợ DN trong phát hiện, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng.

Bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam dẫn số liệu về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 cho biết, trên 50% DN được khảo sát thừa nhận đã phải trả các chi phí không chính thức. Đa số các DN nhỏ được hỏi đều thừa nhận “dễ làm ăn hơn nếu “lót tay”.

Khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và một số tổ chức cũng chỉ ra, mỗi năm thế giới mất 2,6 nghìn tỷ USD vì tham nhũng, 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới đạng đưa hối lộ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng