Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán ủng hộ chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hoá học, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria.
Ngày 3/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria, đồng thời biểu quyết và nhất trí (15/15 phiếu thuận) thông qua hai Nghị quyết liên quan đến tình hình Sudan và Libya.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu và Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm Vũ khí hoá học (OPCW) Fernando Arias đã báo cáo cập nhật tình hình vũ khí hóa học tại Syria.
Theo đó, các đại diện tập trung trao đổi về vấn đề điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học tại Syria, hợp tác kỹ thuật giữa Ban Thư ký OPCW và Syria trong giải quyết các khác biệt liên quan tới Khai báo ban đầu của Syria theo quy định của Công ước Cấm Vũ khí hóa học (CWC).
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại chung của HĐBA về các thông tin cáo buộc việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria; nhấn mạnh việc cần duy trì hợp tác chặt chẽ và liên tục giữa Ban Thư ký OPCW và Syria trong thúc đẩy triển khai CWC và giải quyết mọi bất đồng, cũng như các vấn đề tồn đọng.
Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề Syria.
Tại cuộc họp, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2578, quyết định gia hạn các biện pháp được quy định tại Nghị quyết 2292 (2016) của HĐBA đến ngày 3/6/2022, trong đó cho phép các quốc gia thành viên LHQ, thông qua các tổ chức khu vực, trên cơ sở tham vấn phù hợp với Chính phủ Libya, tiến hành kiểm tra trên các vùng biển quốc tế (không bao gồm vùng biển thuộc chủ quyền của Libya) đối với các tàu đến và rời Libya nếu có căn cứ hợp lý để tin rằng các tàu này đang chở vũ khí hoặc vật liệu liên quan vi phạm các nghị quyết của HĐBA.
HĐBA cũng thông qua Nghị quyết 2579 quyết định gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS) đến ngày 3/6/2022 và giữ nguyên 4 nhóm nhiệm vụ trụ cột chính của Phái bộ, gồm hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị và quản trị nhà nước, triển khai Thỏa thuận Hòa bình ngày 03/10/2020, hỗ trợ xây dựng hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế và công tác nhân đạo.
Nghị quyết cũng cho phép UNITAMS hỗ trợ triển khai các mục tiêu chiến lược của Chính phủ Sudan, trong đó có xây dựng Hiến pháp mới, giám sát ngừng bắn ở Darfur, đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và các nhóm vũ trang và thực hiện Kế hoạch quốc gia về Bảo vệ thường dân.
* Trong một diễn biến liên quan đến hoạt động của Việt Nam tại HĐBA LHQ, ngày 2/6 vừa qua, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam LHQ, Chủ tịch Nhóm Công tác không chính thức của HĐBA LHQ về các tòa án quốc tế, đã chủ trì cuộc họp định kỳ 6 tháng của Nhóm Công tác.
Theo tin từ Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Nhóm công tác tại Trụ sở LHQ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 tại thành phố New York.
Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong vị trí Chủ tịch Nhóm công tác sẽ hỗ trợ thúc đẩy đối thoại giữa Nhóm Công tác và Chủ tịch, Công tố viên của Cơ chế nhằm hoàn tất nhiệm vụ của Cơ chế do HĐBA giao, qua đó thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Trợ lý Tổng thư ký Mathias đánh giá cao nỗ lực của thẩm phán và nhân viên Cơ chế trong khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, duy trì và thúc đẩy công tác xét xử, cụ thể Cơ chế dự kiến sẽ ban hành hai bản án về các vụ án xét xử tội ác nghiêm trọng và một bản án khác vào cuối tháng 6/2021, bắt đầu khởi động vụ án xét xử Felicien Kabuga sau khi người này bị bắt giữ vào cuối năm 2020.
Ông Mathias khẳng định vai trò và đóng góp của Cơ chế trong trừng trị các tội ác đặt biệt nghiêm trọng; thông tin về việc Tổng Thư ký LHQ dự kiến bổ nhiệm mới một Thẩm phán nữ của Cơ chế, thay cho Thẩm phán Gberdao Kam (người Burkina Faso) đã qua đời. Trợ lý TTK cũng đánh giá cao tinh thần hợp tác và nỗ lực của thành viên Nhóm công tác, đặc biệt khen ngợi vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã duy trì hoạt động của Nhóm công tác và đối thoại với Cơ chế trong bối cảnh tình hình phức tạp.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch, Công tố viên của Cơ chế, Nhóm Công tác thảo luận về tiến độ các vụ việc xét xử, truy bắt nghi phạm đang lẩn trốn, thi hành án phạt tù, hợp tác và hỗ trợ toà án quốc gia và bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người bị giam giữ, cán bộ, nhân viên của Cơ chế, cũng như biện pháp tăng hiệu quả hoạt động, thúc đẩy thực hiện khuyến nghị của HĐBA tại Nghị quyết 2529 (2020) và sớm hoàn thành nhiệm vụ của Cơ chế.
Nhóm công tác không chính thức về các tòa án quốc tế là cơ quan trực thuộc do HĐBA thành lập năm 2000. Việt Nam hiện là Chủ tịch của Nhóm Công tác, cùng với hai cơ quan trực thuộc khác là các Ủy ban trừng phạt về Nam Sudan và về Liban.
Tháng 6/2020, trong vai trò Chủ tịch Nhóm công tác, Việt Nam đã chủ trì thương lượng và đề xuất HĐBA thông qua Nghị quyết 2529(2020) về kiểm điểm công việc của Cơ chế và bổ nhiệm Công tố viên. Dự kiến, đợt kiểm điểm định kỳ tiếp theo diễn ra vào tháng 6/2022.