Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định như vậy tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 27/5, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ mới, trong đó có việc gia nhập thêm các công ước của ILO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng luôn nỗ lực để đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động.
Bà Hằng cho biết, Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác quốc tế về lao động và nguồn nhân lực. Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm bảy trong tổng số tám công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.
Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập thêm 15 công ước của ILO, trong đó có công ước cơ bản còn lại về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức như theo cam kết, và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, ngày 20/5/2021, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới.
Nội dung hợp tác bao gồm nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tăng cường nội luật hóa, thực thi các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập, thúc đẩy năng lực quốc gia thực hiện và báo cáo việc thực thi các công ước đã phê chuẩn, theo dõi, đánh giá việc thực thi, và đề xuất đưa ra các khuyến nghị gia nhập thêm các công ước khác.
Phát biểu lại lễ ký kết hợp tác hôm 20/5, ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, việc ký kết Bản ghi nhớ thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động và xã hội theo hướng phù hợp với các nguyên tắc phổ quát được đề cập trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO.
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, “Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu trong số các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp nâng tầm xã hội - một yếu tố cần thiết để Việt Nam có thể hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao”.
Kể từ năm 1919, ILO đã và đang duy trì và phát triển một hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đặt ra các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, các tiêu chuẩn lao động quốc tế trở thành một cấu phần quan trọng của khung khổ quốc tế nhằm đảm bảo rằng tự do thương mại đi đôi với việc bảo vệ các quyền lao động cơ bản được đề cập tới trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Các tiêu chuẩn lao động quốc tế được xây dựng bởi các đối tác ba bên của ILO, bao gồm chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Tiêu chuẩn lao động quốc tế tồn tại theo hình thức Công ước (hoặc Nghị định thư) – là những hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý khi được quốc gia thành viên phê chuẩn, hoặc dưới dạng Khuyến nghị - là những hướng dẫn không mang tính ràng buộc.