Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Dùng "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" thay cho “xuất khẩu lao động”

Ngọc Mai| 17/06/2020 20:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi muốn Quốc hội ủng hộ từ nay trở đi không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”, mà sử dụng từ trong luật "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" để điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Dùng

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chiều ngày 17/6

Phạt 118 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 

Báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, sau 12 năm thi hành của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Luật số 72) đã góp phần khẳng định Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đem lại những hiệu quả rất thiết thực.

Đặc biệt, hàng năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc cho nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện nay cả nước có 580.000 đang lao động ở nước ngoài và lao động Việt Nam đang tham gia vào thị trường của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Lĩnh vực này thời gian qua cũng được quan tâm chỉ đạo và phát triển tương đối nhanh.

Tuy nhiên thực tiễn vừa qua có nhiều vấn đề khó khăn song cũng đã tháo gỡ, đặc biệt là liên quan đến các thị trường lao động. Theo đó, thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì với 3 thị trường lớn là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản; đồng thời mở ra số thị trường mới như Đức, Rumani, Ba Lan và Hungary.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, một số hạn chế đầu nhiệm kỳ đã lưu ý, đó là tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp, nhất là khu vực Hàn Quốc. Để giải quyết được vấn đề này, phía Việt Nam đã có nhiều giải pháp khác nhau, kể cả phía ta và phía đối tác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiện tượng khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng trốn ở lại vi phạm hợp đồng, thông qua nhiều trường hợp làm xấu đi hình ảnh của đất nước.

Trước tình hình đó, vừa qua Bộ LĐTB&XH đã cùng với các địa phương chấn chỉnh rất nhiều. Bộ đã xem xét xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau trong tổng số 459 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5 hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài

Về các nội dung của Luật, Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, luật này quy định rất rõ là không có sự tham gia của nước ngoài đóng góp cổ phần, góp vốn sở hữu cũng như đứng tên tư cách pháp nhân trong lĩnh vực này.

Về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài là một phần của phạm vi điều chỉnh dự án Luật. Luật hiện hành quy định 4 hình thức gồm: Một là là lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ LĐTB&XH. Hai là, đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhận công trình. Ba là đi thông qua doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài. Bốn là đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng; lực lượng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký thông qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng làm rõ, hình thức hợp đồng lao động tự do khác với việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ. Việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ đang làm thí điểm mà chủ yếu địa bàn Australia, năm 2020 là 1.500 trường hợp đi, nhưng tất cả những trường hợp này trước khi đi đều đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐTB&XH. Sau khi được Đại sứ quán Australia nhất trí thì sang du lịch mới được lao động, do đó hình thức này hoàn toàn khác với hình thức tự tìm kiếm việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, còn loại hình thứ năm khi mà cách đây khoảng 2 năm, xuất hiện hình thức giữa các địa phương của Việt Nam, 1 tỉnh Việt Nam với 1 địa phương của một tỉnh khác ở một nước khác hợp tác lao động với nhau, hợp tác ngắn hạn là 3 - 4 tháng, đưa lực lượng lao động cả xã sang đó lao động và hết thời vụ sẽ lại trở về. Do đó dự thảo Luật lần này quy định thêm hình thức thứ năm là lao động ngắn hạn.

Đối với hình thức này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký kết theo điều ước và hợp tác về lao động, khi đó sẽ có đơn vị sự nghiệp chính là Trung tâm lao động trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Trung tâm lao động trực thuộc Sở LĐTB&XH đứng ra tổ chức hoạt động này. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, đơn vị này không phải là một pháp nhân mới mà chỉ giúp cho Ủy ban nhân dân thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và đưa người lao động sang làm việc ở nước ngoài. Đơn vị này tương đương như một đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành đã được cho phép ở Luật số 72.

“Về bản chất, ngoài 5 loại hình trên thì không bị luật này chi phối vì nguyên tắc là phải có hợp đồng. Nếu không theo hợp đồng là như bất hợp pháp, ví dụ như 39 người gặp nạn ở Anh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đồng thời cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu về chính sách, nhất là với lao động sau khi từ nước ngoài về, thời hạn giấy phép, tiêu chuẩn thành lập doanh nghiệp...

“Chúng tôi muốn Quốc hội ủng hộ từ nay trở đi không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà sử dụng từ trong luật này để điều chỉnh. Ngoài ra, Luật quy định rõ không có sự tham gia của nước ngoài, không có đóng góp cổ phần, góp vốn, sở hữu hay đứng pháp nhân lĩnh vực này”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội trưởng, các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị Luật sửa đổi lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo về người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; đảm bảo danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người Việt Nam khi đi lao động ở nước ngoài. Cơ chế bảo vệ, cơ chế trách nhiệm ra sao, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm.

Một số đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm về vấn đề đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, qua giám sát tại các địa phương, doanh nghiệp đều tán thành sự thay đổi so với luật hiện hành: từ “quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…” thành “quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…”. Đại biểu cho rằng đây là sự thay đổi có tính chất bao trùm các chính sách, nhưng cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật về các nội dung chính sách này một cách cụ thể để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, quy định về chính sách của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các chính sách để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Tuy nhiên, Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ một số nội dung về chính sách “Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong những công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới” đã được bổ sung tại khoản 5, nhưng chưa được cụ thể hóa trong dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm; những vấn đề tài chính như các khoản phí và việc chuyển tiền lương về nước; quyền tiếp cận và thụ hưởng chính sách sau khi hết hạn hợp đồng trở về; cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Dùng "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" thay cho “xuất khẩu lao động”