Dự án "Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường biển và rạn san hô" là cơ hội để tiếp cận các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đồng thời xây dựng một cộng đồng chung có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
Từ ngày 22 – 24/11, tại Trung tâm triển lãm Quốc tế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương diễn ra sự kiện về thiết bị và giải pháp xử lý chất thải – công nghệ tái chế bảo vệ môi trường – WRV23 Confex.
Trong khuôn khổ sự kiện có Hội thảo đối tác quốc gia của Dự án hợp tác Đức - ASEAN "Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường biển và rạn san hô (3RproMar) - Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Mỹ Hằng - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi Trường cho biết, Dự án 3RproMar là cơ hội để tiếp cận các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đồng thời xây dựng một cộng đồng chung có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên biển cho thế hệ tương lai.
"Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ về những thách thức và cơ hội, trao đổi về các giải pháp nhằm dung hòa vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, từ khối nhà nước, tư nhân tới khu vực phi chính thức, từ đó đưa ra lộ trình giúp các doanh nghiệp và địa phương hợp tác hiệu quả với khối nhà nước qua các mô hình đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực quản lý chất thải cũng như thực thi hiệu quả về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)", bà Hằng nói.
Theo đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần sự đồng lòng và hợp tác mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.
"Việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cam kết phát triển vì một môi trường bền vững. Nhà nước cần đảm bảo môi trường pháp lý và chính sách thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện EPR một cách hiệu quả, đồng thời cũng phải giữ vai trò hướng dẫn và định hình chiều hướng phát triển", bà Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công tư cũng là chìa khóa để bổ trợ mở cánh cửa cho sự đổi mới và phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để tận dụng tối đa nguồn lực và kiến thức.
Ngoài ra, cần xây dựng những đối tác có trách nhiệm và cam kết lâu dài để đảm bảo môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng được bảo vệ và phục hồi một cách bền vững.
"Chúng tôi khuyến khích và mong muốn lắng nghe ý kiến của tất cả các quý vị, đặc biệt là những suy nghĩ táo bạo, thẳng thắn đề xuất các ý tưởng về chiến lược đổi mới và chia sẻ những câu chuyện thành công có thể truyền cảm hứng cho sự thay đổi toàn diện nhằm giảm thiểu chất thải, tái chế cũng như đề xuất các mô hình tiêu dùng và phát triển kinh tế bền vững – không phát thải", bà Hằng nói.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 50% rác nhựa biển vào năm 2025 và 75% vào năm 2030, theo Kế hoạch Hành động Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó bao trùm cả các khái niệm quan trọng như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Hợp tác Công tư (PPP) trong quản lý chất thải.
Hay Đề án Phát triển Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam tại Quyết định 687/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng thể hiện nỗ lực hỗ trợ mục tiêu giảm rác nhựa, tập trung không chỉ vào khía cạnh quản lý rác thải mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và chủ động trong việc sử dụng tài nguyên.
Trong Dự án 3RproMar, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Cục Biển và Hải đảo xây dựng nội dung hợp phần triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.
Sự kiện về thiết bị và giải pháp xử lý chất thải – công nghệ tái chế bảo vệ môi trường do RX Tradex Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.
Chương trình tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường, những kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như EPR và PPP cũng như giới thiệu giải pháp tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiệu lực vào ngày 1/1/2022 đã luật hóa những quan điểm trên bằng quy định tại Điều 142 về kinh tế tuần hoàn trong đó đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dùng...