Đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh thừa nhận Kênh hào thành cổ Vinh (Nghệ An) có tình trạng ô nhiễm dù đã cải tạo, nâng cấp.
Như Báo Công lý đã thông tin, Kênh hào thành cổ Vinh (Nghệ An) đã cải tạo, nâng cấp, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn không được cải thiện.
Trao đổi với PV, ông Võ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (đơn vị vận hành) cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc kênh hào thành cổ bị ô nhiễm nghiêm trọng là nước thải không được luân chuyển, tạo thành ao tù nước đọng, đặc biệt là vào mùa khô.
Hệ thống thu gom nước thải đang dùng chung với hệ thống thoát nước mưa. Hào thành từ khi cải tạo đến nay chưa được nạo vét bùn đất, trầm tích tạo thành một lớp vi sinh vật dày. Khi động trời, các vi khuẩn hoạt động càng mạnh, sủi bọt, bốc mùi càng nặng. Bên cạnh đó, năng lực thu gom và xử lý không đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Nhà máy xử lý nước thải của thành phố đang bị quá tải. Mỗi ngày, thành phố Vinh thải ra trên 55.000 m3/ngày đêm, trong khi thiết kế của nhà máy hiện chỉ xử lý được khoảng 21.500 m3/ngày đêm, ông Anh cho biết.
UBND thành phố Vinh cũng đã phê duyệt dự án hệ thống bơm cấp nước hào thành cổ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Mục đích sẽ bơm trực tiếp nước sông vào để pha loãng nước thải trong hào thành, giúp tuần hoàn kết hợp nạo vét trầm tích, qua đó làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời, muốn xử lý dứt điểm cần nguồn kinh phí lớn.
Năm 2016, dự án cải tạo Hào thành cổ Vinh với kinh phí gần 140 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư được thực hiện để nạo vét, xây bờ kè dọc hai bờ hào, hệ thống thu gom nước thải, tạo cảnh quan quanh hào thành... Năm 2018, dự án hoàn thành đưa vào vận hành.
Kênh hào thành cổ Vinh TP Vinh (Nghệ An) là tuyến kênh bao quanh thành Vinh, thành lũy được nhà Nguyễn xây dựng bằng đá năm 1831, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1998. Thành có chu vi 2.520 m, gồm 3 cửa ra vào thành. Hệ thống kênh hào bao quanh thành để phòng thủ được thiết kế theo hình lục giác, sâu 3 m, rộng 28 m.