Tại Hội thảo “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 22/12.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng để sớm trở thành quốc gia năng động, Việt Nam cần tiếp cận 3 trụ cột nhằm tạo dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu, đó là chính trị, xã hội và kinh tế.
Một quốc gia năng động, đa dạng
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Jeong Ho Kim, Trường Chính sách công và Quản lý, Viện Phát triển Hàn Quốc cho rằng Việt Nam đã duy trì tốt sự ổn định kinh tế - xã hội, vì vậy đã đạt được các thành tựu trong tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có khả năng sẽ sớm trở thành một quốc gia năng động, đa dạng, có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa kinh tế, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bắt nguồn từ công nghiệp hóa nhanh chóng, ô nhiễm và môi trường xuống cấp; khoảng cách thu nhập và giàu nghèo giữa các hộ gia đình thành thị và nông thôn…
“Việt Nam cần chuẩn bị sớm cho quá trình hiện đại hóa rút ngắn. Cụ thể, cần xác định một tầm nhìn giúp Việt Nam có thể huy động tích cực nguồn lực con người nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế; tập trung giảm thiểu hóa rủi ro và sự không chắc chắn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa”, Giáo sư Jeong Ho Kim nói.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của Hàn Quốc, GS Jeongho Kim cho biết, gần đây Chính phủ nước này đã giảm sự “cưng chiều” với các Chaebol (tập đoàn lớn), mà thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo dựng một thị trường cạnh tranh.
Doanh nghiệp sản xuất ô tô
Đồng thời, Nhà nước không can thiệp rộng vào thị trường, nhưng vẫn có những lĩnh vực cần can thiệp mạnh mẽ.
GS Jeongho Kim cũng khuyến nghị Việt Nam cần có 3 trụ cột tạo dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu. Trước hết, Việt Nam cần duy trì lợi thế về ổn định chính trị, nhưng cần giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình. Trụ cột kinh tế cần tăng năng suất thông qua cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo, đổi mới công nghệ, củng cố hệ thống thị trường tự do. Trụ cột xã hội cần tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế, môi trường.
Bảo đảm quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh
Cũng tại Hội thảo, ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, các mối quan tâm làm tăng trưởng Việt Nam (GDP và năng suất) chậm lại gồm: nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh; thiếu sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh doanh; tăng trưởng chậm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực doanh nghiệp nói chung.
Ông Raymond Mallon đánh giá cao Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 43 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất của Chính phủ Việt Nam.
Đây là những dấu hiệu hứa hẹn đà đổi mới thông qua cải cách thể chế năm 2014. Đặc biệt, việc sử dụng các tiêu chuẩn của ASEAN đặt làm mục tiêu cho Nghị quyết 19 đang cho thấy rất hiệu quả. Lý tưởng nhất là chọn được các mục tiêu dễ kiểm chứng.
Ông Raymond Mallon cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có khả năng bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu và khuyến khích tăng đầu tư, nhưng cần duy trì những nỗ lực liên tục để đảm bảo thực hiện hiệu quả những văn bản pháp lý, cần phải xây dựng năng lực thể chế đảm bảo các quyền được thực thi với chi phí thấp nhất.
“Việt Nam cần tập trung xây dựng thể chế kinh tế theo hai khía cạnh: Đảm bảo quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng năng suất và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, giảm rủi ro kinh doanh là nhiệm vụ cốt lõi của Nhà nước trong phát triển kinh doanh. Cần thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò Nhà nước để tạo thuận lợi phát triển kinh doanh phục vụ lợi ích của nhân dân. Duy trì các nỗ lực đẩy mạnh cải cách quy định và thủ tục hành chính để giảm chi phí trong kinh doanh như: đơn giản hóa, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ chế đảm bảo nâng cao trách nhiệm của khu vực công”, ông Raymond Mallon chia sẻ.
Do đó, ông Raymond Mallon gợi ý: “Tái cấu trúc nền kinh tế cần tiếp tục triển khai tập trung vào 5 vấn đề lớn, gồm: bảo vệ quyền sở hữu, cải cách quy định pháp luật, khu vực công, thị trường lao động, tài chính và vốn”. Trong đó, ông Raymond Mallon lưu ý tới hiệu lực, hiệu quả việc thực thi những cải cách trong pháp luật về đấu thầu của Việt Nam thời gian qua.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đặc thù
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài 3 trụ cột tạo dựng nền kinh tế nêu trên thì hiện nay có một trụ cột khác là môi trường đang thu hút sự quan tâm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đặc thù đang trong quá trình chuyển đổi nên xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập để “đi đúng dòng chảy” và phát triển bền vững là rất quan trọng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách thể chế ở Việt Nam cần đề cập đến một số vấn đề như: giám sát quyền lực của người dân thông qua cơ quan dân cử đại diện, báo chí, hiệp hội và quyền được tiếp cận thông tin; trách nhiệm giải trình, quyền chất vấn, bãi nhiệm các chức danh được bổ nhiệm. Bên cạnh đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh, thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường cần trọng dụng người tài, cởi mở với những quan điểm mới và ủng hộ sự sáng tạo. Đồng thời, cần có cơ chế phát hiện sớm những cơ chế lạc hậu, những quyết định sai và có năng lực giải quyết các vấn đề, vận dụng, thực hiện những hướng đi mới.
Ông Raymond Mallon nhìn nhận: “Những cải cách gần đây trong pháp luật về đấu thầu và đầu tư công sẽ bảo đảm các nguồn lực công được sử dụng hiệu quả. Thêm vào đó, những quy định mới điều chỉnh hoạt động đầu tư, doanh nghiệp… cũng sẽ giúp các nguồn lực công được sử dụng tốt hơn”. |