Đời sống

Vị Xuyên: Những bông hoa hoá đá bất tử

Nguyễn Liên - Quang Huy 27/07/2023 - 10:55

Vị Xuyên ngày ấy được ví là "lò vôi thế kỷ"- nơi chiến trường ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989) với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”...

vi-xuyen-chien-tranh.jpg
Những ngày tháng 7, dòng người từ khắp mọi nơi lại hướng về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Bông hoa đá bất tử 

4 thập kỷ nằm lại giữa chiến trường cho Tổ quốc bình yên, tháng 7 về, những người lính Vị Xuyên năm nào được đón những đồng đội của mình. Tiếng gọi đồng đội ơi, tôi đã về đây, những tiếng nấc hoà chung tiếng đàn hát cho nhau nghe. Rồi họ kể cho nhau những hồi ức chiến tranh sau khi đồng đội ngã xuống- đó là những ngày máu chảy trên đá, nhưng những người lính Vị Xuyên vẫn kiên trung, quyết tâm với lời thề "Sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử" bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ nơi biên cương Tổ quốc

Với những người lính Vị Xuyên, lời thề ấy được xem là phương châm sống vì lý tưởng bảo vệ quê hương, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Bởi bất cứ người lính Vị Xuyên nào đều nhớ đến Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 khắc ghi lời thề trên báng súng đã trở thành phương châm sống của những người lính Vị Xuyên bảo vệ từng nắm đất thiêng cho Tổ quốc

Trong cuộc chiến giành lại những cao điểm 772, 1509, 1030, 685, 468 tại Vị Xuyên những năm tháng bi hùng ấy, đã có gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nhung ngày bi thương ấy được UBND tỉnh Hà Giang chọn ngày 12/7 là ngày “Giỗ trận” chung cho những chiến sĩ vị quốc vong thân tại chiến trường Vị Xuyên

Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Vị Xuyên, Hà Giang) từ sáng sớm 26/7, ông Nguyễn Xuân Thủy, Cựu chiến binh trung đoàn 877, sư đoàn 365 đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa bồi hồi nhớ lại: Hơn 30 năm trước, mặt trận Vị Xuyên là nơi xảy ra chiến sự ác liệt và dai dẳng nhất. Những địa danh nổi tiếng lúc đó như Làng Lò, Làng Pinh, Hang Dơi, Thung lũng gọi hồn, đồi Cô Ích, đồi Đài, Cốc Nghè, 4 hầm, ngã ba Thanh Thủy, các điểm cao 685, 1509, 772, 1030… đã in đậm trong tâm khảm mỗi cán bộ chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên. Nơi đây được ví như “lò vôi thế kỷ”, có nhiều điểm bị đạn pháo nã vào khiến đá còn bị nung chảy thành vôi bột trắng xoá"...

1snapedit_1690390943078.jpeg
Các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa.
a123.png
Lời thề chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên 

Với ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc. Trên 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh nơi đây.

bg1.jpg
Nghĩa trang Vị Xuyên hiện là nơi an nghỉ của gần 2000 liệt sĩ và một “Mộ liệt sĩ tập thể” các liệt sĩ hi sinh tại Hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thuỷ, Vị Xuyên.

Theo Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang), mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng bộ đội hy sinh chủ yếu ở địa bàn rừng núi hoang vu hẻo lánh, núi cao, vực sâu, bị pháo cày xới hoặc bị mưa lũ xói mòn làm thay đổi địa hình. Thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ ngày càng khó khăn, mặt khác, trên địa bàn còn xót nhiều vật cản, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Từ khi được thành lập đến nay, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã tìm kiếm, quy tập trên 120 hài cốt liệt sỹ và 1 mộ tập thể.

Ông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: Có những trận pháo kích của quân Trung Quốc, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, người cháy hết, không thể nhận diện được, nhờ có cái vòng B40 đeo ở tay mới biết được. Có anh em hy sinh bị rơi vào khe đá, không lấy được thi thể.

Giờ đây, sau hơn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lùi xa, nhân dân đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại mặt trận Vị Xuyên, nhiều đồng đội vẫn đang còn nằm lại. Chúng tôi - những người lính đã trở về từ mặt trận Vị Xuyên đều mong muốn Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, quân đội, các đơn vị tiếp tục tìm kiếm hài cốt của những đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa để đưa về quê nhà, đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, ông Thủy chia sẻ.

2snapedit_1690390988072.jpeg
Những người lính Vị Xuyên năm xưa xúc động trước phần mộ của những người đồng đội.

Là những người lính đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa, ông Nguyễn Văn Quân (Hà Nội) xúc động chia sẻ: Đến thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những địa danh đã gắn bó cả thời tuổi trẻ, dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, ông và các đồng đội không kìm được nước mắt, nhớ về một thời máu lửa. Được gặp lại những đồng đội năm xưa, ôn lại chuyện cũ, được thắp cho những anh em còn nằm lại nén hương thơm là những cảm xúc không thể diễn tả bằng lời

Khi đã trở về cuộc sống đời thường nhưng kí ức về thời gian chiến đấu không thể nào quên được, những người còn sống gặp nhau đều không thể cầm được nước mắt, trước những hi sinh mất mát của đồng đội những người còn sống thực hiện nghĩa vụ “uống nước nhớ nguồn” tự hứa với lòng mình, thề trước vong linh của người chiến sĩ đã mất sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đỡ những gia đình bà con, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

333.jpeg
Các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên trao tặng những phần quà cho các gia đình khó khăn tại Vị Xuyên.

Đồng đội ơi tôi nhớ...

“Đón các anh về trong vòng tay tình mẹ
Ấm áp con tim nỗi nhớ ngày chia xa
Sống bám đá mà đánh giặc
Chết hóa thành bất tử”.

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023), ngày 26/7, Tỉnh ủy – Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ viếng và truy điệu, an táng 2 hài cốt liệt sỹ tìm kiếm, quy tập tại thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

aq1.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện nghi thức di chuyển hài cốt liệt sỹ về nơi tổ chức Lễ truy điệu
4snapedit_1690391158768.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.

Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang đã dâng vòng hoa tươi, thắp nén hương trầm, kính cẩn, nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, nền độc lập, tư do cho dân tộc.

17db5a40-8ed8-404c-9b5f-c2c5e788c65f_20230726115613.jpeg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đọc Điếu văn tại Lễ truy điệu.

Trong Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh xúc động chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Hà Giang xin tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để non sông, đất nước được hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Đoàn đại biểu đời đời ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ; nguyện phát huy truyền thống anh hùng, quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức học tập, công tác, lao động sản xuất vì mục tiêu xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu mà Bác đã căn dặn; chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo phần mộ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được tỉnh quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 quy tập được 130 hài cốt liệt sỹ và 1 mộ tập thể. Nâng cấp, tu bổ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và các nghĩa trang, đài tưởng niệm, công trình ghi công liệt sỹ. Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được tổ chức rộng khắp, thiết thực, hiệu quả. Tuyến du lịch tâm linh “Thăm chiến trường xưa” đi qua các điểm: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, hang Dơi, hang Làng Lò, Làng Văn hoá du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, Bia ghi danh các Anh hùng liệt sỹ xã Lao Chải, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy được đông đảo du khách quan tâm, đến tham quan, tìm hiểu.

Có lẽ rằng, thời gian không ngừng trôi, mái tóc những người lính Vị Xuyên hôm nay đã ngả bạc, nhưng dòng máu đỏ nhiệt huyết tuổi trẻ năm nào vẫn còn nguyên ký ức về đồng đội- những bông hoa hoá đá bất tử nơi địa đầu của Tổ quốc. Tháng 7 về, những bản hùng ca về một Vị Xuyên bất khuất, kiên trung vẫn còn vang mãi trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Ngày hôm nay, Vị Xuyên cây đã xanh, hoa đã nở, đồng bào nơi đây có cuộc sống ấm no, mỗi người dân nơi đây đều biết bảo vệ những giá trị cha anh, giữ gìn linh thiêng nơi địa đầu của Tổ quốc. Và những lời "thì thầm non sông" của các anh vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc, trong mỗi trái tim con người Việt Nam.

"Đồng đội ơi! Tôi nhớ
Chiến tranh qua lâu rồi
Lòng vẫn thầm thì gọi
Đồng đội, đồng đội ơi!
..."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị Xuyên: Những bông hoa hoá đá bất tử