Suốt bao năm qua, người Thẩm phán đã âm thầm góp tiền bạc và làm chỗ dựa tinh thần cho một đứa bé ăn học nên người.
Đứa bé này là con của một cặp vợ chồng là bị cáo (Ảnh minh họa)
Đứa bé đó chính là con của cặp vợ chồng từng bị ông xét xử với mức án thật nghiêm là tù chung thân...
Gần đến ngày về hưu, căn phòng của vị Thẩm phán bề bộn với những thùng sách vở, tài liệu cần phải xếp mang về nhà. Thấy tôi bước vào, ông ngừng tay mỉm cười châm bình trà tiếp khách. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một tấm ảnh cưới. Ánh mắt rạng rỡ hạnh phúc. Ông nói ảnh đám cưới con gái. Thấy tôi ngạc nhiên, ông nheo mắt rồi bảo: “Tôi không chỉ có hai đứa con mà là ba đứa…”.
1. Ngược dòng thời gian, ông kể trước khi về Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh công tác, ông có một khoảng thời gian dài làm Thẩm phán tại Tòa một tỉnh ở miền Trung. Ở cái vùng đất mà cái nghèo cái khổ cứ bám riết lấy con người, bao bi kịch gia đình đã xảy ra mà ông chứng kiến khi làm công việc xét xử.
Ánh mắt nhìn ra xa, ông nhớ lại phiên tòa xét xử một đường dây ma túy mà ông làm chủ tọa. Đường dây ma túy này gồm rất nhiều bị cáo câu kết với nhau đưa ma túy với số lượng đặc biệt lớn từ bên kia biên giới về để tiêu thụ. Trong vụ án có vợ chồng hai bị cáo H. Hồ sơ thể hiện hai vợ chồng xuất thân từ gia đình nghèo, phải nghỉ học giữa chừng để kiếm việc làm nuôi thân. Cùng phận làm thuê, họ đến với nhau rất tự nhiên, không cần đăng ký kết hôn... Lần lượt sau đó, hai đứa con của họ ra đời làm vui nhà vui cửa nhưng cũng chồng chất nỗi lo.
Một lần, người chồng tìm một người bạn mượn vài trăm ngàn để đưa con đi khám bệnh. Người này vui vẻ cho mượn nhưng nhờ mang giùm một gói hàng giao cho khách. Sau lần đó, người chồng mới biết mình đã vận chuyển thứ “hàng trắng” chết người. Nhưng do thấy kiếm tiền quá dễ, anh đã từ từ trở thành một mắt xích trong đường dây. Anh còn lôi kéo cả vợ vào con đường phạm tội. Được khoảng một năm, anh bị bắt khi đang vận chuyển 5 bánh hêrôin giao cho mối. Sau đó, Công an đã triệt phá cả đường dây. Với những chứng cứ cùng lời khai nhận tội, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo trong đường dây mức án từ 16 năm tù đến chung thân, tử hình tùy theo vai trò và mức độ phạm tội. Hai vợ chồng H. đều bị tuyên án tù chung thân.
2. Vụ án khép lại, người Thẩm phán dần quên đi với những công việc thường nhật. Nhưng có một ngày, ông về thăm mẹ, nghe kể về hoàn cảnh tội nghiệp của một gia đình gần đó. Có một bà cụ nay yếu mai đau đang phải nuôi hai đứa cháu vì ba mẹ nó đều đang phải chấp hành hình phạt. Không đủ khả năng bà đã phải để đứa cháu nhỏ mới 3 tuổi cho một gia đình quen biết ở Sài Gòn làm con nuôi. Còn đứa lớn 12 tuổi thì không ai nhận nuôi. Hiện nó ở chung với bà và sắp phải nghỉ học vì nhà không có tiền.
Tìm hiểu thêm, người Thẩm phán biết được cha mẹ của hai đứa trẻ tội nghiệp kia không ai khác chính là người đã bị ông tuyên án tù chung thân.
Tối đó, về nhà ông nhìn hai con ngủ say, ông nghĩ thương tình cảnh hai đứa bé kia. Chúng đã không có cha mẹ bên cạnh chăm sóc nay lại phải chia cắt tình chị em, một đứa thì đứng trước cảnh phải nghỉ học giữa chừng... Tương lai của nó sẽ về đâu nếu không được ăn học đến nơi đến chốn, liệu nó có đi theo con đường phạm tội của ba mẹ nó hay không? Nghĩ tới đây ông lại càng thấy lòng ngổn ngang.
Thế rồi ngày hôm sau, ông quyết định đến ủy ban xã nhờ làm cầu nối để ông giúp đỡ cho trường hợp này và xin được giấu danh tính. Ông muốn tài trợ tiền ăn học cho bé gái.
Dừng lại vài phút, ông kể hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc đó không phải khấm khá gì nhưng nghĩ giúp được đến đâu hay đến đó. Cứ thế, hằng tháng ông vẫn trích một phần lớn trong tiền lương gửi đến cho hai bà cháu.
3. Có lần anh cán bộ xã gửi ông một bức thư được viết rất nắn nót. Anh cán bộ xã trần tình nhiều lần đứa bé đến ủy ban để hỏi thăm về người tốt đã giúp đỡ cho gia đình. Bị từ chối, nó đành phải viết bức thư nhờ gửi người ân nhân mà nó không hề biết mặt.
Lá thư ngoài việc cảm ơn ông về việc giúp đỡ, cô bé còn có những dòng tâm sự nghe đau lòng: “Con chỉ mong mau lớn, kiếm được tiền để đi đón em trai về cùng sống chung. Con nhớ em lắm, có những đêm con nằm ngủ mà cứ nghe tiếng nó khóc gọi. Không biết bao giờ con mới được gặp lại đó”. Ông đọc mà thương cho số phận hai trẻ thơ.
Rồi lá thư này tiếp lá thư kia của cô bé cứ gửi tới. Ban đầu ông chỉ đọc, không trả lời nhưng dần sau đó, ông viết thư cho cô bé đều đặn như một thói quen. Ông chia sẻ với cô bé về những điều nó tâm tư, về những ước mơ của cô bé. Có những lá thư hồi âm ông gửi kèm theo một món quà nhỏ khi là quyển sách, khi là cây viết nhân một dịp đặc biệt nào đó. Trước những kỳ thi, ông luôn viết thư dặn dò cô bé cẩn thận đọc đề và làm bài thế nào để được điểm cao. Tình cảm của ông và cô bé cứ lớn dần lên.
Lần nọ, ông nhận thư cô bé viết ghét ba mẹ, trách họ đã sinh ra cô bé để cô bé khốn khổ và bị bạn bè chọc là con của kẻ phạm tội. Cô bé không muốn tiếp tục đi học. Đêm đó, ông thức trắng vừa thương vừa trách cô bé. Ba mẹ nào mà không thương con, chẳng qua là ba mẹ cô bé đã lầm đường.
Không lâu sau, cô bé lại viết thư cho ông khóc vì ba đã mất trong trại giam do bệnh. Những lá thư tiếp theo sau là tâm trạng đau buồn. Có lần cô bé nói xin được gọi ông tiếng ba. Ông đồng ý và từ đó ông có thêm đứa con gái.
Ông vừa nói với tôi cũng như nói cho chính bản thân mình: “Nó cũng trạc tuổi con mình nhưng số con bé khốn khổ, thương quá!”. Giờ điều khiến ông vui nhất là con bé ngày nào đã trưởng thành, không bỏ dở việc học. Những ngày con học đại học, ông vui vì thành tích của con luôn đứng hạng cao trong lớp. Có học bổng, con không nhận tiền ông giúp đỡ nữa mà muốn ông dành nó cho người khác cần hơn. Nhưng con vẫn thường viết thư thăm hỏi người ba không biết mặt.
Cười thật tươi, ông khoe con giỏi lắm, ra trường có việc làm ngay. Ngày cưới cô con nuôi, có lẽ ông sẽ không đến dự nhưng hơn ai hết ông là người luôn cầu chúc những điều tốt đẹp nhất dành cho đứa con gái đáng thương kia…
Theo Pháp luật TP. HCM