Hàng chục ngàn tấn vũ khí được Trung Quốc đưa đến khu vực Tây Tạng kể từ khi căng thẳng xảy ra ở Doklam, khu vực biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan. Hiện nơi đây đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trước lập trường cứng rắn từ các bên.
Báo quân đội Trung Quốc cho biết, hoạt động vận chuyển vũ khí diễn ra từ cuối tháng trước trên cả đường bộ và đường sắt từ khắp các khu vực lân cận. Hiện ước tính có hơn 10.000 tấn trang thiết bị vũ khí được xe tải quân sự đưa đến Tây Tạng. Số vũ khí này hiện được đặt tại khu vực dãy núi Kunlun, ở khu vực phía bắc Tây Tạng.
Các trang thiết bị vũ khí trên thuộc quyền kiểm soát của Chiến khu Tây Bộ, cơ quan chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến khu vực Tân Cương, Tây Tạng và giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Báo quân đội Trung Quốc không cho biết liệu hoạt động vận chuyển vũ khí có liên quan đến cuộc tập trận thật vừa diễn ra ở cao nguyên Tây Tạng hay không. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ nghi ngờ về mục đích thực sự của số lượng trang thiết bị vũ khí khổng lồ tập kết ở Tây Tạng.
Ni Lexiong, nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải cho rằng, động thái của Trung Quốc nhằm gây sức ép, buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Các hoạt động chuẩn bị quân sự là cơ sở cho đàm phán ngoại giao, nếu xung đột nổ ra, số vũ khí này chỉ mất 6 - 7 giờ để được đưa khẩn cấp đến các điểm nóng giao tranh ở biên giới Trung - Ấn.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nói, quân đội Trung Quốc muốn chứng minh năng lực vượt trội so với phía Ấn Độ. Việc Trung Quốc vận chuyển vũ khí đến Tây Tạng được cho là lời cảnh báo với Ấn Độ.
Hiện ước tính có hơn 10.000 tấn trang thiết bị vũ khí được xe tải quân sự Trung Quốc đưa đến Tây Tạng
Wang Dehua, một chuyên gia về Nam Á tại Viện Nghiên cứu Thượng Hải nói, việc Trung Quốc vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí cho thấy năng lực bảo vệ biên giới một cách dễ dàng.
Hoạt động này nhằm phản bác tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley, rằng Ấn Độ không phải Ấn Độ năm 1962. Ông Wang nói, Trung Quốc cũng không còn là Trung Quốc cách đây 55 năm.
Được biết, trong cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, hoạt động hậu cần ở vùng núi hết sức khó khăn, khiến cho hai bên cuối cùng phải rút lui và tuyên bố ngừng bắn.
Ngày nay, quân đội Trung Quốc dễ dàng đưa vũ khí và nhân lực đến tiền tuyến chỉ sau vài giờ, nhờ vào tuyến mạng lưới đường sắt rộng khắp ở Tây Tạng và tuyến đường cao tốc nối liền cao nguyên này với phần còn lại của Trung Quốc.
Theo Diplomat, căng thẳng ở Doklam những ngày qua khiến nhiều người nghĩ về một cuộc chiến tranh giống như xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1962. Truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo Ấn Độ rằng, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực và nói New Delhi nên ghi nhớ bài học quá khứ.
Khi được hỏi về khả năng căng thẳng leo thang, Luo Zhaohui, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ không phủ nhận kịch bản như vậy. Việc chính phủ Ấn Độ đồng ý cho quân đội mua khẩn cấp thêm đạn dược, vũ khí cũng cho thấy khả năng về một cuộc xung đột ngắn.
Trên thực tế, căng thẳng Trung - Ấn tồn tại đã lâu và không chỉ mới xuất hiện ở khu vực Doklam. Khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia có tổng số dân 2,6 tỷ người này đã là mối quan ngại của các chuyên gia trong hàng thập kỷ qua.
Theo chuyên gia Rajeesh Kumar đến từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu bên nào sẽ nổ súng trước? Trả lời câu hỏi này sẽ giải đáp được khả năng xảy ra chiến tranh biên giới Trung - Ấn lần 2.
Đối với Ấn Độ, New Delhi không hề muốn leo thang chiến tranh bởi nhân tố đối nội. Quân đội tuyên bố sẵn sàng nhưng chiến tranh còn phụ thuộc vào yếu tố chính trị và hệ quả lâu dài.
Ấn Độ cũng sắp bước vào cuộc bầu cử tháng 5/2019, giới lãnh đạo New Delhi không hề mong muốn một cuộc chiến tranh mà Ấn Độ không nắm chắc phần thắng. Xung đột cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngay cả khi Ấn Độ chiến thắng, Trung Quốc cũng có thể gây sức ép kinh tế, khiến cuộc chiến không đem lại lợi ích cho Ấn Độ.
Đối với Trung Quốc, lời lẽ cứng rắn dường như là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc chiến ngay lập tức và không thể tránh khỏi với Ấn Độ. Nhưng Trung Quốc đang xây dựng hình ảnh cường quốc kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Nước này cũng đang trải qua quá trình hiện đại hóa quân đội, chế tạo hàng loạt vũ khí hiện đại.
Do đó, Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm gây chiến ở thời điểm hiện tại. Bởi điều này làm tổn hại hình ảnh một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình.
Như vậy, có thể nói yếu tố đối nội ngăn New Delhi đến chiến tranh trong khi Trung Quốc là hình ảnh một cường quốc trỗi dậy trong hòa bình. Vì thế khả năng xảy ra chiến tranh biên giới Trung - Ấn lần 2 là rất thấp. Hai quốc gia láng giềng chỉ còn duy nhất một lựa chọn là tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự ở biên giới để đáp ứng sức ép từ dư luận trong nước.