Nằm tại thị trấn Ba Hàng, trung tâm của huyện Phổ Yên, chợ Ba Hàng đã tồn tại gần 30 năm nay là điểm kinh doanh của hơn 300 tiểu thương. Chợ mới được xây dựng rất khang trang nhưng rất nhiều hộ kinh doanh tại đây lại lắc đầu với chợ mới?
Tiểu thương “kêu trời”
Theo giấy chứng nhận đầu tư ngày 2-3-2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên cấp, Công ty cổ phần Trung Tín (Cty Trung Tín) xây dựng lại chợ Ba Hàng, chợ loại 1 với 1000 điểm kinh doanh để thay thế chợ cũ đã xuống cấp. Số vốn đầu tư 30 tỷ đồng do Cty Trung Tín bỏ ra. Vì nhiều lý do nên mãi sau 4 năm, giai đoạn 1 (xây mới sát cạnh chợ cũ đang hoạt động) của dự án mới tạm hoàn thành, 550 điểm kinh doanh đã được Cty Trung Tín tiến hành cho tư thương bốc thăm thuê.
Nếu sự việc “xuôi chèo mát mái” như Cty Trung Tín nghĩ thì tư thương kinh doanh chợ cũ sẽ thuê địa điểm chợ mới và diện tích 12.000 m2 của chợ cũ sẽ tiến hành đầu tư giai đoạn 2. Tuy nhiên, tư thương đang kinh doanh tại chợ cũ đồng loạt “nói không” với nhà đầu tư này. Dù chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp để đưa các hộ kinh doanh vào nơi mới để tiến hành giải tỏa chợ cũ thực hiện giai đoạn 2 nhưng chưa thành công.
Có nhiều lý do mà các tư thương này đưa ra là giá thuê chợ mới quá cao so với chợ cũ, địa điểm xây chợ mới không thuận tiện kinh doanh, chất lượng công trình kém và đặc biệt là Cty Trung Tín “nhập nhèm” trong việc công khai chi tiết dự án để người dân tính toán trước khi quyết định thuê địa điểm bán hàng. Hàng loạt những lá đơn kêu cứu đã được gửi đến các cơ quan chức năng.
Chợ Ba Hàng
Sáng 22-10-2011, chúng tôi có mặt tại chợ Ba Hàng mới. Hôm đó là hạn chót để các tư thương chợ cũ chuyển sang chợ mới, nếu không chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế. Theo quan sát, với hơn 550 địa điểm kinh doanh chỉ có vài thương nhân bày bán hàng.
Công ty Trung Tín có giữ chữ “tín”?
Phải công nhận Cty Trung Tín làm ăn rất bài bản, có kinh nghiệm trong việc “dẫn dắt” các tư thương. Nói như một tư thương, trước ngày bốc thăm điểm kinh doanh, tin đồn lan ngập chợ nếu không nhanh tay đăng ký thì sẽ hết, có người còn “rỉ tai” sẽ thuê vài điểm để sau này cho thuê lại. Vậy là các tư thương vội vàng đến đặt tiền để được bốc thăm không thì…hết (!?).
Theo quy định của Công ty Trung Tín, tư thương nào muốn bốc thăm thì phải nộp 30% tiền giá trị điểm kinh doanh. Nếu bốc thăm trúng, sau 10 ngày phải đóng đủ tiền, nếu muộn sẽ bị huỷ kết quả bốc thăm, tiền đã nộp Cty Trung Tín không trả lại.
Đã có rất nhiều tư thương đến bốc thăm và trúng, họ cũng đã nộp đủ tiền giá trị địa điểm thuê. Thế nhưng, chỉ khi tiền đã vào két của Cty Trung Tín các tư thương mới ngã ngửa người vì những lý do nêu trên. 150 tư thương đã cuống cuồng đến Cty Trung Tín “xin” lại tiền, không thuê nữa. Mặc dù UBND huyện Phổ Yên đã có thông báo “lưu ý” chủ đầu tư: Đối với những hộ yêu cầu đòi lại tiền 100%, đề nghị chủ đầu tư trả hết, nếu các hộ dân cam kết không có nhu cầu kinh doanh tại vị trí đã đăng ký. Thế nhưng Cty Trung Tín vẫn giữ nguyên quan điểm “phạt” và đương nhiên 150 tư thương rút đơn đành“gạt nước mắt” để Cty Trung Tín “phạt” 30% giá trị địa điểm thuê.
Cty Trung Tín sẽ làm gì khi chợ cũ phá đi, một địa điểm đẹp “long lanh” bám mặt đường quốc lộ 3? Ông Việt, Trưởng ban di dời chợ Ba Hàng và bà Hà, đại diện cho Cty Trung Tín khi trả lời chúng tôi đều “không biết”. Ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên khi trao đổi với chúng tôi cũng không nhớ lắm về dự án này. Ông Tuyết gọi cho Tổng Giám đốc Cty Trung Tín hỏi và nhận được câu trả lời: Sẽ xây dựng tiếp khoảng 600-700 địa điểm kinh doanh nữa trên nền chợ cũ để các tư thương bán hàng bách hóa…
Nếu điều đó là sự thật thì có lẽ Cty Trung Tín đang “đùa” với những đồng tiền mình bỏ ra, bởi lẽ chợ cũ hiện tại mới chỉ có hơn 300 tư thương kinh doanh. Nếu xây đủ 1000 điểm kinh doanh như giấy chứng nhận đầu tư mà tỉnh Thái Nguyên cấp đã vượt gấp gần 3 lần so với nhu cầu hiện tại, chứ chưa nói với 550 điểm kinh doanh đã xây xong mà tư thương đang “nói không”. Việc xây thêm 600- 700 điểm nữa là điều “nói cho vui” hay thị trấn Ba Hàng chỉ có 6 tổ dân phố và 4 xóm sẽ “ôm” hết hơn 1000 điểm kinh doanh này?
Vậy thì hàng trăm tiểu thương sẵn sàng mất số tiền lớn để đợi mua suất giai đoạn 2 chợ Ba Hàng không phải là không có cơ sở, điều đó khiến cho việc di dời các tiểu thương ra khỏi chợ cũ vào chợ mới gặp nhiều khó khăn và không thể giải quyết trong một sớm, một chiều được.
Tống Toàn