Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, bắt giam theo Bộ luật Hình sự 1999?

Trọng Bằng| 07/04/2018 17:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can đối với cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 được các chuyên gia lý giải.

Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, bắt giam theo Bộ luật Hình sự 1999?

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an để điều tra hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định trên.

Theo Bộ Công an, việc khởi tố, bắt giam ông Phan Văn Vĩnh nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm của ông Vĩnh.

Các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phê chuẩn. Công an tỉnh Phú Thọ xác định ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, có dấu hiệu "bật đèn xanh" cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ xuyên quốc gia hoạt động. Ông Vĩnh đã bị bắt và di lý về trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra theo nguồn tin của Báo Tuổi Trẻ, kết quả điều tra ban đầu xác định sai phạm của ông Vĩnh xảy ra khi ông đương chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Ông này đã ra các chủ trương trái với quy định pháp luật để tạo điều kiện cho đường dây đánh bạcqua game Rikvip và Tip.club.

Ông Vĩnh đã ký và trình một số văn bản cho Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC do Nguyễn Văn Dương (bị can cầm đầu trong đường dây đánh bạc) là chủ tịch HĐQT được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.

Cùng với ông Vĩnh, trong lúc đường dây đánh bạc được hình thành và vươn "vòi bạch tuộc" ra hàng chục tỉnh thành với hàng ngàn đại lý lớn nhỏ, cấp dưới của ông Vĩnh là ông Nguyễn Thanh Hóa đã có những hành vi tiếp tay cho đường dây này hoạt động trong thời gian dài.

Tại trụ sở Công ty CNC trên đường Hồ Giám, nơi đặt máy chủ đánh bạc, khi công an khám xét còn phát hiện bên trong có phòng làm việc đề biển tên ông Nguyễn Thanh Hóa. Chính vì thế, ông Hóa đã bị cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố về hành vi tổ chức đánh bạc.

Đối với thông tin ông Vĩnh được chia tiền lợi nhuận từ đường dây đánh bạc và có động cơ vụ lợi khi thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nguồn tin của Báo Tuổi Trẻ cho biết đây cũng là một hướng điều tra của cơ quan tố tụng. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh, khai thác các bị can đã bị khởi tố để làm rõ thông tin này.

Vì sao khởi tố ông Vĩnh theo Bộ luật Hình sự 1999?

Một chi tiết đáng chú ý trong vụ việc bắt giam cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, đó là ông này bị khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999. 

Lý giải điều này luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) thông tin trên VOV cho biết, việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh theo BLHS 1999 hoàn toàn có căn cứ. Bởi vụ án mà ông Phan Văn Vĩnh là bị can, cơ quan điều tra công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố từ cuối năm 2017.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng khẳng định, ở góc độ áp dụng luật, việc khởi tố ông Vĩnh theo BLHS 1999 là hoàn toàn đúng luật. 

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, do thời điểm khởi tố vụ án vào thời điểm cuối 2017 nên căn cứ để khởi tố bị can đối với ông Vĩnh vẫn phải theo BLHS năm 1999 vì đến 1/1/2018, BLHS 2015 mới có hiệu lực pháp luật. 

"Sau này, quá trình xét xử, nếu có các tình huống hoặc phương pháp theo hướng có lợi cho bị cáo thì sẽ áp dụng theo BLHS mới 2015 ví dụ như về áp dụng hình phạt hoặc không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của đồng phạm. Đó là các chế định mới trong luật hình sự 2015 mà có lợi cho bị can, bị cáo", luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết thêm. 

Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, bắt giam theo Bộ luật Hình sự 1999?

Lực lượng chức năng phong tỏa lối vào nhà riêng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tối ngày 6/4

Trước đó chiều 6/4, Bộ Công an ra thông báo chính thức về việc Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố.”

Theo thông báo, căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356 và ra Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam bốn tháng đối với Phan Văn Vĩnh (sinh năm 1955, tại Nam Định; nơi cư trú: 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cùng ngày 6/4, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Văn Vĩnh.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, liên quan đến vụ án đánh bạc này, ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can đối với Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) về tội “Tổ chức đánh bạc” liên quan đến vụ án này.

Theo thông báo mới đây của Cơ quan Công an, qua quá trình điều tra đã xác định đường dây tổ chức đánh bạc này do Phan Sào Nam (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC online), Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Hoàng Thành Trung (sinh năm 1978, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, cựu Giám đốc Công ty VTC công nghệ và nội dung số - VTC Intecom) bàn bạc thực hiện. Trong đó, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương có vai trò chủ mưu, cầm đầu; Hoàng Thành Trung có vai trò thực hành. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội của Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung và Nguyễn Văn Dương có sự giúp sức tích cực của nhiều đối tượng.

Tính đến ngày 14/3, Cơ quan điều tra đã khởi tố 83 bị can, trong đó một số bị can bị khởi tố hai tội danh, gồm 41 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can về tội đánh bạc, bốn bị can về tội mua bán hóa đơn trái phép, hai bị can tội rửa tiền và một bị can tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh hai bị can, truy nã tám bị can đang bỏ trốn.

Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng, chiếm 1,75%. Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỷ đồng.

Hiện, Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật.

Điều 281 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố, bắt giam theo Bộ luật Hình sự 1999?