Vị giáo già hơn 40 năm “chơi đùa với bọn trẻ”

Ngô Chuyên| 02/05/2018 17:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi gặp ông giáo già - thầy Lê Đức Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường (Đồng Nai), tại buổi Lễ vinh danh những nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm 2017 tại Hà Nội.

Trò chuyện một lát, ông làm chúng tôi bất ngờ bằng giọng miền Nam thân thương: “Mấy hôm nay ra Hà Nội, không lên trường nhìn thấy lũ trẻ tôi nghe nhớ lắm, nhớ nhất là tiếng cười đùa, nói chuyện của chúng kết thúc mỗi buổi học hay giờ ra chơi. Nhiều hôm, tôi tâm sự thật với bà nhà tôi, nếu sau về hưu ở với bà buồn quá chắc tôi cũng phải tìm một chỗ nào đó mà được chơi đùa với trẻ con”.

Đi học thời chiến

Tôi hỏi vị giáo già tuổi học trò của ông như thế nào? Ông ngồi ngầm ngừ một lúc lâu rồi kể lại những kỷ niệm về “cái thời oanh liệt” của mình: “Hồi đó, tôi đi học vui lắm, cứ đến lớp là ai cũng ham học, cùng nhau làm nhiều việc lắm. Bởi vì thế mà sau này chọn nghề cũng theo đám đông”. Ông bảo “vì cái tính ham vui nên lũ bạn nó đi thi sư phạm nhiều nên tui đi. Sau này, khi mới ra trường tôi cũng chưa thích trẻ lắm đâu.

Thế rồi, hằng ngày dạy chúng học, chứng kiến chúng lớn khôn tình yêu với trẻ con lớn lên trong tôi khi nào không hay. Tôi chỉ biết, những kỳ nghỉ hè đến, tôi mong nó mau chóng qua để được gặp lại học trò của mình, được vui chơi với chúng”. Mắt ông bất chợt ánh lên,“Chị biết không? Chơi với trẻ con, tôi đã học được rất nhiều điều từ chúng, tôi không phải phòng thủ bất cứ điều gì. Vui nhất là tôi thấy mình như là người cùng thế hệ với chúng. Tôi hiểu được bọn trẻ bây giờ thích gì, ngôn từ bọn chúng nói với nhau như thế nào hay xu thế hiện nay chúng thích, qua đó cân bằng và định hướng chúng cho tốt. Tôi cũng hạn chế được cái cứng nhắc, cổ hũ của thế hệ trước….”.

Vị giáo già hơn 40 năm “chơi đùa với bọn trẻ”

Thầy Lê Đức Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường 

Thầy Lê Đức Dũng vốn sinh ra tại quận Gò Vấp (TP.HCM), lên cấp hai bố ông phải chuyển công tác, cả nhà vị giáo già 9 người cùng chuyển về Củ Chi (trước 30/4/1975 là một quận của tỉnh Hậu Nghĩa) sinh sống. Vị giáo già nhớ lại: “Trong cuộc kháng chống Mỹ, Củ Chi được xem là chảo lửa thế nhưng trường học vẫn được duy trì, dẫu lúc đó cả quận có duy duy nhất một trường trung học”. Ông bảo “chiến tranh có ác liệt đến mấy nhà nước mình vẫn cố duy trì trường học để học sinh có thể đến trường. Dẫu vậy, các bạn của tôi đi học rất chuyên cần. Vì điều kiện chiến tranh khó khăn không được đi học thêm, sách giáo khoa là tài liệu đắt giá nhất để chúng tôi ôn tập cũng như chuẩn bị trước bài. Vì thế mỗi giờ học tôi và các bạn luôn sẵn sàng tham gia học tập một cách tích cực nhất”, vị giáo già kể lại.

Dừng lại suy tư một lúc, vị giáo già nói tiếp: “Những người thầy của tôi ngày ấy tuyệt vời lắm, dẫu lúc đó hoàn cảnh chiến tranh, thế nhưng mỗi thầy một cách làm sao để giữ được phòng học có bảng đen cho chúng tôi học”. Ông bảo với tôi cả đời này không quên thầy dạy môn Việt Văn (Ngữ văn hiện nay). “Hôm đó đến tiết học truyện Kiều thầy đã dành cả lớp 2 tiết để tự tìm tài liệu, thảo luận và trình bày vấn đề “ Kiều đáng thương hay đáng trách”. Và để có bài thảo luận chúng tôi đã đến tiệm sách tìm thêm tài liệu viết về truyện Kiều đọc. Tiết học Việt Văn hôm sau, chúng tôi tranh nhau xin thầy để đọc, tranh nhau xin được trình bày suy nghĩ của mình. Những giờ học ấy không biết thấm vào tôi từ lúc nào, để khi vào nghề tôi hiểu mọi đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ người thầy”, vị giáo già nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, ông còn kể cho tôi những khác biệt giữa người thầy ngày nay và người thầy ngày xưa, “người thầy thời tôi đi học có lợi thế hơn người thầy thời tôi đi dạy. Thứ nhất, dù học sinh đi học nhiều hay ít nhưng đều muốn học, ham học. Thứ hai, chương trình dạy chung, giáo viên được phép tự chọn sách, phân bài dạy, thời lượng dạy. Thứ ba, nguồn tư liệu hiếm nên thầy là một kênh thông tin quan trọng bởi vậy thầy cô là cốt lõi”.

Chọn nghề giáo chỉ vì đám đông

Sau này, khi ông làm quản lý, nhưng hễ có thời gian rảnh, ông lại lặng lẽ đi ngoài hành lang ngắm học trò của mình qua cửa sổ. “Là bởi tôi thèm được đứng lớp, được giảng dạy, được trực tiếp nghe học trò gọi mình là thầy hay hỏi bài mình. Dẫu những câu hỏi nó ngây ngô và đôi lúc rất buồn cười nhưng nó giá trị lắm chị à! Đó là liều thuốc bổ mà không phải ai cũng có được”, vị giáo già trải lòng.

Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện của một giáo viên mới về trường ông công tác. “Tôi nhớ như in đó là một người lạnh lùng, vừa có gì đó của sự lì lợm và liều lĩnh khiến tôi cảm thấy bất an và lo sợ.…”. Một thời gian sau, người giáo viên “lì lợm” đó bất ngờ viết cho thầy Lê Đức Dũng một lá thư tâm sự: “Ngày đầu tiên em về trường, ấn tượng đầu tiên của em với thầy còn xa lạ lắm, không thân thiện lắm…. Cho đến ngày 8/3, thầy tặng em 1 cây kẹo cao su, em vui lắm. Hình như từ lâu lắm em không có được hạnh phúc được nhận quà của ai cả…”. Kể xong, thầy Dũng khự lại một lúc, rồi quay sang hỏi tôi, giọng nghẹn ngào: “Quả là hạnh phúc ngọt ngào chị nhỉ?”. Lúc đó không hiểu sao, ánh mắt ông giáo già rưng rưng ngấn lệ. Tôi cũng bố rối theo và cố nhìn sang hướng khác không để ông nhìn thấy tôi sắp khóc, khóc vì cảm động.

Trong quản lý, thầy Lê Đức Dũng là người luôn đề cao đoàn kết trong nội bộ và phải làm sao cho đồng nghiệp của mình thoải mái tâm lý, như vậy họ mới có thể cống hiến hết nhiệt huyết với học sinh. Chính vì vậy, ông luôn cố gắng lắng nghe tối đa tâm sự của đồng nghiệp. Tại các cuộc họp hội đồng của trường ông đã cho giáo viên trong bỏ phiếu kín. Trong phiếu kín, giáo viên được quyền viết những tâm tư, suy nghĩ của mình hay những sáng kiến mà mình không muốn trình bày trước đám đông. “Cũng chính những lần bỏ phiếu kín đó tôi biết được giáo viên của mình đang gặp khó khăn ở đâu, đang cần gì hay có tâm tư nguyện vọng như thế nào. Nếu không giải quyết được ngay tôi sẽ cùng với ban giám hiệu họp lại và tìm cách giải quyết”, ông kể.

Vị giáo già hơn 40 năm “chơi đùa với bọn trẻ”

Ông bảo “vì cái tính ham vui nên lũ bạn nó đi thi sư phạm nhiều nên tui đi. Sau này, khi mới ra trường tôi cũng chưa thích trẻ lắm đâu"

Trong suy nghĩ của thầy giáo Lê Đức Dũng, không có giáo viên nào yếu, giáo viên nào cũng phải đi thi giáo viên giỏi một lần. Ông kể: “Tâm lý của nhiều trường đi thi giáo viên giỏi thì phải chọn giáo viên giỏi để đi. Tuy nhiên tôi thì khác, giáo viên nào chuyên môn, kỹ năng sư phạm còn hạn chế tôi lại vận động các thầy cô đó đi thi. Tôi cũng nghĩ, không thầy cô nào muốn mình là giáo viên dở, vì thế nhiệm vụ của tôi là động viên các thầy cô đó tham dự hội thi tay nghề để thăng tiến năng lực, tự tin năng lực của bản thân hơn thì họ cũng nhiệt huyết cống hiến với học trò. Đồng thời, muốn đổi mới giáo dục thì người thầy là nhân tố quyết định”

Thầy Lê Đức Dũng sinh ra trong một gia đình có 7 người con, thầy Dũng là con thứ 2, trước thầy là một chị gái. Một điều đặc biệt, cả 7 chị em của thầy Dũng đều chọn nghề giáo và gắn bó cả cuộc đời với nghề giáo. “Nghề giáo nó như cái duyên với gia đình tôi vậy, hiện nay con gái tôi vẫn nối nghiệp giáo của tôi”, ông nói. Hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, để có sự yêu nghề, cống hiến hết tâm huyết với nghề, ông luôn có sự động viên của người bạn đời. “Những năm tháng khó khăn, gian nan của nghề nghiệp tôi vẫn bám trụ được là nhờ có sự động viên, chia sẻ của bà xã”, vị giáo già kể. Trong suy nghĩ của vị giáo già, con cái cũng chính học trò của mình và để dạy được con thì mình phải làm gương cho con. “Tôi không có bí quyết đặc biệt nào cả, chỉ cố làm gương cho con các con. Bởi vậy nên cả hai cháu hoàn thành chương trình phổ thông và vào đại học mà tôi chưa bị nhà trường mời làm việc”.

Dùng mình làm gương cho con chính vì vậy, khi có chương trình học thầy cũng như đồng nghiệp của mình khá hào hứng điển hình là chương trình VNEN, thầy các cô trong trường đã rất thành công. “Cốt lõi của mô hình VNEN là đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. Bởi vậy khi áp dụng nếu không có sự đồng nhất quyết tâm trên dưới thì sẽ rất khó. Vận dụng được điểm quan trọng này người thầy có thể dạy các sách giáo khoa dù viết theo hình thức khác nhau nhưng cùng theo một chương trình học”, thầy Dũng phân tích.

Theo thầy Lê Đức Dũng, thành công lớn nhất của chương trình VNE do thầy áp dụng sau 3 năm là không có học sinh nào phản ứng hay phụ huỳnh phải xin chuyển trường cho con. Linh động trong phương pháp dạy - để học sinh tự học và ứng dụng bài học thực tế vào, cũng như giáo viên chủ động về phương pháp và linh động trong thay đổi giáo án.Và kết quả là các hội thi của học sinh và giáo viên đều nằm trong top tốt của từng. Chất lượng đại trà được nâng lên rất nhiều…

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị giáo già hơn 40 năm “chơi đùa với bọn trẻ”