Mỹ sẽ cân nhắc mọi lựa chọn trong hành động để khiến quân Nga phải rút khỏi Venezuela. Đây là lời cảnh báo sắc lạnh hiếm hoi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra nhằm vào Nga.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tung ra loạt lời đe dọa với quân đội Venezuela rằng nếu họ không lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, họ sẽ bị nghiền nát bởi lệnh cấm vận và thậm chí là một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ.
Chỉ hai tháng sau, giọng điệu cứng rắn đó đã khiến chính Nhà Trắng "mất mặt" với sự hiện diện quân sự của Nga ở châu Mỹ Latinh, trong khi Mỹ không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ nói là làm.
Để bảo vệ các lợi ích kinh tế, chính trị của mình ở Venezuela, Nga tăng cường ủng hộ và triển khai đến đây hai máy bay chở khoảng 100 cố vấn quân sự cùng nhiều trang thiết bị.
Giới phân tích cho rằng hành động này của Nga đã vượt qua lằn ranh Mỹ vạch ra trong Học thuyết Monroe, vốn được coi là nguyên tắc đối ngoại lâu đời nhất của Mỹ. Học thuyết Monroe được Tổng thống James Monroe công bố từ năm 1832, học thuyết này ngăn chặn các quốc gia châu Âu gây ảnh hưởng ở Tân Thế giới, coi hành động này là biểu hiện của lập trường không thân thiện đối với Mỹ.
Học thuyết này được Mỹ duy trì suốt nhiều thế kỷ qua, biến Nam Mỹ gần như trở thành "sân sau" chịu ảnh hưởng của Washington. Bởi vậy, sự hiện diện của các quân nhân Nga sẽ là một thách thức rất lớn đối với Học thuyết Monroe và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mỹ sẽ cân nhắc mọi lựa chọn trong hành động để khiến quân Nga phải rút khỏi Venezuela
Trong khi đó, chiến dịch gây sức ép của Mỹ với quân đội Venezuela tới nay vẫn không thể hiện được bất cứ hiệu quả nào lớn. Các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn duy trì lòng trung thành với Tổng thống Maduro. Trong khi phong trào chống đối của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn dần hạ nhiệt mà không gây ra nhiều xáo trộn.
Việc ủng hộ Guaido để hạ bệ Maduro được coi là "sáng kiến đối ngoại" lớn thứ hai của chính quyền Trump, chỉ sau nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng cả hai giờ đây dường như đều đang lâm vào bế tắc.
Nguyên nhân sâu xa ở đây chính là các sĩ quan, binh sĩ và cả người dân Venezuela đều hiểu rằng những lời đe dọa của ông Trump chỉ là "đòn gió". Họ không nhận thấy bất cứ hoạt động quân sự nào đúng nghĩa của Mỹ ở Venezuela và tỷ lệ Trump phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào quốc gia này là rất thấp.
Hậu quả của việc này là chính quyền Trump thiếu đi những biện pháp chắc chắn để thực hiện toan tính thay đổi chế độ ở Venezuela dù đã đầu tư khá nhiều vốn liếng chính trị. Họ hy vọng các biện pháp cấm vận, sức ép ngoại giao và trên hết thảy là cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ với khoảng 30 triệu dân Venezuela cuối cùng sẽ tạo ra sự thay đổi.
Nhưng sau nhiều tháng chờ đợi trong tình cảnh mất điện, mất nước kéo dài, những người ủng hộ phe đối lập Venezuela bắt đầu hoài nghi. Khi tình trạng khủng hoảng kinh tế, thiếu thốn nhu yếu phẩm kéo dài, người dân Venezuela bắt đầu quay sang đổ lỗi cho phe đối lập và cả Mỹ vì đã khiến cuộc sống của họ rơi vào tình cảnh khốn cùng.
Toan tính của Mỹ là khiến người dân Venezuela lâm vào cảnh đói khát khốn để phá vỡ lòng trung thành của quân đội nước này với Tổng thống trước khi liên minh các quốc gia Nam Mỹ chống Maduro tan rã. Tuy nhiên, nguy cơ phá sản của kịch bản này đang ngày càng cao, đi kèm với nỗi khốn khổ của người dân Venezuela.
Theo các chuyên gia phân tích, điều này lý giải việc một số thành viên phe đối lập và người ủng hộ ở Venezuela mong chờ một chiến dịch đổ bộ của quân đội Mỹ để sớm chấm dứt tình hình bế tắc. Tuy nhiên, với chính sách "nước Mỹ trên hết" hiện nay của Trump, ông đây không phải là phương cách giải quyết khủng hoảng, mà có thể khiến tình hình ở Venezuela thêm trầm trọng.
Về phía Nga, nước này cáo buộc Mỹ đang có âm mưu thực hiện “một cuộc đảo chính” nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Nga nhấn mạnh, những hành động của Mỹ “vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền ".
Ngày 23/3, khoảng 100 binh sĩ Nga đã có mặt ở thủ đô Caracas và đó được xem là hành động thể hiện sự ủng hộ của Moscow dành cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Tình huống này được nhiều người so sánh với việc Điện Kremlin hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Năm 2015, sự tham gia của Nga làm thay đổi cục diện của cuộc nội chiến, giúp Assad duy trì quyền lực và đưa Nga trở thành người chơi có thế lực lớn ở Trung Đông.
Chính sự can thiệp ngày càng sâu của Nga ở Caracas đang là thách thức đối với Mỹ, bên muốn Maduro rời ghế và công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời.
Để đối phó với sự hiện diện ngày càng lớn về chính trị, quân sự của Moskva ở ngay sân sau của mình, ông Trump hồi tuần trước cảnh báo "Nga phải rút khỏi Venezuela", rằng "mọi biện pháp đang được cân nhắc".
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng tuyên bố hành động "khiêu khích" của Nga là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình thế giới và an ninh khu vực, đồng thời cam kết bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đối tác ở Tây Bán cầu.
Tuy nhiên, những lời đe dọa như vậy đến nay có vẻ không còn tác dụng với Nga. Điện Kremlin bác bỏ yêu cầu rút lực lượng quân sự khỏi Venezuela của Washington, khẳng định các binh sĩ của họ sẽ bám trụ ở đây đến chừng nào còn cần thiết.
Ngay sau tuyên bố trên của Nga, giới chức Mỹ đã nổi giận đùng đùng, liên tiếp đưa ra những lời chỉ trích gay gắt và những lời cảnh báo đáng sợ. Ngoài lời cảnh báo gây giật mình của Tổng thống Trump được đề cập ở trên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng lên tiếng, miêu tả hoạt động triển khai binh sĩ của Nga đến Venezuela là sự khiêu khích không cần thiết.
Ông Pence cũng kêu gọi Nga từ bỏ sự ủng hộ dành cho ông Maduro và thay vào đó là ủng hộ cho ông Juan Guaido - lãnh đạo đối lập ở Venezuela đang được Washington hậu thuẫn. Ông Juan Guaido hồi tháng Một đã tự mình tuyên bố là Tổng thống lâm thời của Venezuela.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Mỹ lên án việc Nga triển khai các máy bay quân sự và binh sĩ đến Caracas. Đây là một hành động thêm nữa đi ngược lại với lời kêu gọi của cả ông Nicolas Maduro và Nga về việc không can thiệp vào tình hình nội bộ của đất nước Venezuela. Hành động của Nga cũng là hành động bất cẩn, làm leo thang căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong một cuộc điện đàm rằng, Washington sẽ “không ngồi yên” nếu Nga ủng hộ, hậu thuẫn cho ông Maduro. Tuy nhiên, ông Pompeo không cho biết Mỹ sẽ làm gì để phản ứng lại việc Nga đưa quân vào Venezuela.