Về phương án đổ 40 triệu m3 bùn ra biển Cát Bà (Hải Phòng): Nhiều nhà khoa học tiếp tục lên tiếng

24/08/2012 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công lý đã có bài viết “Đổ 40 triệu m3 bùn ra biển Cát Bà: Lợi bất cập hại (!?)”. Sau đó, Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả trong và ngoài nước về vấn đề này.

Báo Công lý  tiếp tục  phản ánh những ý kiến cảnh báo của các nhà khoa học trong việc có nên đổ 40 triệu m3 bùn ra biển Cát Bà.

GS.TS Phạm Khắc Hùng, Viện xây dựng công trình biển, Đại học Xây dựng: Không thể lấy lợi ích của công ty để đánh giá một công trình tồn tại hàng trăm năm. 

 

Chúng tôi đã xem xét báo cáo Đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư và có các buổi họp sơ bộ và thấy cần phải xem xét lại thật kỹ khu vực đổ bùn. Thứ nhất, số liệu của điều kiện môi trường liên quan tới sóng gió, dòng chảy chưa phải là điều kiện bất lợi nhất để đánh giá khuếch tán của bùn, là yếu tố cần phải tính lại để có một khẳng định chắc chắn là với điều kiện bất lợi nhất của tự nhiên vẫn không ảnh hưởng tới khu vực bảo tồn sinh quyển của đảo Cát Bà. Thứ hai, khu vực luồng lạch của Hải Phòng có đặc điểm bồi lắng rất cao. Cho nên, ngoài khối lượng bùn, đất gần 40 triệu m3 đổ ra, còn phải tính tới lượng nạo vét hàng năm nên chiều cao của nó sẽ lớn hơn, dẫn tới độ khuếch tán sẽ cao hơn.

 

Về phương án đổ 40 triệu m3 bùn ra biển Cát Bà (Hải Phòng): Nhiều nhà khoa học tiếp tục lên tiếng

GS.TS Phạm Khắc Hùng, Viện xây dựng công trình biển, Đại học Xây dựng

 

Khi tham gia hội đồng và đọc các tài liệu, tôi có thắc mắc vì sao lại không đổ bùn lên bờ. Đại diện JICA giải thích, đổ lên bờ nó có hai cái nhược điểm: Thứ nhất, giá thành đắt. Thứ hai, không đảm bảo tiến độ. Tôi cho rằng, không thể vì giá thành đắt mà chỉ nhìn một cái lợi ích trước mắt, mà không nhìn cái phải trả giá sau này, phải thường xuyên ngăn chặn khuếch tán bùn đến nơi dự trữ sinh quyển Cát Bà là việc rất khó khăn. Về tiến độ, nếu chỉ đơn thuần tiến độ thì so với cả một thế kỷ sau này thì tiến độ đó là không đáng kể. Do vậy, nếu lấy một lợi ích của Công ty làm trực tiếp việc này để mà đánh giá một công trình tồn tại hàng trăm năm thì tôi nghĩ cần phải xem xét.

 

Hôm đi khảo sát trực tiếp, đại biểu JICA nói rằng, bùn chất lượng rất xấu nên không thể đưa lên bờ sử dụng được. Nhưng một số nhà địa chất về biển lại nói rằng, lớp bùn xấu chỉ có ở lớp mặt thôi, còn ở dưới vẫn là cát và sét, cái đó vẫn sử dụng được để san lấp mặt bằng. Phương án này chủ đầu tư không muốn đặt lại thì chúng tôi thấy có một cái bức bối về những điều chưa được làm sáng tỏ. Tôi nghĩ, hầu như người ta không tính toán chi tiết nếu đổ bùn lên bờ thì tiến độ chậm bao nhiêu lâu và giá thành tăng như thế nào? Nhưng họ nhìn một cách khái quát kinh nghiệm của họ nên họ đi sâu vào ngay phương án đổ ra biển. Theo tôi, phải có tất cả các phương án và được tính toán chi tiết. Rồi từ đó xem phương án nào là thích hợp nhất. Tôi nghĩ rằng, việc làm đó phải hết sức nghiêm túc vì đó là công trình khoa học Nhà nước không thể để lại mãi tiếng xấu, bức xúc cho người dân.

 

Rất nhiều cảng ven biển tôi đã tham gia kiểm tra đánh giá Báo cáo tác động môi trường thì phần lớn là sử dụng bùn để san lấp mặt bằng. Riêng dự án cảng Lạch Huyện thì lại đổ bùn ra biển, và tôi càng thấy rất ngạc nhiên vì lại đổ ngay bên cạnh Cát Bà. Và ý kiến của JICA chỉ là phục quyền lợi của người ta trong một thời gian ngắn người ta làm cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, chỗ đó chúng ta phải xem xét rất là kỹ. 

 

GS.TS KH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng: Hệ sinh thái biển sẽ bị thay đổi theo hướng bất lợi.

 

Việc đổ bùn ra biển có bất lợi là hệ sinh thái biển sẽ bị thay đổi. Sở dĩ chúng tôi lo ngại là vì, xung quanh đấy có một sự ổn định của hệ sinh thái. Ngoài cá, tôm, cua, rong và hải sản khác thì nó còn có cỏ biển, rừng ngập mặn, hệ san hô. Cái này cần phải đánh giá kỹ… Riêng ý tôi, là một nhà sinh học, tôi thẩy rõ ràng là bị thiệt hại. Khi thay đổi môi trường, đặc biệt là môi trường bùn đất, chắc chắn là cỏ biển và san hô sẽ bị xâm phạm. Hai cái ấy là hai cái không nhìn thấy được bởi nó nằm sâu ở dưới mặt nước. Nhưng nó có quy luật, khi thay đổi các đặc tính hóa học hoặc vật lý thì tất cả đều bị thay đổi theo hướng bất lợi... 

 

TS. Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường: Cần phải căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường.

 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, chủ đầu tư phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Cần phải căn cứ vào luật, vào nghị định để chất vấn chủ đầu tư. Việc chất vấn được tiến hành theo hồ sơ của họ. Chủ dự án phải trả lời chất vấn của các thành viên của Hội đồng thẩm định ở các khía cạnh: Vùng Cát Bà là vùng rất lớn, nó có các khu bảo tồn, các hệ sinh thái biển, nên phải làm rõ các khu bảo tồn ở đó bị ảnh hưởng ra làm sao, các hệ sinh thái tự nhiên cần bảo vệ nó…

 

TS Lê Hoàng Lan, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn truyền thông văn hóa - giáo dục - môi trường: Mô hình nước ngoài áp dụng vào Việt Nam phải phù hợp...

 

Chất thải dưới biển có những kết cấu phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đổ ở bất cứ chỗ nào thuộc vùng biển này cũng bị ảnh hưởng. Lượng bùn sẽ bị bồi lắng, ảnh hưởng cả Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn và cả Vịnh Hạ Long, làm hỏng cả hệ sinh thái biển nơi đây. Thêm nữa, nếu bùn đổ thải không kiểm soát được mà tái phát tán ngược lại thì lại phải nạo vét, lại phải khắc phục môi trường. Trên thực tế các hệ lụy gây suy thoái môi trường thường không thấy ngay được, mà phải rất lâu sau mới thấy. Trong khi những chi phí từ việc phải lựa chọn phương án xử lý ngay từ đầu cho hiệu quả thường cao nên chủ đầu tư không bao giờ thích… Phía chủ đầu tư đã nhập mô hình của nước ngoài. Tuy nhiên áp dụng vào Việt Nam thì phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thời tiết khí hậu, dòng chảy… 

 

Tùng Lâm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về phương án đổ 40 triệu m3 bùn ra biển Cát Bà (Hải Phòng): Nhiều nhà khoa học tiếp tục lên tiếng