Về Kỳ Sơn, thăm người anh hùng từng diệt “Vua trời”

09/07/2014 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc đời ông luôn gắn liền với từng chặng đường đi lên của huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, từ những ngày bị áp bức đến quá trình đấu tranh cách mạng và trong cả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay.

Ông là Vừ Chông Pao, 84 tuổi - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một cây đại thụ trong lòng các dân tộc vùng biên giới miền Tây xứ Nghệ.

Trong chuyến công tác về huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tôi đã được gặp ông Vừ Chông Pao, người được cộng đồng các dân tộc miền Tây xứ Nghệ tấn phong là “ông vua diệt phỉ”. Cuộc đời ông là nối dài những cống hiến vì sự bình yên và phát triển của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này.

Lớn lên đúng lúc quê hương Kỳ Sơn bị quân Pháp chiếm đóng, ông Pao đã sớm phải chứng kiến những đau thương, mất mát của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Hàng ngày, quân giặc ra sức càn quét cả bản trên, mường dưới, bắn giết bao người vô tội. Các bản mường khiếp sợ, đồng bào dắt díu nhau trốn chạy khắp núi rừng dọc tuyến biên giới. Trước tình thế ngặt nghèo đó, chàng trai người Mông Vừ Chông Pao lúc này vừa tròn 18 tuổi (năm 1948) đã cùng người anh trai là Vừ Giống Chư và anh rể là Lầu Dê Tu đứng ra thành lập đội du kích, nhiệm vụ chính là chỉ huy việc sơ tán dân bản, cất giấu tài sản, không để rơi vào tay giặc.

Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến được thành lập nhưng cơ sở vật chất phục vụ chiến đấu ở Kỳ Sơn còn rất thiếu thốn. Lúc này, Vừ Chông Pao và đội quân gồm các thanh niên trai tráng trong bản làng tại xã Na Ngoi, Mường Ải - Kỳ Sơn với các loại súng tự chế, chông, gươm, giáo đã trở thành điểm tựa vững chắc chống giặc, là mô hình được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới. Năm 1950, từ Đội trưởng đội du kích, Vừ Chông Pao được điều lên làm Phó, rồi Trưởng Công an xã Na Ngoi.

Cũng trong khoảng thời gian làm Trưởng Công an xã Na Ngoi, Vừ Chông Pao có vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là vào dịp ông được mời ra dự lễ Quốc khánh 2/9/1954. “Lúc đó ta chưa thạo tiếng Kinh nên nghe Bác nói chuyện chưa hiểu gì lắm. Chúng ta được vào nghe Bác nói chuyện. Cố gắng lắng nghe, ta chỉ nhớ Bác nói về việc xây dựng đại đoàn kết để 54 dân tộc anh em thành một khối vững chắc. Bác kể chuyện bó đũa sẽ dễ dàng bị bẻ gãy nếu tách ra từng chiếc một và ta nhớ mãi câu chuyện đó. Khi về địa phương, ta đã đem câu chuyện của Bác Hồ kể lại cho người dân trong xã và bàn luận thì mọi người mới càng thấm thía”, ông Pao kể.

Về Kỳ Sơn, thăm người anh hùng từng diệt “Vua trời”

Ông Pao đi thăm hỏi bà con, dân bản

Đến năm 1961, khi huyện Tương Dương thành hai huyện là Tương Dương và Kỳ Sơn thì ông lại được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận đầu tiên của huyện Kỳ Sơn. Một thời gian sau đó, tình hình huyện biên giới Kỳ Sơn tiếp tục trở nên phức tạp, bọn địch lại tràn sang phá hoại, câu kết và xui khiến bọn phản động đứng lên làm loạn, đốt phá bản làng, tàn sát nhân dân. Trong số đó, phải kể đến tên Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà (tức Vua trời) ở vùng Mường Lống. Tên này đã ra sức dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn theo nó để giết hại đồng bào mình, chống lại chính quyền địa phương.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận huyện, ngày 2/9/1963, ông Vừ Chông Pao được ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh. Sau khi dự xong lễ kỷ niệm Quốc khánh, ngày 3/9/1963, các đại biểu dân tộc thiểu số được mời vào gặp Bác. Trong lúc trò chuyện, Bác hỏi: “Ở Kỳ Sơn, Nghệ An có chuyện gì không?”. Nghe câu hỏi của Bác, cả đoàn đều lặng im. Thấy vậy, ông Pao liền đứng lên thưa: “Thưa Bác, ở Kỳ Sơn đang có bọn phỉ tự xưng là Châu Phà (Vua trời) dụ dỗ dân, chống lại bộ đội”. Bác lại hỏi: “Thế các chú xử lý thế nào?”. Ông Pao dõng dạc thưa : “Thưa Bác, theo cháu, ai theo giặc Châu Phà, cầm súng bắn lại nhân dân, bộ đội thì tuyên án tử hình. Ai theo Châu Phà, cầm súng, chưa gây tội, chưa bắn bộ đội và nhân dân thì phạt cải tạo từ 1-3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ Châu Phà thì phạt cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm…”.

Ông Pao cứ tưởng sẽ được Bác Hồ khen về cách xử lý nghiêm khắc và cứng rắn của mình, nhưng Bác lại xua tay, bảo: “Làm thế không được các chú ạ! Phải xác định kẻ thù của chúng ta là ai? Kẻ nào muốn cướp nước ta? 54 dân tộc anh em đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay trình độ hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Nếu các chú đều coi đồng bào là thù thì đánh cả đời không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ được hòa bình. Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước…”.

Sau khi được nghe Bác Hồ giảng giải, ông Pao như thoát khỏi đám sương mù. Ông thấy rõ hơn bao giờ hết chân dung kẻ thù của dân tộc và những âm mưu xấu xa, thâm độc của chúng. Từ Hà Nội trở về, nhiều đêm ông chong đèn thức trắng để nghĩ cách tiêu diệt “Châu Phà”, đập tan âm mưu của kẻ thù. Trước đó, Giàng Xay Xua được các cha cố Pháp dạy ghép chữ Latin để viết chữ Mông rồi về bảo với dân bản đây là chữ của vua trời cho người Mông. Dân quân ta ném ba quả mìn vào nhà Xua nhưng quên không mở chốt, Xua nhặt lấy đem ra cho dân xem, bảo vua trời không cho nổ khiến dân bản tin lắm. Chính vì thế, việc diệt được Xua là vô cùng khó khăn, vất vả.

Nghĩ mãi rồi ông Pao cũng nảy ra được một kế. Trong toán thuộc hạ đắc lực và thân tín của Giàng Xay Xua có Lỳ Vả Chinh là chồng của Vừ Y Lầu - chị họ của ông Pao. Sau nhiều lần vận động, Y Lầu đồng ý vào rừng vận động chồng quay về để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Lầu vận động thành công, Chinh nghe theo lời vợ bỏ rừng về hàng. Không những thế, Vả Chinh còn gọi thêm 58 tên phỉ khác về hàng theo. Giàng Xay Xua mất quân, nhanh chóng thất bại khi bị bộ đội ta tấn công vào hang Phả Phìa và động Phồng Phên…

Đến năm 1969, ông Vừ Chông Pao được giao trọng trách là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn và ông giữ cương vị này trong suốt 20 năm. Sau đó, ông lại giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thêm một nhiệm kỳ cho đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Trong cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, Vừ Chông Pao là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc các khóa IV, V và VI. Năm 2010, ông là đại biểu của tỉnh Nghệ An ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất. Và, tại đại hội này, ông vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng xứng đáng cho người suốt đời cống hiến vì sự bình yên và phát triển của huyện Kỳ Sơn.n

Tuấn Lê

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Kỳ Sơn, thăm người anh hùng từng diệt “Vua trời”