Khi đất trời lất phất mưa xuân, các liền anh liền chị quan họ của vùng Kinh Bắc lại về Đồi Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) trẩy hội.
Hội Lim năm nay diễn ra vào ngày 27, 28 - 2 (tức ngày 12, 13 tháng Giêng) tại thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh). Trong đó, ngày 13 tháng giêng là ngày chính hội, diễn ra các nghi lễ và hoạt động vui chơi chính.
Trước đó, từ sáng ngày 12 tháng Giêng tổ chức dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận Công Nguyễn Đình Diễm trên đồi Lim. Trong tối cùng ngày, các liền anh liền chị đã thi hát, hát dã bạn ở nhà nhau cho đến sáng. Những canh hát trong buổi tối này thu hút sự quan tâm của nhiều du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây. Không phải chèo thuyền trên sông, các liền anh liền chị túm ba tụm bảy trong nhà, hát thâu đêm, có canh hát cho đến tận sáng nếu như khách có yêu cầu.
Đến sáng ngày 13 tháng Giêng, người dân làng Lim mới bắt đầu hoạt động rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim. Hội Lim là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng độc đáo và tiêu biểu của vùng quê Kinh Bắc.
Các liền anh, liền chị ngồi thuyền rồng hát đãi khách thập phương
Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim.
Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậuPhật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào "ngày sinh" và "ngày hóa" của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim. Song trải tháng năm lịch sử, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng.
Vì thế, lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc; đồng thời giới thiệu đến đông đảo các du khách trong và ngoài tỉnh về con người, về văn hóa nơi đây.
Hàng nghìn du khách thập phương về đồi Lim trẩy hội
Những liền anh liền chị mớ ba mớ bẩy, ngồi thuyền trên sông và cất tiếng hát ngọt ngào là mê hoặc du khách thập phương. Cho đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại: “Người ơi, người ở đừng về…”.
Được biết, mùa lễ hội năm nay, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm ANTT, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… nhằm cho du khách thập phương du Xuân, trảy hội vui tươi, lành mạnh.
Về Hội Lim, du khách còn được thưởng thức trầu têm cánh phượng, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh Bắc "hát hay, khéo tay"
Cận cảnh đĩa trầu têm cánh phượng vô cùng đẹp mắt do bàn tay khéo léo của con gái Kinh Bắc têm