Bác sĩ thú nhận do sự tắc trách và chuyên môn kém, chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai và gây ra cái chết cho bệnh nhân; Lãnh đạo bệnh viện xin lỗi và nhận hoàn toàn trách nhiệm nhưng sau đó đã “lật kèo”, gây bức xúc cho gia đình nạn nhân...
Đó là nội dung đơn của chị Mai Thị Thu Trang, trú tại P109, nhà D6, Khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội gửi Báo Công lý.
Chết bất thường sau ca mổ ruột thừa
Theo trình bày của chị Trang, tối 7-8-2012, bố chị là ông Mai Trung Kiên, SN 1955 bị đau bụng nên gia đình đã đưa vào Bệnh viện Việt Pháp (BVFV) Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi khám, bác sỹ kết luận ông Kiên bị viêm ruột thừa nên phải mổ. Gia đình đã thông báo với bệnh viện là ông Kiên có tiền sử bệnh tim và đang điều trị bằng thuốc chống đông máu. Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sỹ Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại đã quyết định mổ vào lúc 15 giờ ngày 8-8-2012. Sau ca mổ kéo dài 2 tiếng, bác sĩ Tuấn báo cho gia đình là ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Nhưng hai ngày sau, ông Kiên có biểu hiện bị đau bụng và đau ngực tăng dần lên. Gia đình có báo với bác sĩ và yêu cầu được kiểm tra khẩn cấp. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn đã khẳng định là vết mổ tiến triển rất tốt và không siêu âm kiểm tra vết mổ mà chỉ lấy máu để kiểm tra men tim vì ông Kiên có tiền sử bệnh tim.
Bệnh viện Việt Pháp Tp. Hồ Chí Minh, nơi xảy ra cái chết của ông Mai Trung Kiên
Đến 18 giờ ngày 11-8 (ngày thứ 3 sau khi mổ), ông Kiên xuất hiện cơn đau bụng, đau ngực dữ dội. Gia đình lập tức báo cho BV biết nhưng các bác sĩ vẫn cho rằng ông Kiên có triệu chứng nhồi máu cơ tim và cho dùng liều cao thuốc chống đông máu. Sau đó, BVFV chuyển ông Kiên sang BV Tim Tâm Đức với lý do, BVFV không có khả năng xử lý nhồi máu cơ tim, dù gia đình yêu cầu mời bác sĩ bên Bệnh viện Tim Tâm Đức về cấp cứu kịp thời nhưng bác sĩ Tuấn không chịu.
Mãi đến 20 giờ cùng ngày, ông Kiên mới được đưa vào Phòng Cấp cứu BV Tâm Đức. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn BV Tâm Đức, ông Kiên được cho làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Kết luận của BV Tâm Đức cho thấy: Nguyên nhân đau của ông Kiên không phải từ tim vì các thông số kiểm tra tim mạch đều bình thường - mà khi siêu âm - BV Tâm Đức phát hiện ông Kiên bị chảy máu ổ bụng (xuất huyết nội) do mổ ruột thừa tại BVFV và tiên lượng rất nguy kịch do thiếu máu trầm trọng.
Để có thể cứu sống ông Kiên, BV Tâm Đức đã giải thích cho gia đình về tình hình của ông Kiên rồi chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức, đồng thời BV Tâm Đức cũng đề nghị gia đình chị Trang yêu cầu sự cộng tác của bác sĩ Đức Tuấn - người đã trực tiếp mổ ruột thừa cho ông Kiên. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn không hợp tác và nói là “cử người khác sang”.
Chỉ đến khi nhân viên do bác sĩ Tuấn cử đi, gọi về cho biết bệnh nhân Kiên đang trong tình trạng nguy kịch do chảy máu ổ bụng thì bác sĩ Tuấn mới đi bộ từ BVFV sang BV Tâm Đức. Sau khi xem xong tình trạng của ông Kiên, bác sĩ Tuấn nói với chị Trang là phải chuyển bố chị về lại BVFV để xử lý vì cơ sở vật chất tại Tâm Đức không bảo đảm mặc dù bác sĩ BV Tâm Đức khẳng định đủ khả năng mổ cấp cứu cho bố chị Trang.
23 giờ đêm 11-8, ông Mai Trung Kiên được đưa ngược về BVFV. Theo tư vấn của PGS.TS bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Đức với gia đình chị Trang thì ông Kiên nên được mổ hở để khâu cầm máu, kết hợp xử lý chống đông máu đồng thời lấy sạch máu trong ổ bụng nhằm tránh viêm phúc mạc. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cần được truyền máu, hồi sức tích cực.
Mãi đến 23 giờ 30, chị Trang mới tìm thấy bác sĩ Tuấn và đề đạt nguyện vọng, lúc đó cả người nhà chị Trang là bác sĩ Trương Thị Xinh, nguyên giảng viên Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh đề nghị là “hãy mổ gấp cho ông Kiên” và sẵn sàng hỗ trợ bác sỹ Tuấn để xử lý ca này. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn khẳng định “bệnh nhân vẫn đang được truyền máu và chờ xử lý”. Và, ông Kiên đã tử vong ngay sau đó. Chị Trang và bác sĩ Xinh bị yêu cầu ra ngoài, rất đông nhân viên bảo vệ được triệu tập lên và bác sĩ Tuấn lập tức bỏ trốn.
Yêu cầu phải xử lý hình sự
Sau khi ông Kiên mất, đại diện của BVFV không hề có động thái gì với gia đình. Chỉ đến khi gia đình có đơn gửi đến Bộ Y tế, Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh và các cơ quan báo đài phản ánh sự việc thì BVFV mới cử đại diện đến thăm hỏi gia đình chị Trang.
Ngày 18-8-2012, Ban Giám đốc BVFV và bác sỹ Lê Đức Tuấn đến gặp gia đình chị Trang. Trước bàn thờ của ông Mai Trung Kiên, bác sỹ Tuấn đã thú nhận là do sự tắc trách và chuyên môn kém, chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai, vì thế đã gây nên cái chết cho ông Kiên và xin được gia đình tha thứ cũng như chấp nhận mọi hình thức kỷ luật theo quy định. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành cũng thay mặt BVFV xin lỗi và nhận hoàn toàn trách nhiệm về sự sai sót về quy trình của bệnh viện và cả êkip bác sỹ để gây ra sự việc nghiêm trọng này.
Tiếp theo, ngày 23-8-2012, ông Jean Marcel Guillon, Tổng Giám đốc BVFV và bà Mai lại tiếp tục đến làm việc với gia đình và cho biết không chỉ có bác sỹ Tuấn mà còn có 5 bác sỹ nữa cùng điều trị cho ông Mai Trung Kiên cũng sẽ bị xem xét kỷ luật vì đã gây ra cái chết của ông Kiên. Đồng thời, ông Jean Marcel Guillon cũng đã cam kết với gia đình sẽ thực hiện 3 việc sau: BVFV sẽ công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông về việc sai phạm của mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng; Sau khi có kết luận của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, BVFV sẽ quyết định và thông báo về hình thức kỷ luật đối với bác sỹ Tuấn và tất cả các bác sỹ điều trị cho ông Kiên; BVFV đề nghị sẽ chi trả toàn bộ các chi phí tổn thất cho gia đình bao gồm: Viện phí tại BVFV, viện phí tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, chi phí tang lễ và phần đền bù tổn thất.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc ngày 30-8-2012 thì sự việc hoàn toàn đi ngược lại những gì mà BVFV đã đề nghị và cam kết thực hiện. Thậm chí, lãnh đạo BVFV còn tỏ thái độ thiếu tôn trọng và coi thường gia đình chị Trang cũng như thiếu sự hợp tác để giải quyết thấu đáo sự việc này.
Trước đó, ngày 29-8-2012, gia đình chị Trang cũng đã nhận được công văn của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đã khẳng định nguyên nhân gây ra cái chết của ông Kiên là do Bệnh viện FV đã không chuẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội.
Bất bình trước hành động của BVFV, gia đình chị Trang đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh đề nghị khởi tố vụ án và xem xét trách nhiệm hình sự đối với bác sĩ Lê Đức Tuấn với các tội danh: Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội Không cứu giúp người trong tình trạng nguy kịch và tội Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh… quy định trong BLHS.
Thiết nghĩ, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề chuyên môn, y đức người thầy thuốc và tính mạng của bệnh nhân, đề nghị CQĐT sớm vào cuộc điều tra, làm rõ.
Nhóm PV