Các chuyên gia của VDSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 5,6% xuống 5% sau khi kết quả tăng trưởng quý I khá thấp.
Việc hạ dự báo được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu trong báo cáo vĩ mô vừa công bố. Trong quý đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,3%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (quý I/2020 và quý III/2021) thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2009.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại từ 6,7-7,9%.
VDSC cho rằng mục tiêu này không những thách thức mà còn thiếu khả thi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong lằn ranh của suy thoái, sự suy giảm của thị trường bất động sản và tiêu dùng trong nước mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Ngoài ra kỳ vọng về câu chuyện Trung Quốc mở cửa và phục hồi đang diễn biến khá chậm.
Dự báo đầu năm của VDSC về tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 5,6%. Với diễn biến tăng trưởng kinh tế quý I thấp, VDSC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm về mức 5%.
Dự báo này đưa ra trên cơ sở sản xuất công nghiệp cải thiện trong các quý tới; niềm tin kinh doanh và tiêu dùng phục hồi kể từ nửa sau năm 2023 nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng; đầu tư công các quý tới dự kiến tăng tốc hơn so với quý I và tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Giả định cho dự báo trên là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm ở mức trung bình, mặt bằng lãi suất và lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và tiêu dùng và những hỗ trợ của Chính phủ về chính sách tài khoá và tiền tệ sớm được triển khai.
Báo cáo cũng cho biết nhìn từ góc độ sử dụng, bức tranh tăng trưởng kinh tế xấu đi đáng kể. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3%, tương đương mức tăng vào quý I/2020 và thấp hơn đáng kể mức tăng bình quân của nhóm này trong những giai đoạn không phải dịch bệnh.
Đầu tư tích lũy tài sản gần như không tăng trưởng trong quý I, trong khi bức tranh xuất nhập khẩu yếu đi đáng kể là điều đã được nhìn thấy trước qua số liệu tăng trưởng thương mại.
Tác động của sự sụt giảm của nhu cầu từ bên ngoài đối với Việt Nam cũng thể hiện rõ qua tăng trưởng GRDP của một số tỉnh thành có quy mô sản xuất công nghiệp lớn và tập trung FDI như Bắc Ninh (-11,85% so với cùng kỳ), Quảng Nam (-10,88% so với cùng kỳ), Bình Dương (+1,15% so với cùng kỳ) và Đồng Nai (+3,25% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, một số tỉnh thành vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GRDP tốt hơn như Thái Nguyên (+6,53% so với cùng kỳ), Bắc Giang (+8,4% so với cùng kỳ) và Hải Phòng (+9,65% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, TP HCM vốn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng tăng trưởng GRDP trong quý I chỉ đạt 0,7%. Trong đó, lĩnh vực xây dựng và bất động sản giảm lần lượt 19% và 16% so với cùng kỳ, bán lẻ tiêu dùng chiếm hơn 18% cơ cấu GRDP của thành phố chỉ tăng 3,8%.
Diễn biến trên cho thấy dường như tất cả các động lực tăng trưởng đang yếu đi một cách đáng kể, một phần là do sự suy giảm của khu vực FDI, xuất khẩu nhưng cũng có phần nhiều đến từ động lực nội tại như tiêu dùng và đầu tư.